EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam: Thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam

25/10/2021    818

Thách thức đáp ứng được quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan

Để được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA thì sản phẩm nhựa của Việt Nam phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Quy tắc xuất xứ đối với các sản phẩm nhựa trong EVFTA là chuyển đổi Nhóm (với linh hoạt 20%) hoặc nguyên liệu không có xuất xứ có giá trị không vượt quá 50%. Để đáp ứng được quy tắc này, các doanh nghiệp nhựa chỉ được sử dụng một phần nguyên liệu ngoài EU/Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại nguồn nguyên liệu nhựa của Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác nên việc đáp ứng được quy tắc xuất xứ này sẽ là một thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Để chuyển đổi nguồn nguyên liệu cần có thời gian, và các lợi ích thu được từ ưu đãi thuế quan phải thực sự lớn hơn thì mới khuyến khích được doanh nghiệp thay đổi.

Thách thức đáp ứng các quy định nhập khẩu và thị hiếu người tiêu dùng EU

EVFTA chỉ giúp các sản phẩm nhựa của Việt Nam vượt qua rào cản về thuế quan, còn các rào cản khác về quy định nhập khẩu của EU như các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các yêu cầu đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường… thì các sản phẩm nhựa của Việt Nam vẫn phải đáp ứng thì mới xuất khẩu được vào thị trường này.

Bên cạnh các quy định nhập khẩu chính thức của EU, các doanh nghiệp xuất khẩu nhựa của Việt Nam còn phải đáp ứng các quy định, yêu cầu riêng của các nhà nhập khẩu EU. Chẳng hạn như một số nhà nhập khẩu sẽ yêu cầu thêm doanh nghiệp xuất khẩu nhựa phải có chứng nhận ISO TC6. Hay người tiêu dùng EU sẽ chỉ lựa chọn các sản phẩm nhựa được làm từ các chất liệu và theo kích thước mà họ ưa chuộng….

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhựa của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa chú trọng nhiều và cũng không đủ tiềm lực để đầu tư vào công nghệ, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, và nghiên cứu thị hiếu của khách hàng. Do đó nhiều sản phẩm nhựa của Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được thị trường và người tiêu dùng EU.

Nguy cơ các biện pháp phòng vệ thương mại gia tăng

Có một thực tiễn thường thấy trong thương mại quốc tế đó là khi thuế quan được cắt giảm theo các hiệp định thương mại song phương và đa phương, thì các rào cản phi thuế quan lại tăng lên. Trong khi đó EU được thống kê là một trong số những đối tác thương mại sử dụng nhiều các rào cản này.

Đối với các sản phẩm nhựa, các rào cản thương mại được sử dụng phổ biến là các biện pháp phòng vệ thương mại. EU đã nhiều lần áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm nhựa đến từ các nước xuất khẩu nhựa nhiều sang khu vực này. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất nhựa Việt Nam cũng cần chú ý về nguy cơ này khi các doanh nghiệp nhựa nội địa EU tìm đến các biện pháp hợp pháp để chống lại áp lực cạnh tranh đến từ hàng hóa Việt Nam giá rẻ do được ưu đãi thuế quan theo FTA.

Thách thức về áp lực cạnh tranh

Hiện tại, Việt Nam nhập khẩu không đáng kể các thành phẩm nhựa từ EU do nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất, các sản phẩm nhựa của EU thường có giá thành cao, đặc biệt so với các sản phẩm nhựa nhập khẩu từ các thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc…. Thứ hai, trước EVFTA, các sản phẩm nhựa của EU khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ phải chịu thuế MFN tương đối cao (một số sản phẩm thuế MFN lên tới 25%, 27%) khiến cho giá thành các sản phẩm nhựa của EU cũng bị tăng lên khi bán tại thị trường Việt Nam và khó cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh đã có FTA với Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN….

Tuy nhiên, với EVFTA, thì Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan ngay hoặc theo lộ trình đối với toàn bộ các sản phẩm nhựa của EU. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể giá thành của các sản phẩm nhựa EU tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam vốn rất ưa chuộng các sản phẩm nhựa chất lượng cao của EU, họ có thể sẽ quay sang sử dụng các sản phẩm này thay vì các sản phẩm nội địa nếu giá thành chênh lệch không quá cao. Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp sản xuất nhựa phục vụ chủ yếu thị trường nội địa. Nếu các doanh nghiệp này không cải tiến, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm thì có thể sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Thách thức gia tăng chi phí cho doanh nghiệp từ các cam kết về phát triển bền vững trong EVFTA

Thực hiện các cam kết về lao động, môi trường, phát triển bền vững trong EVFTA, Việt Nam có thể sẽ gia tăng các quy định pháp luật và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người lao động, đảm bảo môi trường và các điều kiện tối thiểu cho người lao động, đảm bảo sản xuất gắn với bảo vệ môi trường để có thể phát triển bền vững….Việc thực thi các quy định mới, tiêu chuẩn cao có thể làm gia tăng chi phí đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và đặc biệt là các doanh nghiệp ngành nhựa – một ngành kinh tế mà cả sản xuất và tiêu thụ có thể tạo ra nhiều yếu tố gây hại đối với người lao động và môi trường xung quanh.

Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam
- Trung tâm WTO và Hội nhập