Quy định định giá trần sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp chế biến tại Việt Nam

15/08/2019    11971

Câu hỏi I:

- Thời gian qua, 1 số nước Châu Phi đang thực hiện chính sách: Định giá sàn tối thiểu với sản phẩm X xuất khẩu. Có nước dùng những biện pháp mạnh với doanh nghiệp xuất khẩu vi phạm. Cách làm này đang “lan” sang các nước khác nhằm bảo vệ nông dân, người trồng sản phẩm X. Điều này gây khó khăn, giảm hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp chế biến sản phẩm X tại Việt Nam. Bởi lẽ: Mặc dù là nước xuất khẩu sản phẩm X lớn nhất thế giới nhưng hầu hết nguyên liệu mua từ châu Phi. Một số Doanh Nghiệp Hội viên Hiệp hội Y đề nghị: Hiệp hội kiến nghị Chính phủ định giá trần nhập khẩu sản phẩm X thô để hỗ trợ doanh nghiệp chế biến tại Việt Nam. Đề nghị này ĐÚNG hay CHƯA ĐÚNG như thế nào? Căn cứ pháp lý của Việt nam và quốc tế để nói là ĐÚNG hay CHƯA ĐÚNG?

 - Một thực tế với sản phẩm X thô nữa là: Các doanh nghiệp mua bán sản phẩm X thô của các nước lúc thì bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh; lúc thì ép giá cao với các nhà chế biến… Có 1 Hiệp hội nước bạn đề nghị Hiệp hội Y phối hợp “Ấn định giá cho Sản phẩm X thô để tránh cạnh tranh không lành mạnh”. Đề nghị này ĐÚNG hay CHƯA ĐÚNG như thế nào? Căn cứ pháp lý của Việt Nam và quốc tế để nói là ĐÚNG hay CHƯA ĐÚNG?

 

Trả lời I:

Câu hỏi 1: Giá trần cho hàng nhập có phù hợp WTO không?

Khoản 9 Điều III GATT94 (Hiệp định về thương mại hàng hóa của WTO) quy định: "Các bên ký kết thừa nhận rằng các biện pháp kiểm soát giá tối đa, dù rằng tuân theo đúng các quy định khác của điều khoản này, có thể có làm tổn hại tới quyền lợi của bên ký kết cung cấp hàng nhập. Do vậy, các bên ký kết áp dụng các biện pháp kiểm soát giá tối đa sẽ cân nhắc đến quyền lợi của bên ký kết là bên xuất khẩu nhằm hạn chế tối đa trong khuôn khổ các biện pháp có thể thực hiện được các tác động bất lợi đó"

Theo quy định được trích dẫn ở trên thì VN có thể áp giá tối đa (giá trần) dù rằng WTO không khuyến khích điều này và đòi hỏi nước NK (trong trường hợp này là VN) phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, VCCI khuyến nghị Hiệp hội cần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng trước khi kiến nghị Chính phủ về vấn đề này ít nhất là bởi các lý do sau:

- Trên thực tế, hầu như chưa thấy thông lệ quốc tế nào áp giá tối đa kiểu này; 

- Vấn đề giá nhập khẩu vốn là vấn đề của thị trường, nếu Nhà nước áp giá tối đa nhập khẩu thì các DN rất có thể sẽ rơi vào trường hợp thiếu nguyên liệu mà nguyên liệu thế giới giá cao hơn giá tối đa được phép mua nên ko mua được, ảnh hưởng lớn đến sản xuất; 

- Chính phủ biết dựa vào đâu để áp giá trần? và cơ chế điều chỉnh như thế nào cho thích hợp và bảo đảm không bị lạm dụng bởi các nhóm lợi ích (ví dụ một vài DN lớn đã có đủ nguyên liệu, muốn chặn các DN khác nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất để cạnh tranh không lành mạnh có thể vận động Nhà nước áp một mức giá trần thấp)?

Câu hỏi 2: Thỏa thuận ấn định giá giữa các Hiệp hội DN ở các nước khác nhau có vi phạm WTO, pháp luật VN không?

WTO chưa có quy định về vấn đề này.

Tuy nhiên theo Luật cạnh tranh của VN thì hành vi này là hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm. Cụ thể:

- Theo Điều 12 và Điều 11.1 Luật Cạnh tranh thì hành vi "Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp" là hành vi bị cấm

- Phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh quy định tại Điều 1: "Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam" >>> Ý là mọi hoạt động xảy ra ở đâu ko cần biết nhưng gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh ở VN đều thuộc diện bị điều chỉnh
- Đối tượng áp dụng của Luật cạnh tranh quy định tại Điều 2: là "2. Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam. 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan."

Trên đây là một số thông tin phản hồi các câu hỏi của Hiệp hội. Hy vọng thông tin này hữu ích.

Trân trọng.

 

Câu hỏi II:

Về nội dung 1: "Áp giá trần với sản phẩm X nhập khẩu, trước tình hình các nước Châu Phí áp giá sàn xuất khẩu gây khó khăn, thiệt hại cho các Nhà máy chế biến của Việt Nam" Cá nhân tôi có 1 số ý như sau, rất mong được cho ý kiến "Bình luận", góp ý.

