EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam: Cam kết về Sở hữu trí tuệ

19/10/2021    100

EVFTA là một Hiệp định có tiêu chuẩn cao về SHTT. Về nội dung, có thể phân nhóm các cam kết SHTT trong EVFTA thành 03 nhóm chủ yếu,  gồm:

  1. Nhóm các nguyên tắc chung
  • Nguyên tắc Phù hợp WTO: EVFTA nhấn mạnh việc tiếp tục các cam kết về SHTT trong Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO (Hiệp định TRIPS)
  • Nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN): Việt Nam và EU cam kết dành cho công dân của nhau mức bảo hộ SHTT không kém hơn mức bảo hộ dành cho công dân của bất kỳ một nước thứ ba nào khác ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ theo Điều 4, 5 TRIPS (bảo hộ theo hiệp định tư pháp quốc tế, bảo hộ các quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất chương trình, nhà phát sóng mà không được quy định trong TRIPS…)
  • Nguyên tắc cạn quyền: Việt Nam và EU được quyền tự do quy định về cạn quyền SHTT, miễn là phù hợp với TRIPS

Trên cơ bản thì các nguyên tắc này không tạo ra thay đổi gì lớn trong nghĩa vụ của Việt Nam về vấn đề này ngoài nguyên tắc về MFN, theo đó nếu Việt Nam có cam kết mức nào cao hơn bảo hộ SHTT cho bất kỳ đối tác nào trong các Thỏa thuận hiện tại (ví dụ CPTPP) hoặc tương lai thì cũng phải cho đối tác EU hưởng mức tương tự.

  1. Nhóm các cam kết về các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền SHTT cụ thể

Nhóm này bao gồm các cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ cụ thể đối với từng loại trong số 08 đối tượng quyền SHTT (quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế mạch tích hợp, bí mật kinh doanh và giống cây trồng).

Phần nhiều trong số các cam kết này cơ bản nhắc lại các nội dung tương ứng của TRIPS. Tuy nhiên, EVFTA cũng bổ sung thêm một số tiêu chuẩn bảo hộ mới, cụ thể, ở từng đối tượng quyền SHTT.

  1. Nhóm các cam kết liên quan đến các biện pháp thực thi quyền SHTT

Thực thi quyền SHTT luôn là vấn đề khúc mắc trong thực tế thi hành pháp luật về SHTT, vì vậy cũng là chủ đề được phía EU chú trọng đàm phán trong EVFTA. Về cơ bản, EVFTA đưa ra các yêu cầu về thực thi SHTT theo hướng nghiêm khắc hơn, theo hướng:

  • Trao quyền cao hơn cho các cơ quan thực thi (đặc biệt là cơ quan hải quan và cơ quan có thẩm quyền khác tại biên giới) và chủ sở hữu quyền.
  • Nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền SHTT.

Đối với ngành nhựa, các nội dung liên quan trực tiếp và có nhiều cam kết cao hơn TRIPS là Kiểu dáng công nghiệp và Nhãn hiệu.

Kiểu dáng công nghiệp

So với TRIPS và pháp luật Việt Nam, cam kết về kiểu dáng công nghiệp trong EVFTA có một số điểm mới đáng chú ý sau đây:

  • Việt Nam phải gia nhập và bảo đảm thực thi các quy định của Hiệp định Hague (La Hay) về Đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp
  • Đối tượng được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp không chỉ bao gồm Kiểu dáng tổng thể của sản phẩm hoàn chỉnh mà cả Kiểu dáng của linh kiện, bộ phận của sản phẩm nếu đó là linh kiện, bộ phận đó có thể nhìn thấy được trong quá trình sử dụng thông thường của sản phẩm
  • Kiểu dáng công nghiệp phải được xem như một đối tượng có thể được bảo hộ theo quyền tác giả
  • Không bảo hộ các kiểu dáng đương nhiên/bắt buộc (do chức năng hoặc yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi)

Nhãn hiệu

So với TRIPS và pháp luật Việt Nam, cam kết về nhãn hiệu trong EVFTA có một số cam kết mới đáng chú ý sau đây:

  • Về thủ tục đăng ký nhãn hiệu: Nếu từ chối đăng ký thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối
  • Về hệ thống cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu: Việt Nam phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử công khai về các đơn đăng ký nhãn hiệu đã công bố và các nhãn hiệu đã đăng ký;
  • Căn cứ thu hồi nhãn hiệu: Tiêu chí về việc không sử dụng “thực sự” nhãn hiệu trong vòng 05 năm liên tục kể từ ngày đăng ký
  • Ngoại lệ về quyền sử dụng các thuật ngữ có tính mô tả trong một nhãn hiệu đã đăng ký bởi bất kỳ ai khác miễn là việc sử dụng đó là trung thực, phù hợp với thực tiễn thương mại

Chú ý, ngoài các cam kết cao hơn về bảo hộ quyền SHTT, EVFTA cũng nhấn mạnh việc thi hành pháp luật về SHTT. Cụ thể EVFTA đưa ra các yêu cầu về thực thi SHTT theo hướng nghiêm khắc hơn, theo hướng:

  • Trao quyền cao hơn cho các cơ quan thực thi (đặc biệt là cơ quan hải quan và cơ quan có thẩm quyền khác tại biên giới) và chủ sở hữu quyền
  • Nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền SHTT.

Như vậy, so với TRIPS thì EVFTA có phạm vi điều chỉnh rộng hơn và có mức độ bảo hộ cao hơn đối với Kiểu dáng công nghiệp và Nhãn hiệu và điều này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành nhựa của Việt Nam khi Việt Nam phải sửa đổi các quy định pháp luật liên quan về SHTT để thực thi EVFTA.

Đáng lưu ý là, theo nguyên tắc không phân biệt đối xử (Đối xử Quốc gia – NT và Đối xử Tối huệ quốc – MFN) của Hiệp định TRIPS thì các cam kết bảo hộ SHTT trong EVFTA sẽ áp dụng đồng thời không chỉ cho chủ thể liên quan của Việt Nam, EU mà còn cho tất cả các Bên thứ ba (các nước khác). Nói cách khác, từ góc độ của Việt Nam, cam kết SHTT trong EVFTA sẽ áp dụng chung cho tất cả các chủ thể chứ không chỉ dành riêng cho EU.

Do vậy, việc thực hiện các cam kết về SHTT trong EVFTA sẽ làm thay đổi hệ thống pháp luật nội địa về SHTT của Việt Nam ở các vấn đề liên quan (đặc biệt là quyền của chủ sở hữu và vấn đề thực thi, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm các quyền SHTT).

Vì sự thay đổi đó, các đối tượng chịu ảnh hưởng hoặc tác động từ các cam kết của EVFTA về sở hữu trí tuệ không chỉ bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sở hữu các quyền SHTT mà còn là tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã, đang hoặc sẽ sử dụng các sản phẩm SHTT trong hoạt động của mình (công nghệ, máy móc thiết bị, chương trình máy tính…) ở Việt Nam.

Cam kết của Việt Nam về thực thi quyền Sở hữu trí tuệ

EVFTA bao gồm nhiều cam kết về thực thi SHTT theo hướng nghiêm khắc hơn, trao quyền thực thi cao hơn cho chủ sở hữu quyền và các cơ quan thực thi (đặc biệt là cơ quan hải quan và cơ quan khác tại biên giới), đồng thời nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi xâm phạm các quyền SHTT.

Nhựa là một trong những sản phẩm có thể là đối tượng của nhiều hành vi gian lận hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu thương mại... Vì vậy, các cam kết tăng cường thực thi SHTT trong EVFTA có thể tác động đáng kể tới ngành nhựa theo các chiều hướng khác nhau cả tích cực (quyền SHTT của doanh nghiệp được bảo hộ) và tiêu cực (doanh nghiệp nào có hành vi vi phạm có thể sẽ bị xử lý nghiêm khắc hơn).

Các cam kết EVFTA về thực thi SHTT đáng chú ý là các cam kết liên quan đến việc thực thi các biện pháp dân sự. So với pháp luật Việt Nam, EVFTA có một số cam kết mới như sau:

