EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam: Cam kết về các biện pháp phi thuế quan

18/10/2021    362

Các biện pháp phi thuế quan là tất cả các biện pháp không phải thuế quan mà có tác dụng hạn chế việc nhập khẩu hàng hoá vào một nước. Các biện pháp phi thuế quan thường được áp dụng phổ biến bởi các nước nhập khẩu là: các biện pháp vệ sinh an toàn thực thẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp phòng vệ thương mại (TR – bao gồm các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ), và các biện pháp hạn chế định lượng xuất nhập khẩu (như cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu…).

Theo quy định của WTO, các nước chỉ được sử dụng thuế quan như là biện pháp bảo hộ hợp pháp duy nhất. Việc áp dụng các biện pháp phi thuế khác phải có lý do hợp lý (như các biện pháp SPS, TBT để bảo vệ người tiêu dùng, môi trường…) và tuân thủ các quy định cụ thể của WTO.

Các FTA cũng tiếp nối nguyên tắc này của WTO, tái khẳng định các cam kết của các bên trong WTO trong việc hạn chế sử dụng các biện pháp này gây cản trở thương mại. Tuy nhiên, các FTA thường bổ sung thêm một số cam kết nhằm hạn chế hơn nữa các nước trong việc sử dụng các biện pháp phi thuế quan. Cụ thể, các FTA thường yêu cầu cao hơn về việc minh bạch hóa thông tin, sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng công bằng bình đẳng, có cơ chế hợp tác, giải quyết tranh chấp nhanh chóng thuận tiện hơn….

Là một FTA thế hệ mới, EVFTA cũng có nhiều cam kết về các biện pháp phi thuế quan. Hầu hết các cam kết này được áp dụng chung, cho tất cả các loại hàng hóa, bao gồm các sản phẩm nhựa. Các cam kết có liên quan nhiều nhất đến sản phẩm nhựa là: các cam kết về biện pháp hạn chế xuất nhập khẩu, TBT, phòng vệ thương mại.

Các biện pháp hạn chế xuất nhập khẩu

EVFTA nhắc lại các nghĩa vụ trong WTO, theo đó Việt Nam và EU không được ban hành hoặc duy trì bất kỳ biện pháp cấm, hạn chế nhập khẩu hoặc xuất khẩu nào ngoại trừ các trường hợp đã có cam kết và các ngoại lệ trong WTO. Như vậy, trừ các trường hợp đã quy định trong cam kết, Việt Nam hoặc EU sẽ không thể cấm, hạn chế nhập khẩu hay xuất khẩu hàng hóa.

EU không có bảo lưu gì đối với nghĩa vụ này.

Việt Nam bảo lưu một danh mục các sản phẩm vẫn được tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế xuất nhập khẩu tại Tiểu Phụ lục 2-A-4 của EVFTA, trong đó có các sản phẩm nhựa gia dụng đã qua sử dụng. Như vậy, Việt Nam sẽ được tiếp tục cấm hoặc hạn chế số lượng xuất nhập khẩu các sản phẩm nhựa gia dụng đã qua sử dụng. Tuy nhiên, Việt Nam có cam kết thêm:

  • Nếu trong tương lai Việt Nam cho phép xuất nhập khẩu các sản phẩm nhựa gia dụng đã qua sử dụng thì Việt Nam không thể áp dụng trở lại các biện pháp cấm hoặc hạn chế xuất nhập khẩu các sản phẩm này nữa.
  • Nếu Việt Nam cho phép xuất nhập khẩu các sản phẩm nhựa gia dụng đã qua sử dụng từ bất kỳ một nước nào khác thì Việt Nam cũng phải cho phép đối với EU

Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT)

Trong thương mại quốc tế, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (technical barriers to trade, gọi tắt là TBT) là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu và/hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó.

Mỗi nước đều có hệ thống các TBT của mình, được ban hành nhằm nhiều mục đích quản lý khác nhau (ví dụ bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người sử dụng, thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường…). Từ các yêu cầu như cách thức ghi nhãn sản phẩm, các quy chuẩn tối thiểu/tối đa về chất lượng, công năng của sản phẩm…đều là các TBT. Theo quy định của WTO, các biện pháp TBT phải được áp dụng như nhau với hàng hóa, không phụ thuộc vào nguồn gốc (hàng nhập khẩu hay hàng sản xuất nội địa).

Trong thương mại quốc tế, các TBT khắt khe của nước nhập khẩu có thể khiến hàng nước ngoài không thể nhập khẩu, vì thế đôi khi bị lạm dụng để bảo hộ hàng hóa nội địa trước hàng hóa nhập khẩu. WTO có một Hiệp định riêng về TBT, với các quy định nhằm bảo đảm các nước duy trì hệ thống TBT minh bạch, hợp lý và không tạo ra rào cản trá hình.

Đối với sản phẩm nhựa, các biện pháp TBT áp dụng khá đa dạng do nhựa có nhiều loại hình sản phẩm khác nhau, phục vụ nhiều mục đích khác nhau từ nhựa gia dụng dùng trong gia đình đến các sản phẩm nhựa dùng trong công nghiệp, xây dựng… Chẳng hạn như bao bì nhựa đựng thực phẩm sẽ có các tiêu chuẩn kỹ thuật về hàm lượng tối đa các chất gây hại cho sức khỏe con người, vật liệu nhựa xây dựng sẽ có các tiêu chuẩn kỹ thuật về độ cứng, độ dẻo, độ chịu lực….

EVFTA không có quy định riêng về TBT áp dụng đối với các sản phẩm nhựa, mà chỉ đưa ra các quy tắc áp dụng chung đối với tất cả các sản phẩm trong đó có nhựa.

Chương TBT của EVFTA nhấn mạnh việc tuân thủ các Hiệp định TBT của WTO (các nước có quyền ban hành TBT nhưng phải dựa trên các căn cứ khoa học xác đáng, khi soạn thảo phải lấy ý kiến bình luận, khi áp dụng phải công bằng không phân biệt đối xử…). Đồng thời Chương này có thêm một số nguyên tắc bổ sung về cách thức mà Việt Nam/EU ban hành và duy trì các TBT nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng các biện pháp TBT để bảo hộ trá hình cho sản xuất trong nước, trong đó có một số nội dung có thể có tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu các sản phẩm nhựa:

  • Các yêu cầu cụ thể hơn về việc ban hành, thực thi các quy chuẩn kỹ thuật nói chung
  • Một số yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về ghi nhãn hàng hóa
  • Các yêu cầu cụ thể về quy trình đánh giá sự phù hợp, giám sát thị trường

Như vậy, về cơ bản các quy định về TBT trong EVFTA không làm thay đổi lớn cơ chế ban hành và áp dụng các biện pháp TBT hiện tại của mỗi thành viên Hiệp định (EU/Việt Nam) trừ một số quy định mới liên quan đến ghi nhãn hàng hóa. Doanh nghiệp không nên mong đợi rằng với EVFTA, các nước EU hay Việt Nam sẽ hạ bớt các tiêu chuẩn TBT, hay sẽ gia tăng quá mức về mức độ tiêu chuẩn hay số lượng các TBT so với hiện tại. Theo EVFTA, việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam/EU sẽ minh bạch và hợp lý hơn, cũng sẽ bám sát hơn các tiêu chuẩn quốc tế được thừa nhận chung.

Phòng vệ thương mại

Chống bán phá giá (anti-dumping), chống trợ cấp (anti-subsidy, hoặc còn được gọi là biện pháp đối kháng “countervailing”) và tự vệ (safeguard) là nhóm các biện pháp phòng vệ thương mại được quy định trong WTO.

Các biện pháp này cho phép nước nhập khẩu bảo vệ ngành sản xuất nội địa của mình trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh (bán phá giá, bán hàng hóa được trợ cấp) hoặc nhập khẩu ồ ạt của hàng hóa nước ngoài gây thiệt hại đáng kể hoặc nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa. Thông thường, các biện pháp này được thể hiện dưới dạng áp dụng các loại thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu liên quan.

Theo WTO, để áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, nước nhập khẩu phải tiến hành điều tra theo các quy trình, thủ tục chặt chẽ, phù hợp với các nguyên tắc trong các Hiệp định chống bán phá giá (ADA), chống trợ cấp (CVA), tự vệ (SG) của WTO.

Chương Phòng vệ thương mại của EVFTA nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc và yêu cầu trong WTO về các biện pháp này, đồng thời bổ sung thêm một số cam kết mới, đáng chú ý có:

  • Đối với các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp: Một số yêu cầu cụ thể về quy trình thủ tục, điều kiện áp dụng biện pháp phòng vệ và mức thuế phòng vệ.
  • Đối với biện pháp tự vệ: Các quy định mới về biện pháp tự vệ song phương, một số yêu cầu bổ sung đối với biện pháp tự vệ toàn cầu.

Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam
- Trung tâm WTO và Hội nhập