Báo cáo Phân tích tình hình tuân thủ tiêu chuẩn từ chối nhập khẩu tại cửa khẩu của một số thị trường chính

17/09/2024

Thời gian: 02/2023

Đơn vị thực hiện: Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) 

Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong thương mại quốc tế ngày càng chặt chẽ đối với sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm (sản phẩm công nghiệp). Ngoài ra, bằng chứng cho thấy nhiều nước đang phát triển đối mặt với nhiều thách thức khi phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn và chất lượng mà tiêu chuẩn và quy chuẩn đưa ra. Kể từ năm 2008, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thường xuyên thu thập bằng chứng về các thách thức liên quan đến thương mại và sự gia tăng của các thách thức đó theo thời gian, đặc biệt trong lĩnh vực tuân thủ các yêu cầu (về chất lượng, chứng nhận, ghi nhãn…) do các thị trường quốc tế đặt ra. Khi nỗ lực cải thiện mức độ tuân thủ các yêu cầu, chính phủ các nước và nhà tài trợ gặp phải thách thức trong việc phân bổ nguồn lực tài chính và kỹ thuật còn hạn chế cho nhu cầu tăng cường năng lực rất cao. Do đó, cần phải xác định xem thách thức lớn nhất trước mắt hiện nằm ở đâu – trong bối cảnh thương mại thì điều này đồng nghĩa với việc phải xác định sản phẩm và thị trường có tỉ lệ không tuân thủ các yêu cầu cao nhất – từ đó ghi lại các trường hợp từ chối nhập khẩu.

Trong bối cảnh này, có thể sử dụng công cụ Phân tích Tuân thủ Tiêu chuẩn (SCA) để hỗ trợ cho việc phân tích số liệu từ chối nhập khẩu, nhằm xác định các thách thức chính mà các nước xuất khẩu gặp phải và qua đó thúc đẩy định hướng đầu tư cho việc tăng cường năng lực tuân thủ các yêu cầu liên quan (thông tin chi tiết về công cụ tại Phụ lục). Khi sử dụng công cụ SCA, báo cáo này tập trung vào phân tích xu hướng và loại hình các trường hợp nông sản thực phẩm của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu tại 5 thị trường lớn, bao gồm: Úc, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản và Hoa Kỳ (US). Mục đích của báo cáo này là giúp độc giả có được cái nhìn sâu sắc về những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn về chất lượng và an toàn sản phẩm trong thương mại nông sản thực phẩm ở cả thị trường khu vực và toàn cầu.

Báo cáo này do UNIDO soạn thảo và đã được thông qua trong tọa đàm. Trong tọa đàm, UNIDO ghi nhận nhiều phản hồi từ những đại biểu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam (STAMEQ), Cục Bảo vệ Thực vật, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu, Tập đoàn Việt Phúc, Công ty TE-FOOD, Mạng lưới Xoài Châu Á Thái Bình Dương và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam,... Dựa trên phân tích dữ liệu từ chối nhập khẩu và tham vấn với các bên liên quan khác nhau, các khuyến nghị đã được đưa ra và có thể được chia thành ba lĩnh vực: củng cố Hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng; nâng cao tính tuân thủ, khả năng cạnh tranh và tính bền vững của ngành; và thúc đẩy một môi trường chính sách thuận lợi và văn hóa chất lượng.

Báo cáo được đính kèm dưới đây: