EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam: Cơ hội xuất, nhập khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam

26/10/2021    2528

Xuất khẩu

EU là thị trường nhập khẩu nhựa lớn nhất thế giới, với giá trị nhập khẩu nhựa năm 2019 là 207 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị nhập khẩu nhựa của thế giới. Nếu chỉ xét nhập khẩu ngoài khối thì tổng giá trị nhập khẩu nhựa của EU năm 2019 là hơn 46 tỷ USD.

Các quốc gia ngoài EU mà EU nhập khẩu nhựa lớn nhất năm 2019 là Trung Quốc (25,2%), Hoa Kỳ (19,6%), Hàn Quốc (7,7%), Thụy Điển (7,5%), Thổ Nhĩ Kỳ (5,9%)… (bảng bên dưới). Có thể thấy đây chủ yếu là các nước lớn, có ngành công nghiệp nhựa phát triển.

Việt Nam đứng thứ 11 trong tốp các nước EU nhập khẩu nhựa năm 2019, chiếm 1,7%. Mặc dù tỷ trọng còn thấp nhưng Việt Nam là một trong số ít các nước đang phát triển nằm trong tốp này.

Bảng. Tốp các nước EU nhập khẩu nhựa nhiều nhất năm 2019

STT

Nước

Giá trị nhập khẩu (triệu USD)

Tỷ trọng

1

Trung Quốc

11,625

25.2%

2

Hoa Kỳ

9,029

19.6%

3

Hàn Quốc

3,577

7.7%

4

Thụy Điển

3,469

7.5%

5

Thổ Nhĩ Kỳ

2,730

5.9%

6

Ả Rập Xê-út

2,032

4.4%

7

Nhật Bản

2,005

4.3%

8

Ấn Độ

1,191

2.6%

9

Đài Loan

1,070

2.3%

10

Israel

990

2.1%

11

Việt Nam

787

1.7%

 

Tồng nhập khẩu vào EU

46,161

100%

Nguồn: https://madb.europa.eu

Với từng sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang EU thì thị phần nhập khẩu của các sản phẩm này tại thị trường EU cũng rất thấp. Năm 2019, chỉ riêng các sản phẩm nhựa bao bì có tỷ trọng 6,9% trong tổng nhập khẩu nhựa bao bì của EU, còn lại các sản phẩm khác đều chiếm dưới 3% tổng nhập khẩu sản phẩm tương tự của EU.

Như vậy, dư địa cho các sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường EU vẫn còn rất lớn do tỷ trọng các sản phẩm nhựa mà Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang EU trong tổng nhập khẩu sản phẩm đó của EU vẫn còn rất thấp

Bảng. Tỷ trọng nhập khẩu của tốp 10 sản phẩm nhựa Việt Nam mà EU nhập khẩu nhiều nhất

STT

Mã HS

Mô tả sản phẩm

Tỷ trọng trong nhập khẩu của EU

1

'3923

Các sản phẩm dùng trong vận chuyển hoặc đóng gói hàng hóa, bằng plastic; nút, nắp, mũ van và các loại nút đậy khác, bằng plastic.

6,9%

 2

'3926

Các sản phẩm khác bằng plastic và các sản phẩm bằng các vật liệu khác của các nhóm từ 39.01 đến 39.14.

2,6%

3

'3907

Polyaxetal, polyete khác và nhựa epoxit, dạng nguyên sinh; polycarbonat, nhựa alkyd, este polyallyl và các polyeste khác, dạng nguyên sinh.

2,2%

4

'3924

Bộ đồ ăn, bộ đồ dùng nhà bếp, các sản phẩm gia dụng khác và các sản phẩm phục vụ vệ sinh, bằng plastic.

2,3%

5

'3917

Các loại ống, ống dẫn và ống vòi, và các phụ kiện dùng để ghép nối chúng (ví dụ, các đoạn nối, khuỷu, vành đệm), bằng plastic.

1,3%

6

'3920

Tấm, phiến, màng, lá và dải khác, bằng plastic, không xốp và chưa được gia cố, chưa gắn lớp mặt, chưa được bổ trợ hoặc chưa được kết hợp tương tự với các vật liệu khác.

0,2%

7

'3921

Tấm, phiến, màng, lá và dải khác, bằng plastic.

0,5%

8

'3918

Tấm trải sàn bằng plastic, có hoặc không tự dính, dạng cuộn hoặc dạng tấm rời để ghép; tấm ốp tường hoặc ốp trần bằng plastic, như đã nêu trong Chú giải 9 của Chương này.

0,5%

9

'3902

Polyme từ propylen hoặc từ các olefin khác, dạng nguyên sinh.

0,3%

10

'3919

 Tấm, phiến, màng, lá, băng, dải và các hình dạng phẳng khác tự dính, bằng plastic, có hoặc không ở dạng cuộn.

0,2%

Nguồn: https://madb.europa.eu

Hiện tại, các sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu sang EU đang được hưởng thuế GSP phổ biến là 3%, một số ít hưởng thuế 0%.  Tuy nhiên, GSP là một cơ chế ưu đãi thuế quan do EU đơn phương áp dụng cho một số nước đang và kém phát triển. Do đó EU có quyền rút lại hoặc thay đổi mức thuế quan ưu đãi GSP bất kỳ khi nào, do đó ưu đãi được hưởng từ cơ chế này là không ổn định. Thêm nữa, nếu hàng hóa xuất khẩu sang EU đạt ngưỡng trưởng thành thì sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan GSP nữa.  Ngoài Việt Nam trong ASEAN hiện thêm có Lào, Campuchia, Myanmar, và Indonesia cũng đang được hưởng GSP của EU.

Sau khi EVFTA có hiệu lực ngày 01/08/2020, toàn bộ các sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu sang EU đã được hưởng thuế EVFTA 0%. Cơ chế ưu đãi thuế quan theo EVFTA là ổn định và lâu dài (chỉ thay đổi khi Việt Nam và EU thay đổi hoặc hủy bỏ EVFTA), và các sản phẩm nhựa sẽ luôn được hưởng thuế quan ưu đãi 0% nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ EVFTA mà không phải lo về ngưỡng trưởng thành như trong GSP. Hiện tại trong khu vực ASEAN chỉ có Singapore đã có FTA với EU nhưng nước này xuất khẩu nhựa không đáng kể sang EU.

Đối thủ lớn nhất của các sản phẩm nhựa Việt Nam tại thị trường EU là Trung Quốc không được hưởng GSP của EU và cũng chưa có FTA với EU. Do đó nước này vẫn đang bị áp thuế MFN phổ biến là 6,5% đối với các sản phẩm nhựa.

Như vậy, EVFTA sẽ giúp cho các sản phẩm nhựa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đáng kể khi tiếp cận thị trường EU khi được hưởng thuế 0% trong khi rất ít các đối thủ cạnh tranh khác được hưởng mức thuế này.

Nhập khẩu 

EVFTA là một hiệp định đặc biệt đối với ngành nhựa Việt Nam khi Việt Nam có thể được hưởng lợi cả về xuất khẩu và nhập khẩu từ thị trường EU. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là thành phẩm nhựa sang EU và nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu và bán thành phẩm nhựa từ EU để phục vụ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nhựa và các sản phẩm khác (điện tử, dệt may, giày dép…).

Trong khi đó, ngành công nghiệp nhựa của EU rất phát triển, cả ở mảng nhựa nguyên liệu và thành phẩm, thể hiện trong cơ cấu xuất khẩu của EU khá đồng đều. Năm 2019, EU xuất khẩu 225 tỷ USD nhựa, trong đó nhựa nguyên sinh chiếm 44% và thành phẩm/bán thành phẩm nhựa chiếm 56%.

Cơ hội nhập khẩu nhựa nguyên sinh

EU là một trong những khu vực có thế mạnh về sản xuất nhựa nguyên sinh, chiếm 17% tổng lượng nhựa nguyên liệu của toàn cầu năm 2018. Đặc biệt, nhóm nguyên liệu mà EU xuất khẩu nhiều nhất là Nhựa PP (HS 3901), Nhựa PET (HS 3907), và Nhựa PP (HS 3902) cũng là các nhóm nguyên liệu nhựa mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất.

Trước khi EVFTA có hiệu lực giá trị kim ngạch nhập khẩu nhựa nguyên sinh của Việt Nam từ EU không cao, chỉ chiếm 1,8% tổng nhập khẩu nhựa nguyên sinh của Việt Nam năm 2019. Một phần do các sản phẩm nhựa nguyên sinh từ EU bị áp thuế MFN 0-3%, một số ít 5-10%. Hơn nữa giá thành các sản phẩm nhựa từ EU thường cao hơn các thị trường nhập khẩu khác và tốn nhiều chi phí vận chuyển do khoảng cách địa lý xa. Vì thế các doanh nghiệp nhựa Việt Nam thường lựa chọn nhập khẩu nguyên liệu nhựa từ các đối tác FTA để được thuế ưu đãi và có vị trí gần Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN.

Với EVFTA, hầu hết các nguyên liệu nhựa từ EU sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang nhập khẩu từ nguồn nguyên liệu chất lượng cao này. Thêm vào đó, nhiều thành phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu đi EU muốn được hưởng ưu đãi thuế quan phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Vì thế, các doanh nghiệp nhựa cũng sẽ phải cân nhắc để chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang EU để thỏa mãn yêu cầu về xuất xứ này.

Bảng dưới đây thể hiện tỷ trọng của tốp 5 sản phẩm nhựa nguyên sinh của EU mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất. Các tỷ lệ này cho thấy dư địa cho các sản phẩm nhựa nguyên sinh của EU tại thị trường Việt Nam là rất đáng kể và cơ hội từ EVFTA có thể sẽ khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tăng cường nhập khẩu từ EU, thay thế phần nào nhập khẩu từ các nguồn khác.

