Tổng quan về Chiến lược “Từ Nông trại đến Bàn ăn” (F2F)

Chiến lược “Từ Nông trại đến Bàn ăn” (Farm to Fork – F2F) được công bố ngày 20/5/2020 của Liên minh châu Âu (EU) là một trong những cấu phần cốt lõi của Thỏa thuận Xanh EU (European Green Deal), với mục tiêu giải quyết toàn diện các thách thức liên quan đến chuỗi thực phẩm bền vững. Đây cũng là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của Ủy ban Châu Âu nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).

Chiến lược “Từ Nông trại đến Bàn ăn” là một cách tiếp cận mới nhằm đánh giá cao giá trị bền vững của thực phẩm. Đây là cơ hội để cải thiện lối sống, sức khỏe và môi trường. Việc tạo ra một môi trường thực phẩm thuận lợi giúp dễ dàng lựa chọn các chế độ ăn uống lành mạnh và bền vững sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng, đồng thời giảm các chi phí liên quan đến sức khỏe cho xã hội. Người dân ngày càng chú ý đến các vấn đề môi trường, sức khỏe, xã hội và đạo đức, và họ tìm kiếm giá trị trong thực phẩm hơn bao giờ hết. Ngay cả khi xã hội trở nên đô thị hóa hơn, họ vẫn muốn cảm thấy gần gũi hơn với thực phẩm của mình, muốn thực phẩm tươi, ít chế biến và được sản xuất bền vững. Đại dịch COVID-19 xảy ra đã nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc có một chuỗi cung ứng có thể hoạt động hiệu quả trong mọi hoàn cảnh, có khả năng chống chịu tốt và đảm bảo cung cấp đủ lượng lương thực với giá cả phải chăng cho người dân. Người tiêu dùng cần được trao quyền để chọn thực phẩm bền vững và đây có thể coi như là trách nhiệm cũng như là cơ hội của tất cả các nhân tố trong chuỗi thực phẩm.

Chiến lược này cũng tạo cơ hội gia tăng thu nhập cho toàn bộ những nhân tố tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm. Trong đó, việc đảm bảo sinh kế bền vững cho nhà sản xuất chủ chốt, các nông dân, ngư dân và những nhà cung ứng thực phẩm vẫn còn tụt hậu về thu nhập, là điều thiết yếu để quá trình phục hồi và chuyển đổi này đạt được thành công.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI