EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam: Cơ hội cho người lao động

25/10/2021    216

Trong EVFTA, Việt Nam không có cam kết nào về mở cửa thị trường lao động cho lao động EU trong ngành nhựa di chuyển sang làm việc lao động tại Việt Nam. Do đó, các lao động ngành nhựa Việt Nam sẽ không phải chịu áp lực cạnh tranh từ lao động EU sang Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều cam kết của EVFTA được dự đoán có tác động tích cực đến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động trong ngành nhựa.

Cơ hội từ xuất khẩu gia tăng

Các cam kết về cắt giảm thuế quan của EU đối với các sản phẩm nhựa Việt Nam có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nhựa Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang khu vực thị trường rộng lớn này. Các lĩnh vực nhựa có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang EU là nhựa bao bì, gia dụng, ống nhựa được dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Đây là các ngành sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là lao động phổ thông.

Bên cạnh đó, EVFTA cũng được dự kiến thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm khác sang thị trường EU nhờ cắt giảm thuế quan, như ngành dệt may, da giày, điện tử…. Các ngành này cũng sử dụng nhiều nguyên liệu nhựa, và sẽ có xu hướng sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ EVFTA để được hưởng ưu đãi thuế quan. Vì thế, tăng trưởng xuất khẩu của các ngành này cũng kéo theo tăng trưởng nhu cầu đối với các sản phẩm nhựa sản xuất trong nước.

Khi sản xuất và xuất khẩu của ngành nhựa gia tăng nhờ các tác động trên, sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng lao động gia tăng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, và có thể tăng thu nhập cho các lao động địa phương.

Ngoài ra, giá trị gia tăng ở thị trường EU được đánh giá là cao hơn các thị trường khác. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, vì thế, cũng có cơ hội gia tăng lợi nhuận ở thị trường này. Hệ quả là người lao động cũng sẽ được hưởng lợi từ thu nhập tăng thêm.

Cơ hội từ tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trong ngành nhựa

Các cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường đầu tư và cam kết bảo hộ đầu tư trong ngành nhựa sẽ thu hút thêm đầu tư từ EU trong lĩnh vực này, từ đó tác động tích cực đến người lao động trong ngành. Thứ nhất, các doanh nghiệp EU thường có quy mô lớn, vì thế cũng có nhu cầu lớn về tuyển dụng lao động. Thứ hai, thu nhập trung bình của người lao động trong các khối doanh nghiệp nước ngoài thường cao hơn doanh nghiệp trong nước, nên lao động làm việc cho các doanh nghiệp nhựa EU được dự đoán là sẽ có thu nhập cao hơn. Thứ ba, các doanh nghiệp EU thường có công nghệ sản xuất và trình độ quản lý hiện đại, tiên tiến. Các lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp này sẽ có cơ hội được đào tạo, học hỏi để nâng cao tay nghề và năng suất lao động.

Hiện tại, ngành nhựa Việt Nam là một trong những ngành sử dụng lao động phổ thông là chủ yếu, năng suất lao động chưa cao, đặc biệt là so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thu nhập của người lao động trong ngành này cũng ở mức thấp do với nhiều ngành kinh tế khác. Sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành này, đặc biệt là các doanh nghiệp EU, có thể giúp lao động trong ngành được đào tạo về tay nghề và công nghệ để nâng cao năng suất lao động và từ đó cũng có mức thu nhập cao và ổn định hơn.

Cơ hội từ tăng các điều kiện lao động và môi trường tốt hơn

Các cam kết về lao động và phát triển bền vững trong EVFTA sẽ khiến Việt Nam phải thực thi các biện pháp nhằm bảo đảm các quyền cơ bản của người lao động, đảm bảo các điều kiện lao động, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong trường hợp ngành nhựa là một ngành có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động trong ngành và môi trường xung quanh như khí thải và khói bụi, sử dụng nhiều hóa chất, nước thải khó xử lý….

Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam
- Trung tâm WTO và Hội nhập