Các nguồn lực hỗ trợ Chiến lược F2F
- Nghiên cứu, đổi mới, công nghệ và đầu tư
Nghiên cứu và đổi mới (Research & Innovation – R&I) là những nhân tố cốt lõi đóng vai trò thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm bền vững, lành mạnh và bao trùm toàn bộ giai đoạn từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ. Trong khuôn khổ Chương trình Horizon 2020, Ủy ban châu Âu đã triển khai một đợt kêu gọi đề xuất các ưu tiên của Thỏa thuận Xanh EU với tổng trị giá khoảng 10 tỷ euro dành cho các hoạt động R&I liên quan tới thực phẩm, kinh tế sinh học, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản và môi trường, cũng như sử dụng công nghệ kỹ thuật số và các giải pháp dựa trên thiên nhiên cho ngành nông nghiệp thực phẩm.
Thêm vào đó, Ủy ban châu Âu cũng sẽ phối hợp với các nước thành viên để tăng cường vai trò của Đối tác Đổi mới Nông nghiệp "Năng suất và Bền vững" (European Innovation Partnership 'Agricultural Productivity and Sustainability' - EIP-AGRI) trong các kế hoạch chiến lược. Ngoài ra, Quỹ Phát triển Khu vực Châu Âu cũng sẽ đầu tư vào đổi mới và hợp tác dọc theo chuỗi giá trị thực phẩm, và Quỹ InvestEU cũng tạo điều kiện tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia tích cực hơn vào việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững.
Tất cả khu vực nông thôn tại EU cần được kết nối với internet tốc độ cao và ổn định, giúp phổ biến rộng rãi nông nghiệp xanh và đúng, cho phép EU khai thác hết tiềm năng lãnh đạo qua công nghệ vệ tinh, từ đó giảm chi phí cho người nông dân, cải thiện quản lý đất và chất lượng nước, giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và khí thải nhà kính, đồng thời cải thiện đa dạng sinh học và tạo ra một môi trường lành mạnh hơn. Do đó, Ủy ban châu Âu đặt mục tiêu đẩy nhanh triển khai internet băng thông rộng nhanh ở các khu vực nông thôn, nhằm đạt 100% kết nối vào năm 2025.
- Dịch vụ tư vấn, chia sẻ dữ liệu, kiến thức và kỹ năng
Tất cả các thành viên trong hệ thống thực phẩm đều cần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn và nguồn kiến thức, dữ liệu, kỹ năng phù hợp để phát triển theo hướng bền vững. Do đó, Ủy ban châu Âu sẽ thúc đẩy hiệu quả Hệ thống Tri thức và Đổi mới Nông nghiệp (AKIS). Trong các Kế hoạch Chiến lược của Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP), các quốc gia thành viên sẽ cần tăng cường hỗ trợ cho AKIS và củng cố các nguồn lực để phát triển và duy trì các dịch vụ tư vấn phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu của Thỏa thuận Xanh.
Ủy ban châu Âu cũng sẽ đề xuất luật để chuyển đổi Mạng Dữ liệu Kế toán trang trại trại thành Mạng Dữ liệu Bền vững trang trại với mục tiêu thu thập dữ liệu về các chỉ số của chiến lược F2F cùng các chỉ số bền vững khác. Mạng này sẽ cho phép so sánh hiệu suất của các trang trại với các trung bình khu vực, quốc gia hoặc ngành, từ đó cung cấp phản hồi và hướng dẫn cho trang trại đó thông qua dịch vụ tư vấn phù hợp, dồng thời cũng kết nối kinh nghiệm từ trang trại tới các chương trình và dự án nghiên cứu liên quan.
Là một phần của chiến lược dữ liệu châu Âu, không gian dữ liệu nông nghiệp chung của EU sẽ nâng cao tính bền vững của ngành nông nghiệp khu vực này thông qua việc xử lý và phân tích dữ liệu sản xuất, sử dụng đất, môi trường và các dữ liệu khác, cho phép áp dụng các phương pháp sản xuất chính xác và phù hợp ở cấp trang trại và giám sát hiệu suất của ngành, cũng như hỗ trợ sáng kiến nông nghiệp carbon. Các chương trình của EU như Copernicus và Mạng lưới dữ liệu và quan sát biển châu Âu (European Marine Observation and Data Network - EMODnet) sẽ giảm thiểu rủi ro đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bền vững trong lĩnh vực thủy sản và nuôi trồng thủy sản.
Thêm vào đó, Ủy ban châu Âu sẽ cung cấp các hỗ trợ thông qua Chương trình kỹ năng và Mạng lưới doanh nghiệp EU để giúp các nhà chế biến thực phẩm nhỏ, các nhà bán lẻ và dịch vụ thực phẩm nhỏ có thể phát triển được kỹ năng, kiến thức xây dựng mô hình kinh doanh mới theo hướng bền vững mà không phải chịu nhiều gánh nặng hành chính và chi phí bổ sung.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI