EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam: Thuận lợi và khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường EU

19/10/2021    1209

Đặc điểm thị trường nhựa EU

EU có một ngành công nghiệp nhựa rất phát triển, phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong khu vực, đồng thời xuất khẩu ra thế giới. Ngành công nghiệp nhựa của EU bao gồm: nhựa nguyên liệu, nhựa thành phẩm, máy móc thiết bị sản xuất nhựa và tái chế nhựa. Năm 2018, EU sản xuất ra 62 triệu tấn nhựa, chiếm 17% tổng nhựa sản xuất của thế giới.

Mặc dù có thế mạnh sản xuất nhựa, nhưng EU vẫn nhập khẩu một lượng lớn nhựa (cả nguyên liệu và thành phẩm) từ thế giới, với kim ngạch nhập khẩu khoảng 211 tỷ USD năm 2019 (thặng dư thương mại ngành nhựa chỉ 20 tỷ USD).

Các đối tác nhập khẩu nhựa chính của EU là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ả Rập Xê -út, Nhật Bản.

Các sản phẩm thành phẩm nhựa EU nhập khẩu chính là: nhựa bao bì, các loại ống vòi và phụ kiện, các loại tấm phiến, màng lá.

Nhu cầu về các sản phẩm nhựa của EU khá ổn định trong các năm gần đây bởi hai xu hướng trái ngược nhau. Một mặt, nhu cầu sử dụng các sản phẩm nhựa tăng cùng với tốc độ tăng trưởng của kinh tế và thu nhập. Mặt khác, đối với nhiều sản phẩm tiêu dùng bằng nhựa như chai lọ, ống hút, túi nilon…được người tiêu dùng ngày càng hạn chế sử dụng để bảo vệ môi trường.

Nhu cầu về các sản phẩm nhựa tái chế, nhựa có thể phân hủy, nhựa thân thiện môi trường ngày càng gia tăng do ý thức bảo vệ người tiêu dùng tăng cao. Nhu cầu về các sản phẩm nhựa chất lượng cao cũng gia tăng ở một số bộ phận dân cư và một số nước. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế ở một số thành viên khác, nhu cầu về các sản phẩm nhựa giá cả phải chăng cũng gia tăng ở các bộ phận bình dân.

Nhưng nói chung, yêu cầu của người tiêu dùng châu Âu về chất lượng sản phẩm nhựa cũng như tính thân thiện môi trường vẫn được coi là cao nhất thế giới.

Đặc điểm 2 thị trường xuất khẩu lớn khác của nhựa Việt Nam: Nhật Bản và Hoa Kỳ

Nhật Bản

Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu nhựa lớn thứ hai của Việt Nam sau EU. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nhựa của Việt Nam sang thị trường này là 726 triệu USD, chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu nhựa của Việt Nam. Sản phẩm nhựa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là: túi nhựa; tấm, phiến, màng nhựa; đồ dùng trong văn phòng, trường học; sản phẩm nhựa gia dụng…. Trong đó, túi nhựa xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm tới gần 1/3 tổng lượng túi nhựa xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Nhật Bản là thị trường truyền thống của các sản phẩm nhựa Việt Nam với nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nhựa (đặc biệt là túi nhựa) cao mà các doanh nghiệp sản xuất nhựa Việt Nam có khả năng thâm nhập. Tuy nhiên, đây là thị trường khó tính với nhiều quy định khắt khe về chất lượng sản phẩm (như tỷ lệ sản phẩm lỗi phải rất thấp, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường). Bên cạnh đó, người tiêu dùng Nhật Bản đang có xu hướng chuyển sang các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế các sản phẩm nhựa như các sản phẩm bằng gỗ, giấy, thủy tinh…. Điều này khiến cho xuất khẩu các sản phẩm nhựa của Việt Nam sang Nhật Bản khó tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Hoa Kỳ

Năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nhựa Việt Nam và Việt Nam cũng là một trong 5 nguồn nhập khẩu nhựa lớn nhất của Hoa Kỳ. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các sản phẩm nhựa Việt Nam ở thị trường này gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam thì 10 tháng năm 2020, Hoa Kỳ đã vượt Nhật để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của các sản phẩm nhựa Việt Nam. Các sản phẩm nhựa có tiềm năng xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Hoa Kỳ là: nhựa gia dụng, túi nhựa, vải bạt, đồ dùng trong xây lắp, tấm phiến màng nhựa và các sản phẩm nhựa dùng trong vận chuyển, đóng gói.

Hoa Kỳ là một thị trường lớn nhưng cũng là một thị trường khó tính với những yêu cầu nhập khẩu khắt khe đối với các sản phẩm nhựa, nhưng các nhà sản xuất của Việt Nam đang dần đáp ứng được các yêu cầu này để tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, rủi ro về các biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường Hoa Kỳ cũng khá cao do đây là một trong những thị trường áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu. Các sản phẩm túi nhựa PE của Việt Nam đã bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp rất cao từ năm 2009 và cho tới thời điểm hiện tại vẫn đang tiếp tục phải chịu các mức thuế này khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

 

Thuận lợi và khó khăn của ngành nhựa Việt Nam khi xuất khẩu sang EU

Thuận lợi

  • Ngành nhựa Việt Nam có năng lực cạnh tranh tốt ở một số dòng sản phẩm như bao bì, đồ gia dụng và nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ để cho ra được các sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của các thị trường khó tính như EU
  • So với nhiều đối thủ cạnh tranh, nhựa Việt Nam có một số ưu thế như: có giá cả cạnh tranh hơn do có nguồn nhân lực giá rẻ dồi dào, được hưởng thuế quan ưu đãi GSP của EU, khả năng tiếp cận với nguồn nguyên liệu tái chế giá rẻ (do chính sách quản lý nhập khẩu nhựa tái chế của Việt Nam còn tương đối thoáng)
  • Các đối thủ cạnh tranh lớn của nhựa Việt Nam tại thị trường EU như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia đã bị áp thuế chống bán phá giá của EU đối với một số sản phẩm túi nhựa từ năm 2006. Vì vậy, các sản phẩm nhựa Việt Nam đã có một khoảng thời gian có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang EU so với các đối thủ này để có thể chiếm lĩnh một phần thị trường tiềm năng này.

Khó khăn

  • Thị trường EU khó tính với nhiều yêu cầu cao về chất lượng và mẫu mã trong khi nhựa Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao do công nghệ sản xuất vẫn còn nghèo nàn, chưa tự sản xuất được các dây chuyền, khuôn đúc phải phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu nên mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, phong phú.
  • Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên giá cả và số lượng sản xuất của các doanh nghiệp thường không ổn định, phụ thuộc vào biến động thị trường nhập khẩu
  • Nhiều doanh nghiệp sản xuất nhựa Việt Nam vẫn chưa chú trọng vào xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác, thị trường, chuyên nghiệp hóa trong các khâu chào hàng, bán hàng, hậu mãi… nên chưa tạo được quan hệ làm ăn lâu dài với các đối tác nhập khẩu EU rất khắt khe trong các vấn đề này.
  • Khách châu Âu rất quan tâm đến các vấn đề xã hội như lao động (doanh nghiệp sản xuất nhựa có đảm bảo đầy đủ các quyền lợi của người lao động hay không), môi trường (các sản phẩm nhựa có thể tái chế, có thể phân hủy hay không, quy trình sản xuất có gây ô nhiễm môi trường không)… trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể chưa đảm bảo thật đầy đủ các yêu cầu này.

Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam
- Trung tâm WTO và Hội nhập