Bảng. Tỷ trọng của tốp 5 sản phẩm nhựa nguyên sinh của EU mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất

STT

Mã HS

Mô tả sản phẩm

Tỷ trọng trong tổng nhập khẩu của Việt Nam

1

'3909

Nhựa amino, nhựa phenolic và polyurethan, dạng nguyên sinh.

9,4%

 2

'3901

Polyme từ etylen, dạng nguyên sinh.

1,2%

3

'3907

Polyaxetal, polyete khác và nhựa epoxit, dạng nguyên sinh; polycarbonat, nhựa alkyd, este polyallyl và các polyeste khác, dạng nguyên sinh.

1,2%

4

'3912

Xenlulo và các dẫn xuất hóa học của nó, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác, dạng nguyên sinh.

13,6%

5

'3906

Polyme acrylic dạng nguyên sinh.

3,5%

Nguồn: ITC Trademap

Cơ hội nhập khẩu nhựa thành phẩm

Việt Nam đang ngày càng có nhu cầu cao đối với các thành phẩm nhựa (nhựa bao bì, gia dụng, xây dựng) chất lượng tốt mẫu mã đẹp đến từ các khu vực phát triển như EU. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm này hiện tại Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu từ các đối tác truyền thống (có FTA với Việt Nam, có vị trí địa lý gần Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN…) bởi thuế MFN mà Việt Nam đang áp dụng với các sản phẩm này khá cao (một số sản phẩm 25-27%, còn phổ biến 5-10%) khiến chi phí nhập khẩu từ các nước không có FTA với Việt Nam và có vị trí xa Việt Nam gia tăng.

Với EVFTA, các thành phẩm nhựa từ EU sẽ được xóa bỏ thuế quan dần với lộ trình dài nhất là 6 năm chắc chắn sẽ giúp gia tăng nhập khẩu từ thị trường này, nhất là khi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng các sản phẩm nhựa gia dụng và xây dựng của EU.

Bảng dưới đây thể hiện tỷ trọng của tốp 5 sản phẩm nhựa thành phẩm/bán thành phẩm của EU mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất. Các tỷ lệ này cho thấy dư địa cho các sản phẩm nhựa thành phẩm/bán thành phẩm của EU tại thị trường Việt Nam là rất lớn. Với việc EVFTA sẽ cắt giảm đáng kể thuế quan khá cao mà Việt Nam đang áp dụng cho các sản phẩm này, các nhà nhập khẩu sản phẩm nhựa từ EU có cơ hội tăng nhập khẩu trong thời gian tới.

Bảng. Tỷ trọng nhập khẩu của tốp 5 sản phẩm nhựa thành phẩm/bán thành phẩm của EU mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất

STT

Mã HS

Mô tả sản phẩm

Tỷ trọng trong tổng nhập khẩu của Việt Nam

1

'3926

Các sản phẩm khác bằng plastic và các sản phẩm bằng các vật liệu khác của các nhóm từ 39.01 đến 39.14.

3,4%

 2

'3921

Tấm, phiến, màng, lá và dải khác, bằng plastic.

2,3%

3

'3917

Các loại ống, ống dẫn và ống vòi, và các phụ kiện dùng để ghép nối chúng (ví dụ, các đoạn nối, khuỷu, vành đệm), bằng plastic.

6,8%

4

'3919

Tấm, phiến, màng, lá, băng, dải và các loại tấm phẳng khác tự dính, làm bằng plastic, có hoặc không ở dạng cuộn.

1,0%

5

'3920

Tấm, phiến, màng, lá và dải khác, bằng plastic, không xốp và chưa được gia cố, chưa gắn lớp mặt, chưa được bổ trợ hoặc chưa được kết hợp tương tự với các vật liệu khác.

 

Nguồn: ITC Trademap

Cơ hội nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nhựa

Hiện tại, ngành nhựa Việt Nam đang phải nhập khẩu chủ yếu máy móc và thiết bị từ bên ngoài để phục vụ sản xuất và chế biến nhựa. Nguồn nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc do có FTA với Việt Nam (nên được cắt giảm thuế) và giá cả phải chăng. Tuy nhiên, các máy móc thiết bị này được đánh giá là công nghệ chưa cao, nhiều máy móc đã lỗi thời, cho năng suất và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được thị hiếu của các thị trường phát triển như EU. Nhiều doanh nghiệp nhựa đang cải tiến quy trình sản xuất để đáp ứng những thị trường mới khó tính và do đó có nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị hiện đại từ các nguồn như EU.

Theo EVFTA, Việt Nam cũng cam kết cắt giảm thuế quan đáng kể đối với các sản phẩm máy móc thiết bị, với 61% dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Vì vậy, EVFTA được dự kiến sẽ giúp tăng cơ hội nhập khẩu từ EU các sản phẩm này với giá hợp lý cho các doanh nghiệp sản xuất nhựa Việt Nam.

Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam
- Trung tâm WTO và Hội nhập