Các mục tiêu cụ thể của Chiến lược F2F
Để đạt được các mục tiêu tổng quát lớn (Chi tiết tại…), chiến lược F2F sẽ triển khai tập trung vào 06 mục tiêu nhỏ với nhiều nhánh nội dung chi tiết bao gồm (i) Bảo đảm sản xuất bền vững; (ii) Bảo đảm an ninh lương thực; (iii) Khuyến khích thực phẩm bền vững trong quy trình chế biến, bán buôn, bán lẻ và dịch vụ ăn uống; (iv) Thúc đẩy tiêu dùng thực phẩm bền vững, hỗ trợ chuyển dịch sang chế độ ăn uống lành mạnh, bền vững; (v) Giảm lãng phí thực phẩm và (vi) Chống gian lận trong chuỗi cung ứng thực phẩm, cụ thể như sau:
1. Bảo đảm sản xuất thực phẩm bền vững
Một số nội dung đáng chú ý để bảo đảm sản xuất thực phẩm bền vững được Ủy ban châu Âu đưa ra như sau:
1.1. Đối với toàn ngành nông nghiệp
- Chuyển đổi phương thức sản xuất
Tất cả thành viên của chuỗi cung ứng thực phẩm đều vai trò đóng góp hỗ trợ chuỗi phát triển theo hướng bền vững lâu dài. Ví dụ, nông dân, ngư dân có thể chuyển đổi phương pháp sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường hơn, thông qua việc tận dụng tối đa các nguồn lực tự nhiên, kết hợp thêm công cụ máy móc hiện tại và kỹ thuật số, giảm thiểu và tối đa hóa sử dụng các hóa chất đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… Việc cải tiến này cần những đầu tư nhất định ban đầu về nhân lực và tài chính, nhưng hứa hẹn sẽ làm giảm chi phí và thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm về lâu dài.
Một số chương trình đang được EU hướng tới như canh tác carbon bằng cách thông qua các hoạt động nông nghiệp để loại bớt CO2 từ khí quyển, hay phát triển nền kinh tế sinh học tuần hoàn. Đây là một ngành mới vẫn còn nhiều tiềm năng khai thác, ví dụ như các nhà máy có thể phát triển sản xuất phân bón sinh học, năng lượng sinh học, hóa chất sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo thêm nguồn thu, hay người nông dân có thể giảm bớt lượng khí metan từ chăn nuôi bằng cách đầu tư vào các hầm biogas làm phân chuồng, tạo nên quy trình chăn nuôi trồng khép kín, tương tự như mô hình VAC (vườn – ao – chuồng) của Việt Nam, vừa tận dụng được nguồn lực thiên nhiên, vừa giảm bớt lượng chất hóa học cần sử dụng gây hại tới môi trường. Ủy ban châu Âu sẽ đẩy nhanh việc khuyến khích áp dụng các phương pháp này và những giải pháp cải tiến chuỗi thực phẩm hiệu quả khác với điều kiện các khoản đầu tư mang tính bền vững và không làm ảnh hưởng tới an ninh lương thực hay đa dạng sinh học.
- Đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ
Thị trường thực phẩm hữu cơ được dự kiến sẽ còn rất nhiều tiềm năng phát triển, do đó ngành nông nghiệp hữu cơ có thể được tập trung đẩy mạnh hơn nữa. Ngành này đang là xu thế mới hiện tại, có tác động tích cực tới đa dạng sinh học, tạo nhiều công ăn việc làm, với giá trị được người tiêu dùng công nhận và thu hút được người lao động trẻ tham gia.