1.     ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC CHÂU PHI CÓ QUY ĐỊNH NÀY

-  Mục đích của họ là Hỗ trợ cho sản xuất trong nước.

-  Tác động của Quy định này với các nước khác:

+ Không GÂY THIỆT HẠI CHO SẢN PHẨM TƯƠNG TỰ CỦA NƯỚC KHÁC trên thị trường quốc tế;

+ Không HẠN CHẾ CẠNH TRANH CỦA SẢN PHẨM TƯƠNG TỰ CỦA NƯỚC KHÁC TRÊN LÃNH THỔ NƯỚC HỌ

-  Do đó, họ không vi phạm các quy định của WTO. Vì:

+ WTO có nhiều quy định liên quan đến GIÁ nhưng chỉ nhằm CHỐNG VIỆC HẠN CHẾ CẠNH TRANH, BẢO ĐẢM TỰ DO THƯƠNG MẠI. có 2 QUY ĐỊNH CẤM QUAN TRỌNG và nước bị thiệt hại có thể TỰ VỆ là: BÁN PHÁ GIÁ và TRỢ CẤP CỦA NHÀ NƯỚC khiến cho HÀNG HÓA NHẬP KHẨU CÓ GIÁ THẤP gây thiệt hại cho SẢN PHẨM TƯƠNG TỰ CỦA NƯỚC NHẬP KHẨU (Theo Điều VI Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (GATT)  và “Hiệp định về chống bán phá giá” ADP về việc Thi hành Điều VI GATT 1994)

+ Quy định này của các nước Châu Phi có thể gây khó khăn và giảm hiệu quả cho Các Nhà máy chế biến sản phẩm X của Việt Nam; nhưng lại CÓ LỢI cho SẢN PHẨM X THÔ TRONG NƯỚC CỦA VIỆT NAM – là SẢN PHẨM TƯƠNG TỰ. Nếu định giá trần nhập khẩu, có thể sẽ tác động không tốt đến sản xuất X trong nước và người nông dân.

2.     QUY ĐỊNH CỦA VIÊT NAM VỀ VIỆC NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ HÀNG HÓA DỊCH VỤ

Theo quy định tại Điều 19 Luật giá 2012 thì hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gồm:

a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh;

b) Tài nguyên quan trọng;

c) Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Với hình thức “Định giá tối đa hoặc giá tối thiểu” sẽ chỉ gồm các loại hàng hóa, dịch vụ:

“- Hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh; sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, trừ dịch vụ được quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;

- Sản phẩm thuốc lá điếu sản xuất trong nước;

- Giá cho thuê đối với tài sản nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng.”

Như vậy, SẢN PHẨM X NHẬP KHẨU không thuộc loại NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ mà vận hành theo cơ chế thị trường và các quy định của thương mại quốc tế. Đáp ứng các cam kết của Việt Nam trong tự do hóa thương mại và Hội nhập kinh tế sâu, rộng với thế giới.

 

Trả lời II:

Liên quan tới những nội dung mà trao đổi, xin được thông tin thêm như sau:

1. Về việc áp giá sàn xuất khẩu của các nước châu Phi

WTO không có quy định nào hạn chế biện pháp này, vì vậy việc áp dụng của các nước này (giả sử tất cả đều đã là thành viên WTO) không vi phạm WTO. 

Các quy định của WTO liên quan tới biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) đúng là có liên quan tới vấn đề giá XK nhưng là vấn đề tương đối riêng biệt. Cụ thể, các biện pháp phòng vệ thương mại liên quan tới chuyện cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế, được xác định thông qua việc so sánh giá XK với giá thông thường (giá bán tại thị trường nội địa) của hàng hóa. Việc áp dụng các biện pháp này là theo từng vụ việc (vụ kiện chống bán phá giá/chống trợ cấp), chỉ được thực hiện sau khi đã tiến hành điều tra (theo trình tự quy định) và thường là dưới dạng các loại thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp (có hình thức tự nguyện cam kết không bán giá dưới một mức nào đó, nhưng hầu như không áp dụng). Còn chuyện áp giá trần XK hay giá sàn NK thì chỉ có 01 loại giá, và là biện pháp độc lập, không liên quan gì tới việc điều tra phòng vệ thương mại.

Trên thực tế, VN cũng có thời điểm có đề xuất  áp dụng giá sàn XK đối với cá tra/basa với mục tiêu giảm tình trạng chạy đua xuống đáy về giá. Tuy nhiên, đề xuất này cuối cùng không được chấp nhận, cũng vì các lý do thị trường tương tự với việc đề nghị áp dụng giá trần đối với NK như nêu trong email trước chứ không phải vì lý do vi phạm WTO.

2. Về quy định liên quan tới giá hàng hóa, dịch vụ

Các quy định trong pháp luật về giá (trong đó có ấn định giá) của Việt Nam mà Anh nêu là chuẩn xác. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng đối với giá hàng hóa, dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, không áp dụng cho giá xuất khẩu ra nước ngoài hoặc giá nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam (Điều 2 Luật Giá).

Hy vọng các thông tin nói trên hữu ích cho công việc của Anh và Hiệp hội.

Trân trọng.