  • Về các biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng để ngăn chặn kịp thời hành vi xâm phạm: EVFTA đòi hỏi phải cho chủ sở hữu quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp này vào bất kỳ thời điểm nào (chứ không chỉ là khi hoặc sau khi đã khởi kiện vụ việc dân sự tại Tòa án), thậm chí trong trường hợp nghiêm trọng có thể áp dụng mà không cần thông báo cho bên bị áp dụng biện pháp; EVFTA cũng mở rộng các tình huống/trường hợp cho phép yêu cầu biện pháp tạm thời;
  • Về nghĩa vụ cung cấp bằng chứng chứng minh xâm phạm: EVFTA có quy định cụ thể về các trường hợp Tòa án được quyền yêu cầu bên bị đơn cung cấp các bằng chứng xâm phạm mà mình đang kiểm soát; thậm chí với các hành vi xâm phạm ở quy mô thương mại, theo yêu cầu của một bên, Tòa án còn có quyền yêu cầu bên kia cung cấp tài liệu giao dịch ngân hàng, tài chính hoặc thương mại thuộc kiểm soát của bên kia (với điều kiện thông tin bí mật kinh doanh phải được bảo vệ);
  • Về quyền yêu cầu cung cấp thông tin: EVFTA yêu cầu Tòa án có quyền yêu cầu người xâm phạm, người bị nghi ngờ xâm phạm, hoặc bất kỳ người nào khác, phải cung cấp thông tin mà người đó đang nắm giữ hoặc kiểm soát (kể cả đối với các tổ chức, cá nhân không trực tiếp xâm phạm, ví dụ người làm dịch vụ lưu giữ, vận chuyển, quản lý hàng hóa xâm phạm…). Thông tin phải cung cấp có thể là thông tin liên quan tới người xâm phạm, tới phương tiện sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ xâm phạm;
  • Về quyền của Tòa án với các hành vi xâm phạm sau phán quyết: EVFTA yêu cầu Tòa án, sau khi đã có phán quyết xác định một hành vi là xâm phạm SHTT, phải được trao quyền ban hành các lệnh cấm đối với các hành vi xâm phạm tương tự sau đó với người xâm phạm và cả người cung cấp dịch vụ cho người xâm phạm (trong khi theo pháp luật hiện hành thì Tòa án sẽ phải xét xử lại từng hành vi này và ban hành lệnh cưỡng chế sau khi xét xử);
  • Về các biện pháp xử lý thay thế: EVFTA khuyến nghị Việt Nam cho phép áp dụng biện pháp bồi thường bằng tiền để thay thế cho các biện pháp chế tài khác (hành chính, hình sự…) nếu xâm phạm là không cố ý, do sơ suất và khoản bồi thường là thỏa đáng;
  • Về việc xác định thiệt hại làm cơ sở để bồi thường: EVFTA khuyến khích phân biệt cách xác định thiệt hại trong trường hợp người xâm phạm biết hoặc có cơ sở để biết về việc mình đang xâm phạm và trường hợp người xâm phạm không biết rằng mình đang xâm phạm (hiện Việt Nam chưa phân biệt hai trường hợp này); có thể xác định khoản bồi thường là một khoản cố định nếu thích hợp;
  • Về nguyên tắc suy đoán chủ thể quyền tác giả trong tố tụng về SHTT: EVFTA đặt ra quy tắc về suy đoán quyền, theo đó trừ khi có chứng cứ ngược lại, người có tên trên tác phẩm sẽ được suy đoán là tác giả;
  • Về sự tham gia của cơ quan hải quan trong thực thi quyền SHTT tại biên giới: EVFTA yêu cầu cơ quan hải quan phải (i) tham gia tích cực vào việc ngăn chặn xâm phạm SHTT (chủ động sử dụng kỹ thuật phân tích rủi ro để phát hiện, xác định hàng hóa xuất nhập khẩu xâm phạm SHTT, dừng thông quan hàng hóa nghi ngờ xâm phạm…), (ii) hợp tác với chủ sở hữu quyền để thực hiện thực thi quyền SHTT tại biên giới (cho phép cung cấp thông tin để phân tích rủi ro).

Lưu ý doanh nghiệp

Mặc dù các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT trong pháp luật Việt Nam thời gian qua về cơ bản đã phù hợp với Hiệp định TRIPS của WTO, do đó khá tương đồng với mặt bằng chung về bảo hộ SHTT trên thế giới, vấn đề thực thi bảo hộ các quyền này trên thực tế còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân có thể là do các cơ chế thực thi chưa đủ mạnh để ngăn chặn, phát hiện hành vi vi phạm, biện pháp bồi thường chưa đủ lớn để khuyến khích chủ sở hữu quyền tự bảo vệ quyền, hoặc các biện pháp xử lý vi phạm chưa đủ nghiêm khắc…

Thực tế này dẫn đến việc phổ biến các hiện tượng vi phạm SHTT, và các chủ thể vi phạm SHTT ít quan tâm đến hệ quả của các hành vi vi phạm.

Khi EVFTA có hiệu lực, cùng với CPTPP, hệ thống pháp luật về thực thi SHTT của Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi theo các cam kết trong hai FTA này, với những yêu cầu chi tiết và cụ thể trong quá trình thực thi. Do đó, doanh nghiệp và người dân sử dụng các sản phẩm được bảo hộ SHTT cần thay đổi nhận thức và hành vi tương ứng, để tránh việc vi phạm và chịu hình thức xử phạt về SHTT.

Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam
- Trung tâm WTO và Hội nhập