Khung pháp lý hiện hành của EU đã ít nhiều hỗ trợ việc chuyển đổi sang loại hình canh tác này. Ngoài các biện pháp trong Chính sách Nông nghiệp chung (CAP) và Chính sách Thủy sản chung (CFP) như các chương trình sinh thái, đầu tư và dịch vụ tư vấn, Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất một Kế hoạch hành động về nông nghiệp hữu cơ, giúp các quốc gia thành viên thúc đẩy nguồn cung lẫn nhu cầu đối với mặt hàng nhiều dư địa phát triển này. Kế hoạch này sẽ củng cố niềm tin của người tiêu dùng và thúc đẩy nhu cầu với sản phẩm hữu cơ thông qua các chiến dịch quảng bá và mua sắm công xanh. Ủy ban châu Âu dự kiến kế hoạch này sẽ giúp EU đạt được tỷ lệ 25% diện tích đất nông nghiệp được canh tác hữu cơ vào năm 2030, đồng thời tăng đáng kể hoạt động nuôi trồng thủy sản hữu cơ.
1.2. Đối với riêng ngành trồng trọt
- Giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Giảm tần suất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp cũng là một hoạt động quan trọng giúp chuỗi thực phẩm bền vững do thuốc bảo vệ thực vật góp phần gây ô nhiễm đất, nước và không khí, làm mất đa dạng sinh học và có thể gây hại cho các loài động thực vật. Do đó, Ủy ban châu Âu đã đặt mốc nhiệm vụ cho hoạt động này là sẽ phải giảm 50% lượng sử dụng cũng như rủi ro từ các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học và giảm 50% lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nguy hiểm cho tới năm 2030. Theo đó, các hoạt động được đặt ra là sửa đổi Chỉ thị về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bền vững, tăng cường quy định về quản lý dịch hại tổng hợp và khuyến khích sử dụng các phương pháp bảo vệ mùa màng khỏi sâu bệnh như luân canh cây trồng, làm cỏ cơ học… để giảm phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật.
- Giảm thất thoát chất dinh dưỡng
Trên thực tế, không phải tất cả chất dinh dưỡng được sử dụng trong nông nghiệp đều được cây trồng hấp thụ hiệu quả, và hiện tại nông dân đang có xu hướng sử dụng quá mức phân bón khiến cho lượng dinh dưỡng tồn dư ngoài môi trường khá nhiều, đặc biệt là ni tơ và phốt pho, gây ô nhiễm không khí, đất và nước, làm giảm đa dạng sinh học. Do đó, Ủy ban châu Âu đặt mốc nhiệm vụ tới năm 2030 sẽ giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất 50% trong khi không làm suy giảm độ phì nhiêu của đất. Điều này dự kiến cũng sẽ làm giảm ít nhất 20% lượng sử dụng phân bón vào năm 2030, thông qua việc thi hành đẩy đủ các luật về môi trường và khí hậu liên quan, cũng như xác định rõ với từng quốc gia thành viên lượng dinh dưỡng thất thoát cần giảm để đạt được các mục tiêu này, từ đó xây dựng một kế hoạch hành động quản lý dinh dưỡng tổng hợp để giải quyết vấn đề từ gốc, đưa vào Kế hoạch chiến lược Nông nghiệp chung (CAP) của từng quốc gia thành viên.
- Cải thiện giống cây trồng
Biến đổi khí hậu đem lại nhiều thách thức mới đối với sức khỏe cây trồng, đòi hỏi các biện pháp cải tiến để bảo vệ cây trồng hiệu quả hơn khỏi các loại dịch bệnh mới xuất hiện. Do đó, Ủy ban châu Âu sẽ ban hành các quy định tăng cường kiểm soát đối với các loài thực vật nhập khẩu và lưu thông trong lãnh thổ EU. Thêm vào đó, theo yêu cầu từ các quốc gia thành viên, Ủy ban châu Âu cũng đang tiến hành nghiên cứu xem xét tiềm năng của các kỹ thuật gen mới nhằm cải thiện tính bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm, trên nguyên tắc bảo vệ an ninh hạt giống và đa dạng sinh học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký các giống hạt giống, đặc biệt là giống hữu cơ, giống truyền thống và giống thích nghi với địa phương, cho phép nông dân được quyền tiếp cận với nhiều loại hạt giống chất lượng cho ra giống cây trồng thích nghi với áp lực của biến đổi khí hậu.
