Báo cáo: “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam”

04/04/2021    814

Thời gian: 04/2021

Đơn vị thực hiện: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Đại dịch COVID-19 kể từ đầu năm 2020 đã có những tác động bất lợi, sâu rộng, cả trực tiếp và gián tiếp đối với kinh tế toàn cầu. Đến thời điểm tháng 3/2021, đại dịch vẫn có những diễn biến hết sức khó lường, cho dù nhiều nước đã bắt đầu quá trình phổ biến vắc–xin. Quan ngại về suy giảm kinh tế, mất việc làm, v.v. do đại dịch COVID-19 gây ra đã khiến nhiều quốc gia thực thi các chính sách nới lỏng tiền tệ và triển khai các gói hỗ trợ tài khóa với quy mô chưa từng có tiền lệ. Bên cạnh tác động làm gia tăng rủi ro nợ toàn cầu và khả năng phục hồi không đều giữa các nền kinh tế, các biện pháp hỗ trợ này cũng đặt ra quan ngại về việc nhiều nước giảm sự lưu tâm đối với cải cách thể chế kinh tế. 

Việt Nam đang bước vào giai đoạn chiến lược 2021-2030 với những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mới. Dù phải cân nhắc những kịch bản diễn biến dịch bệnh, Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau khi COVID-19 kết thúc. Cần lưu ý, các biện pháp cải cách kinh tế đã được xác định và thực hiện ở Việt Nam cho tới năm 2019 vẫn cần được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Vì vậy, nếu tập trung quá mức vào các biện pháp tài chính và tiền tệ để thúc đẩy phục hồi kinh tế mà không tính tới điểm dừng/“bình thường hóa” phù hợp thì có thể dẫn tới rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách kinh tế vĩ mô, gia tăng áp lực lạm phát, và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế phục hồi chậm, cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ thiếu sự đồng thuận và động lực cần thiết và/hoặc không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Chính ở đây, bảo đảm các chính sách phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế có sự song hành và hài hòa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dù cũng là một yêu cầu rất thách thức. 

Với góc nhìn đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện nghiên cứu “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam” nhằm xác định những yêu cầu và lộ trình cho Việt Nam để thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch COVID-19. Báo cáo tập trung phân tích những yêu cầu về thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch COVID-19 mà Việt Nam cần hướng tới.

Bản mềm Báo cáo được đính kèm dưới đây: