EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam: Tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức
25/10/2021 328Giải pháp tận dụng cơ hội từ EVFTA
EVFTA có nhiều cam kết có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tăng cường xuất nhập khẩu với thị trường EU. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ càng các nội dung liên quan của EVFTA để có thể tận dụng được tối đa các lợi ích của Hiệp định:
- Tìm hiểu cam kết thuế quan của Việt Nam và EU trong Phụ lục 2-A của Chương 2 – Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường hàng hóa của Hiệp định. Cần lưu ý là các cam kết trong EVFTA là cam kết tối thiểu của mỗi bên. EU đã cam kết xóa bỏ toàn bộ thuế quan đối với các sản phẩm nhựa ngay sau khi EVFTA có hiệu lực nên mức thuế 0% sẽ là cố định trong suốt quá trình thực hiện EVFTA. Tuy nhiên, Việt Nam cam kết cắt giảm thuế quan theo lộ trình với nhiều sản phẩm nhựa và theo EVFTA Việt Nam có thể cắt giảm mạnh hơn so với cam kết. Do đó, trên thực tế, căn cứ vào nhu cầu trong nước, Việt Nam tại một thời điểm nào đó có thể áp dụng một mức thuế thấp hơn so với mức cam kết. Do đó, để biết chính xác nhất mức thuế quan mà Việt Nam áp dụng đối với các sản phẩm nhựa EU thì doanh nghiệp phải căn cứ và Nghị định quy định biểu thuế quan ưu đãi đặc biệt thực hiện EVFTA của Việt Nam trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, cần lưu ý là trong vòng 2 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực doanh nghiệp vẫn được tiếp tục áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan GSP. Do đó doanh nghiệp vẫn được lựa chọn áp dụng ưu đãi thuế quan EVFTA hay GSP, áp dụng cơ chế nào thì phải đáp ứng được quy tắc và thủ tục xuất xứ của cơ chế đó.
- Tìm hiểu các quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA trong Nghị định thư 1 - Quy định hàng hoá có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính. Việt Nam cũng đã nội luật hóa quy định về Quy tắc xuất xứ của EVFTA trong Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/06/2020 quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA.
- Tìm hiểu các vấn đề liên quan khác như Phòng vệ thương mại (Chương 3), Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại (Chương 4), TBT (Chương 5), Đầu tư (Chương 8), Sở hữu trí tuệ (Chương 12) …
Giải pháp ứng phó với các biện pháp, yêu cầu của thị trường xuất khẩu
Ngoài các vấn đề về thuế quan và thủ tục xuất xứ, khi xuất khẩu các sản phẩm nhựa sang EU các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú ý đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu khác, như các quy định về chất lượng, kỹ thuật, ghi nhãn. Mặc dù so với nhiều sản phẩm khác thì các sản phẩm nhựa gặp ít các quy định nhập khẩu khắt khe hơn, nhưng doanh nghiệp cũng cần chú ý để tuân thủ, đặc biệt phải thường xuyên cập nhật quy định của EU để nếu có thay đổi cũng kịp thời đáp ứng.
Ngoài ra, khi xuất khẩu doanh nghiệp cũng phải đáp ứng được các yêu cầu của nhà nhập khẩu và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Vì thế, giải pháp hữu hiệu nhất là làm việc cụ thể với phía nhập khẩu xem họ yêu cầu các tiêu chí tiêu chuẩn cụ thể nào, và thị hiếu của người tiêu dùng ra sao để đáp ứng được đầy đủ.
Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
EU là một thị trường khó tính và đã tồn tại rất nhiều đối thủ cạnh tranh do đây là thị trường tiềm năng của tất cả các nước xuất khẩu. Do đó, để thâm nhập và chiếm lĩnh được thị trường này doanh nghiệp nhựa phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, cụ thể:
- Đầu tư vào máy móc, thiết bị và đổi mới công nghệ: ngành nhựa là một ngành mà chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào máy móc và công nghệ sản xuất. Do đó, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nhựa thì doanh nghiệp cần đầu tư vào máy móc và công nghệ.
- Đầu tư vào nguồn nhân lực: có kế hoạch đào tạo lao động bài bản, thường xuyên bồi dưỡng năng lực cho các cán bộ chủ chốt, đặc biệt là các kỹ sư công nghệ, các chuyên viên nghiên cứu thị trường….
- Chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm: đây là vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam thường ít chú trọng, chủ yếu làm theo đơn hàng gia công của nước ngoài nên giá trị gia tăng không cao. Vì thế để nâng cao lợi nhuận các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng thương hiệu của riêng mình, và đầu tư phát triển thương hiệu đó, quảng bá tới các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng EU thông qua các hình thức khác nhau.
- Nghiên cứu kỹ thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng: do thị trường EU đã tương đối bão hòa các sản phẩm nhựa nhập khẩu, nên việc tìm ra thị trường ngách có lẽ là giải pháp phù hợp cho nhiều doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19 nhiều người tiêu dùng EU có xu hướng chuyển sang các sản phẩm có giá cả phải chăng hơn, khi đó hàng nhựa Việt Nam có thể sẽ có nhiều cơ hội ở thị trường này. Để đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu thị trường đầy đủ và kết nối chặt chẽ với các nhà nhập khẩu để xác định chính xác nhất những sản phẩm mà thị trường và người tiêu dùng EU đang có nhu cầu cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam cũng có thể cân nhắc giải pháp liên doanh liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để tăng thêm tiềm lực tài chính, quản lý và đặc biệt là công nghệ để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm của mình, từ đó có thể thâm nhập các thị trường phát triển, không chỉ EU mà Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada….
Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam”
- Trung tâm WTO và Hội nhập
- EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam: Cơ hội xuất, nhập khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam
- EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam: Triển vọng và Xu hướng phát triển
- EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam: Tình hình xuất nhập khẩu nhựa vào thị trường EU
- EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam: Các nguồn thông tin và hỗ trợ cho doanh nghiệp
- EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam: Các công cụ thương mại miễn phí