Nghiên cứu Một số rủi ro của ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập – Thực trạng và giải pháp

14/08/2017

Trong gần một thập kỷ trở lại đây, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam là một trong những ngành năng động và thành công nhất trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu như năm 2004 xuất khẩu gỗ mới lần đầu tiên lọt vào danh sách “ngành xuất khẩu tỷ đô” thì 10 năm sau kim ngạch xuất khẩu gỗ đã tăng gấp 6 lần, đạt 6,2 tỷ USD. Ngành đã về đích trước 5 năm khi hoàn thành mục tiêu mà Chiến lược phát triển ngành này bằng thành tích 6,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cho đến năm 2020[1].

Sự phát triển ấn tượng của ngành gỗ không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho các chủ thể sản xuất, chế biến, thương mại gỗ xuất khẩu mà còn góp phần quan trọng vào việc cải thiện nguồn thu nhập, nâng cao mức sống của hàng triệu lao động tham gia các khâu trong chuỗi cung, bao gồm nhiều hộ gia đình trồng rừng, cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến.

Một trong những đặc trưng cơ bản của ngành chế biến gỗ là sử dụng nguyên liệu gỗ đầu vào. Do vậy, định hướng và phương thức phát triển của ngành này có tác động trực tiếp tới các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ và thân thiện với môi trường.

Ngành gỗ hiện đang hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới. Hội nhập trong đang đặt ngành gỗ trước những cơ hội và thách thức lớn.

Việt Nam tham gia một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Á Âu (FTA VN-EUEA). Các đối tác FTA (trong đó đáng chú ý là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Nga…) đã có những cam kết mở cửa mạnh mẽ thị trường của mình. Ngành chế biến gỗ đang đứng trước cơ hội lớn để tiếp cận các thị trường lớn nhất, tiềm năng nhất với các điều kiện ưu tiên. Nói cách khác, hội nhập giúp ngành gỗ có cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường; hội nhập cũng tạo động lực thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh của toàn ngành, từ đó tạo đà cho ngành phát triển theo hướng bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, việc tăng cường các yêu cầu về tăng trưởng xanh, bao gồm các yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp đang trở thành xu hướng chủ đạo ở nhiều thị trường. Luật Lacey của Hoa Kỳ, Chương trình Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT) của EU, Luật Chống khai thác gỗ lậu của Úc là các ví dụ điển hình về các yêu cầu liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu trong các sản phẩm gỗ ở các thị trường xuất khẩu. Các yêu cầu này đang tạo ra những thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành chế biến gỗ xuất khẩu còn phải đối mặt với các rào cản dưới dạng các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch thực vật … hiện đang được sử dụng ngày càng phổ biến ở nhiều thị trường xuất khẩu. Rủi ro của ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong việc không đáp ứng được các yếu cầu mới của thị trường vì vậy đang ngày càng lớn.

Ngành gỗ có thể làm gì để một mặt tận dụng các cơ hội từ hội nhập để tiếp tục phát triển bền vững mặt khác có thể nhận diện và chuẩn bị đầy đủ cho mình để vượt qua những rủi ro này?  Đây là những câu hỏi quan trọng cần được trả lời càng sớm càng tốt. Việc tìm ra các giải pháp để ngành gỗ tận dụng được cơ hội, giảm thiểu rủi ro là rất quan trọng nhằm giúp ngành gỗ duy trì được động lực tăng trưởng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai.

Tận dụng cơ hội, giảm thiểu rủi ro trước hết phụ thuộc vào các yếu tố nội tại của doanh nghiệp, bao gồm các tính toán và chiến lược kinh doanh. Môi trường thuận lợi hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ hợp lý từ Nhà nước cũng là yếu tố không thể thiếu giúp doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển ổn định, hiện thực hóa các cơ hội và vượt qua những rủi ro này.

Nghiên cứu “Một số rủi ro của ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập – Thực trạng và giải pháp” được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam trong tham vấn xây dựng chính sách phát triển ngành” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), do Đại sứ quán Úc tài trợ, Quỹ Châu Á quản lý, tập trung nhận diện các rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà nhóm các doanh nghiệp trực tiếp tham gia chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ đang phải đối mặt. Báo cáo đặc biệt quan tâm tới các rủi ro ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Báo cáo cũng đánh giá bối cảnh chính sách trong nước và quốc tế liên quan tới hoạt động sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu và các rủi ro tiềm ẩn có liên quan tới các khâu của chuỗi cung trong bối cảnh các chính sách này đang được thực thi. Trên cơ sở đó Báo cáo sẽ tập trung đưa ra các kiến nghị chính sách của Nhà nước để giảm thiểu các rủi ro này.

Hy vọng nội dung Nghiên cứu hữu ích với các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu gỗ, cũng như các tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước có liên quan.