EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam: Cam kết về thủ tục chứng nhận xuất xứ

18/10/2021    260

Cam kết chung

Quy định về thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong EVFTA được áp dụng chung cho tất cả các loại hàng hóa, trong đó có sản phẩm nhựa.

EVFTA quy định 02 loại thủ tục chứng nhận xuất xứ khác nhau, bao gồm:

  • Thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ: Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp Giấy chứng nhận xuất xứ dựa trên các giấy tờ mà nhà xuất khẩu xuất trình
  • Thủ tục tự chứng nhận xuất xứ: Nhà xuất khẩu tự phát hành chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa của mình

Trong so sánh với CPTPP (cũng là một Hiệp định cho phép thủ tục tự chứng nhận xuất xứ), phạm vi thủ tục tự chứng nhận xuất xứ trong EVFTA hạn chế hơn. Cụ thể EVFTA chỉ cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ trong khi CPTPP cho phép nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Mô hình tự chứng nhận xuất xứ trong EVFTA dựa trên thông lệ cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ mà EU hiện đang áp dụng.

Cụ thể, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của nhà xuất khẩu của EVFTA cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn, phiếu giao hàng hay bất kỳ chứng từ thương mại nào, thay vì phải xin giấy chứng nhận xuất xứ từ các cơ quan chức năng.

Trong EVFTA, EU và Việt Nam mỗi Bên có cam kết riêng về vấn đề này. Cụ thể:

i) Đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU

EU chỉ áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu từ EU muốn hưởng ưu đãi EVFTA, và chỉ có nhà xuất khẩu đã đăng ký theo quy định của EU theo hệ thống REX thì mới được tự chứng nhận xuất xứ.

Hệ thống REX (Registered Exporter) là hệ thống chứng nhận xuất xứ của EU. Với hệ thống này, nhà xuất khẩu EU chỉ cần vào đăng ký, sau đó có thể tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa theo một số FTA của EU (trong đó có EVFTA). Mỗi nhà xuất khẩu đăng ký và được Hệ thống này xác nhận sẽ được cấp một mã số riêng (gọi là mã số REX). Doanh nghiệp sẽ sử dụng thống nhất mã số REX này khi tự chứng nhận xuất xứ cho các lô hàng của mình.

Trên thực tế, EU cũng áp dụng Hệ thống REX cho các nhà xuất khẩu nước ngoài muốn xuất khẩu hàng hóa vào EU theo cơ chế Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (cơ chế GSP) mà EU dành cho một số đối tác, trong đó có Việt Nam.

ii. Đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam:

Việt Nam áp dụng cả cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ và tự chứng nhận xuất xứ, cụ thể:

  • Với lô hàng có trị giá không vượt quá 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào của Việt Nam cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ;
  • Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, Việt Nam bảo lưu vẫn tiếp tục áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ truyền thống (cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho nhà xuất khẩu sau khi xác nhận các giấy tờ chứng minh mà nhà xuất khẩu xuất trình đối với EVFTA Giấy chứng nhận xuất xứ là Mẫu EUR.1), Việt Nam có thể lựa chọn áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi nào thấy thích hợp và sẽ thông báo cho phía EU trước khi thực hiện cơ chế này.

Như vậy, đối với các lô hàng có giá trị không vượt quá 6.000 euro xuất khẩu đi EU theo diện hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA, bất kỳ nhà xuất khẩu nào của Việt Nam cũng đều có thể tự chứng nhận xuất xứ. Còn đối với các lô hàng có giá trị trên 6.000 euro thì hiện tại Việt Nam vẫn áp dụng cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ, theo đó nhà xuất khẩu phải xin giấy chứng nhận xuất xứ (mẫu EUR.1) tại cơ quan có thẩm quyền (Bộ Công Thương và các đơn vị do Bộ Công Thương ủy quyền).

Trong tương lai, khi Việt Nam áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa trong EVFTA, Việt Nam có thể tự quy định về các điều kiện để xác định, cấp phép, và quản lý các nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ. Do đó, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của Việt Nam sau này theo EVFTA có thể sẽ khác với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo Hệ thống REX mà EU đang thực hiện.

Hướng dẫn quy trình cấp Chứng nhận xuất xứ trong EVFTA đối với hàng Việt Nam xuất khẩu đi EU

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/06/2020 quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA, đồng thời Hướng dẫn về chứng từ chứng nhận xuất xứ trong EVFTA như sau:

1. Khai báo trên www.ecosys.gov.vn đối với trường hợp C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương uỷ quyền cấp: căn cứ điểm a khoản 2 Điều 19 Thông tư 11/2020/TT-BCT, với lô hàng có giá trị trên 6.000 EUR, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương uỷ quyền cấp. Quy trình khai báo và chứng nhận C/O theo mẫu EUR.1 thực hiện tương tự các mẫu C/O hiện hành.

2. Khai báo trên www.ecosys.gov.vn đối với trường hợp doanh nghiệp phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá: căn cứ điểm b khoản 2 Điều 19 Thông tư 11/2020/TT-BCT, với lô hàng có giá trị không quá 6.000 EUR, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Việc báo cáo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu do doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ thực hiện theo khoản 6 Điều 25 Thông tư 11/2020/TT-BCT.

3. Trường hợp thương nhân xuất khẩu hàng hoá sang Vương quốc Anh, cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1 hướng dẫn thương nhân chỉ kê khai C/O mẫu EUR.1 hoặc phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo Mục 1, Mục 2 nói trên đến hết ngày 31/12/2020.

Nguồn: evfta.moit.gov.vn

 

Cam kết cụ thể của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU

1. Cơ chế chứng nhận xuất xứ mà Việt Nam áp dụng cho EVFTA

Theo EVFTA, Việt Nam có thể lựa chọn áp dụng cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi thấy thích hợp, áp dụng đối với tất cả các hàng hóa, trong đó có sản phẩm nhựa.

Cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ bởi cơ quan có thẩm quyền là cơ chế vốn rất quen thuộc với doanh nghiệp. Hiện tại, để chứng nhận xuất xứ theo các FTA, các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn phải xin giấy chứng nhận xuất xứ tại các đơn vị của Bộ Công Thương (ngoại trừ một số rất ít trường hợp thí điểm tự chứng nhận xuất xứ theo ASEAN). Thủ tục chứng nhận xuất xứ theo EVFTA ở Việt Nam trong thời gian tới cũng vẫn theo cơ chế truyền thống này.

Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ là cơ chế mới với Việt Nam. So với cơ chế truyền thống nói trên, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ được đánh giá là thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp xuất khẩu giảm được thủ tục xin chứng nhận xuất xứ, từ đó giảm chi phí thời gian, tiền bạc, nhân lực cho thủ tục này. Trong các FTA, mới chỉ có CPTPP quy định cụ thể về cơ chế này. EVFTA có quy định nhưng lại không đặt ra thời điểm cụ thể nào để Việt Nam phải áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.

Trên thực tế, hệ thống GSP mà EU đơn phương dành cho Việt Nam cũng đã yêu cầu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Theo đó, nhà xuất khẩu Việt Nam phải đăng ký theo Hệ thống REX để được cấp mã số REX và tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu sang EU muốn được hưởng ưu đãi GSP.

Theo EVFTA và quy định của EU, trong khoảng thời gian 2 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực (01/08/2020), doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU vẫn có thể lựa chọn áp dụng thuế ưu đãi theo EVFTA hoặc thuế ưu đãi theo GSP với điều kiện áp dụng ưu đãi loại nào thì phải tuân thủ QTXX của loại đó và theo thủ tục chứng nhận xuất xứ tương ứng. Cụ thể:

  • Nếu muốn hàng xuất khẩu hưởng thuế suất ưu đãi EVFTA thì nhà xuất khẩu Việt Nam phải xin C/O mẫu EUR.1 tại các đơn vị của Bộ Công Thương;
  • Nếu muốn hàng xuất khẩu hưởng thuế ưu đãi GSP thì nhà xuất khẩu Việt Nam phải chứng nhận xuất xứ theo cơ chế của GSP mà hiện tại đang chuyển sang hình thức tự chứng nhận xuất xứ bằng cách đăng ký mã số REX (muộn nhất là đến ngày 31/12/2020 toàn bộ doanh nghiệp xuất đi EU theo GSP phải hoàn thành đăng ký mã số này).

2. Giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU

  • Mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ EVFTA

Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) EVFTA có mẫu EUR.1, theo quy định trong EVFTA, mẫu này áp dụng chung cho cả hàng hóa xuất khẩu từ EU và Việt Nam. Tuy nhiên, do EU không áp dụng cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ bởi cơ quan có thẩm quyền, mà áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ bởi nhà xuất khẩu có đăng ký (hệ thống REX), mẫu EUR.1 trên thực tế chỉ áp dụng đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam đi EU.

Mẫu EUR.1 được quy định tại Phụ lục VII, Nghị định thư 1 EVFTA. Thông tin khai báo trên mẫu EUR.1 được cho là đơn giản hơn so với mẫu C/O trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết:

  • Một số thông tin nhà xuất khẩu được phép lựa chọn khai báo hoặc không khai báo trên C/O mẫu EUR.1 (ví dụ nhà nhập khẩu, hành trình lô hàng, số hóa đơn thương mại…).
  • Một số thông tin không bắt buộc thể hiện trên mẫu EUR.1 (như tiêu chí xuất xứ, mã số HS của hàng hóa…). Đây là một điểm khác so với các mẫu C/O theo các FTA khác của Việt Nam (các FTA này đều yêu cầu khai mã HS và tiêu chí xuất xứ của hàng hóa).

Thời hạn hiệu lực của C/O EUR.1 là 12 tháng kể từ ngày phát hành.

  • Thời điểm cấp C/O mẫu EUR.1

Đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ cấp C/O mẫu EUR.1 sớm nhất có thể từ ngày xuất khẩu hàng hóa (ngày tàu chạy theo kê khai) và không quá ba ngày làm việc kể từ sau ngày này.

Giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể được cấp sau khi xuất khẩu nhưng chỉ trong một số trường hợp như quy định cụ thể tại Điều 17 Nghị định thư. Giấy này có thể được cấp lại trong trường hợp bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng.

  • Thời điểm nộp C/O

EVFTA không có quy định cụ thể về thời điểm nộp C/O EVFTA, mà cho phép từng Bên (Việt Nam/EU) quy định phụ hợp theo pháp luật của mình. Trên thực tế:

  • Đối với hàng hóa EU nhập khẩu vào Việt Nam: theo quy định hiện hành của Việt Nam (Thông tư số 38/2018/TTBTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính), thời điểm nộp C/O của hàng hóa nhập khẩu từ một nước có thỏa thuận ưu đãi thuế quan với Việt Nam là tại thời điểm làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, và có thể nộp muộn không quá 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
  • Đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU: EU cho phép nộp C/O cho cơ quan hải quan của EU để hưởng ưu đãi thuế quan sau thời điểm nhập khẩu hàng hóa vào EU. Theo thông tin từ phía EU thì thời hạn cho phép nộp sau này ít nhất là 2 năm.

 

Lưu ý doanh nghiệp:

C/O mẫu EUR.1 có những nội dung khá quen thuộc và đơn giản hơn so với Mẫu C/O trong các FTA trước đây. Mặc dù vậy, nội dung của Mẫu này trong EVFTA vẫn có những điểm khác biệt đáng chú ý so với các FTA Việt Nam từng ký kết khác. Các nội dung này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới các loại giấy tờ mà doanh nghiệp cần cung cấp hoặc thông tin khai báo. Hiện các cam kết EVFTA về các vấn đề này đã được nội luật hóa và hướng dẫn cụ thể trong Thông tư 11/2020/TT-BCT về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA. Doanh nghiệp xuất khẩu muốn hàng hóa hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA cần tra cứu kỹ Thông tư này để biết QTXX từng mặt hàng và hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo EVFTA.

Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần chú ý C/O mẫu EUR.1 có thể được cấp sau thời điểm xuất khẩu từ Việt Nam và nộp sau thời điểm nhập khẩu vào EU. Vì vậy, trong trường hợp hàng hóa của doanh nghiệp đáp ứng được QTXX của EVFTA nhưng vì lý do chính đáng nào đó mà chưa kịp xin C/O mẫu EUR.1 tại cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thì vẫn có thể xin cấp C/O này sau thời điểm hàng hóa đã xuất khẩu sang EU. Đồng thời, doanh nghiệp có thể nộp muộn C/O mẫu EUR.1 cho cơ quan hải quan EU sau khi hàng hóa đã được nhập khẩu vào thị trường này để xin hồi tố thuế quan ưu đãi EVFTA mà trước đó vì chưa có C/O mẫu EUR.1 nên chưa được hưởng ưu đãi thuế.

 

Một số cam kết khác doanh nghiệp cần chú ý

1. Hàng hóa miễn chứng từ xuất xứ

EVFTA quy định các hàng hóa sau có thể được miễn chứng từ xuất xứ:

  • Kiện hàng hóa nhỏ được gửi từ cá nhân đến cá nhân, hoặc
  • Hành lý cá nhân của người đi du lịch, hoặc
  • Những lô hàng nhập khẩu không thường xuyên phục vụ cho tiêu dùng cá nhân.

Điều kiện để được miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với các trường hợp nói trên là:

  1. Các hàng hóa đó không dùng cho mục đích thương mại, và
  2. Có tổng giá trị:
  • Khi nhập khẩu vào EU: 500 EUR đối với kiện hàng nhỏ hoặc 1200 EUR đối với hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch;
  • Khi nhập khẩu vào Việt Nam: 200 USD đối với trường hợp kiện hàng nhỏ, hoặc hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch.

Thông tin thêm: Các mức này trong FTA Việt Nam- Hàn Quốc là 600 USD, FTA Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á Âu là 200 USD, còn CPTPP là 1.000 USD, chung cho tất cả các đối tác.

2.Hàng hóa quá cảnh qua nước thứ ba ngoài Việt Nam và EU

Trong thương mại quốc tế, việc hàng hóa quá cảnh tại nước thứ ba và được tháo dỡ, chia nhỏ tại đó rồi xuất đi các nơi khác nhau ngày càng phổ biến. Chẳng hạn sản phẩm cà phê của Việt Nam xuất khẩu quá cảnh tại Singapore, tại đây lô hàng được chia thành nhiều phần, một phần đưa vào nội địa Singapore, một phần xuất sang Australia, một phần sang EU.

Các FTA trước đây của Việt Nam thường chỉ cho phép hàng hóa quá cảnh tại nước thứ ba được giữ nguyên xuất xứ theo FTA nếu hàng hóa không bị tháo dỡ, chia nhỏ khi quá cảnh.

EVFTA lại chấp nhận cho phép trường hợp này được giữ nguyên xuất xứ EVFTA với điều kiện là việc chia nhỏ lô hàng vẫn nằm dưới sự giám sát hải quan tại nước chia nhỏ lô hàng.

Với trường hợp này, nếu có nghi ngờ, cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu có thể yêu cầu người kê khai hải quan cung cấp các chứng từ chứng minh hàng hóa tuân thủ điều kiện nói trên, dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm:

  • Chứng từ vận tải (vận đơn);
  • Chứng từ thực tế hoặc cụ thể về dán nhãn hoặc đánh số kiện hàng;
  • Bất kỳ chứng từ nào liên quan đến bản thân hàng hoá;
  • Giấy chứng nhận không thay đổi xuất xứ do cơ quan hải quan nước quá cảnh/chia nhỏ lô hàng cung cấp hoặc bất kỳ chứng từ nào chứng minh hàng hoá vẫn nằm trong sự kiểm soát của cơ quan hải quan nước quá cảnh/chia nhỏ lô hàng

Như vậy, theo EVFTA, không phải bất kỳ trường hợp nào doanh nghiệp cũng đều phải tự động xuất trình các chứng từ chứng minh hàng hóa tuân thủ yêu cầu liên quan tới việc tháo dỡ/chia nhỏ lô hàng tại nước thứ ba. Thay vào đó, EVFTA quy định doanh nghiệp chỉ phải xuất trình theo yêu cầu của cơ quan hải quan nước nhập khẩu, và cơ quan này được yêu cầu xuất trình trong trường hợp có nghi ngờ.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần tìm hiểu kỹ và chuẩn bị đầy đủ giấy tờ chứng minh liên quan để đề phòng trường hợp có thể bị kiểm tra.

3. Xác minh xuất xứ

Về nguyên tắc, hàng hóa khi nhập khẩu có chứng nhận xuất xứ theo EVFTA thì sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Tuy nhiên, nếu trong quá trình phối hợp xác minh xuất xứ giữa cơ quan hải quan Việt Nam và EU mà xác định chứng nhận xuất xứ đó không đáp ứng các yêu cầu về QTXX của EVFTA, Bên nhập khẩu có quyền từ chối ưu đãi thuế quan cho lô hàng liên quan.

Quy trình xác minh được quy định cụ thể trong EVFTA như sau:

  • Thời gian xác minh: Việc xác minh chứng từ xuất xứ có thể được thực hiện bất cứ khi nào Bên nhập khẩu thấy nghi ngờ về tính xác thực của chứng từ xuất xứ đó. Khi đó, Bên nhập khẩu sẽ yêu cầu Bên xuất khẩu xác minh chứng từ xuất xứ có nghi ngờ (EVFTA có quy định cụ thể về thời hạn lưu trữ hồ sơ phục vụ việc xác minh đối với từng nhóm đối tượng riêng).
  • Đối tượng thực hiện xác minh: Cơ quan có thẩm quyền của Bên xuất khẩu sẽ tiến hành xác minh (chứ không phải là Bên nhập khẩu). Cơ quan này sẽ căn cứ vào chứng từ và chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền Bên nhập khẩu gửi để tiến hành kiểm tra nhà xuất khẩu của Bên mình dựa trên báo cáo kế toán của nhà xuất khẩu đó hoặc bất kỳ hình thức nào khác thích hợp. Kết quả xác minh sau đó phải gửi cho cơ quan có thẩm quyền Bên nhập khẩu.
  • Biện pháp tạm thời: Trong thời gian đợi kết quả xác minh, Bên nhập khẩu có quyền tạm dừng ưu đãi thuế quan đối với lô hàng liên quan.
  • Tạm dừng ưu đãi: Nếu trong vòng 10 tháng kể từ ngày Cơ quan có thẩm quyền Bên nhập khẩu gửi yêu cầu xác minh mà không nhận được phản hồi hoặc phản hồi không thỏa đáng từ Cơ quan có thẩm quyền Bên xuất khẩu, Bên nhập khẩu có quyền từ chối cho hưởng ưu đãi đối với lô hàng có chứng nhận xuất xứ không xác thực, và trong một số trường hợp tạm dừng ưu đãi đối với toàn bộ sản phẩm liên quan (tức là tất cả các lô hàng xuất khẩu sản phẩm đó của Việt Nam sang EU sẽ không được hưởng  ưu đãi thuế quan EVFTA nữa  - xem thêm Câu 18).
  • Xử phạt: EVFTA yêu cầu các Bên phải đặt ra các chế tài xử phạt đối với các hình thức gian lận, làm giả chứng từ xuất xứ nhằm được hưởng ưu đãi thuế quan.

EVFTA có quy định rất cụ thể về xác minh xuất xứ và các chế tài xử phạt khi vi phạm các vấn đề về chứng nhận xuất xứ. EU lại là Khu vực rất nghiêm khắc về vấn đề này. Vì vậy, ngoài việc phải thực hiện đúng và đầy đủ việc khai báo xuất xứ doanh nghiệp cần phải chú ý lưu trữ đầy đủ hồ sơ chứng từ xuất xứ để phục vụ cho việc xác minh xuất xứ nếu được yêu cầu. Theo EVFTA thì nhà xuất khẩu phải lưu trữ bản sao chứng từ xuất xứ và các hồ sơ liên quan trong vòng ít nhất là 3 năm.

Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Nhựa Việt Nam
- Trung tâm WTO và Hội nhập