1.3. Đối với riêng ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản
- Chuyển đổi thức ăn chăn nuôi bền vững
Nông nghiệp chịu trách nhiệm cho khoảng 10,3% lượng khí thải nhà kính (GHG) của EU, trong đó có khoảng 70% đến từ ngành chăn nuôi. Thêm vào đó, 68% diện tích đất nông nghiệp cũng đang được sử dụng cho ngành này, gây nhiều tác động tới môi trường và khí hậu. Do đó, Ủy ban châu Âu chú trọng vào việc phát triển chăn nuôi bền vững thông qua việc nghiên cứu đầu tư đưa ra thị trường các chất phụ gia và thức ăn chăn nuôi theo hướng bền vững, giảm phụ thuộc vào các nguyên vật liệu chế biến thức ăn chăn nuôi chính có tác động xấu tới môi trường (ví dụ như đậu nành trồng trên đất rừng bị phá) thông qua việc tìm kiếm sản xuất đạm thực vật tổng hợp, các nguyên liệu thức ăn thay thế như côn trùng, tảo, hay các sản phẩm phụ, thải loại trong các ngành chế biến (ví dụ: nội tạng cá).
- Giảm sử dụng kháng sinh
Hiện tượng kháng kháng sinh liên quan tới việc sử dụng kháng sinh không đúng liều và quá mức trong chăm sóc sức khỏe động vật và con người đã gây ra khoảng 33.000 ca tử vong tại EU mỗi năm, tạo ra chi phí về y tế đáng kể. Do đó, Ủy ban châu Âu đặt mốc nhiệm vụ tới năm 2030 sẽ giảm 50% tổng lượng doanh số bán thuốc kháng sinh cho vật nuôi và nuôi trồng thủy sản. Theo đó, Ủy ban sẽ triển khai các quy định mới về sản phẩm thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi có bao gồm thuốc kháng sinh để đạt được mục tiêu này, hỗ trợ phát triển sức khỏe toàn diện của con người và xã hội.
- Cải thiện phúc lợi động vật
Việc nâng cao phúc lợi động vật tốt hơn sẽ giúp cải thiện sức khỏe động vật, nâng cao chất lượng thực phẩm, giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh và có thể giúp bảo tồn đa dạng sinh học. Do đó, Ủy ban châu Âu sẽ sửa đổi một số quy định về phúc lợi động vật, bao gồm vận chuyển và giết mổ động vật, để mở rộng phạm vi và bảo đảm mức độ phúc lợi động vật cao hơn. Các bản Kế hoạch chiến lược và Hướng dẫn chiến lược mới của EU về nuôi trồng thủy sản sẽ hỗ trợ quá trình này. Ủy ban châu Âu cũng sẽ cân nhắc các lựa chọn dán nhãn về phúc lợi động vật để thu hút quan tâm hơn về lĩnh vực này trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
- Đẩy mạnh sản xuất thủy sản và hải sản bền vững
Các dữ liệu kinh tế của EU cho thấy, tại những địa điểm mà hoạt động đánh bắt thủy hải sản đã trở nên bền vững, thu nhập của ngư dân cũng đồng thời được tăng trưởng tương đương. Do đó, Ủy ban châu Âu sẽ tăng cường nỗ lực đưa mức trữ lượng cá về mức bền vững thông qua Chính sách Thủy sản chung (CFP), ví dụ như giảm mức thải bỏ lãng phí, tăng cường quản lý nghề cá khu vực Địa Trung Hải, đối mặt với các rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra cho ngành thủy hải sản. Việc đề xuất sửa đổi hệ thống kiểm soát nghề cá của EU cũng sẽ góp phần chống gian lận thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc đã được cải tiến, hỗ trợ ngăn chặn sản phẩm thủy hải sản đánh bắt và nuôi trồng bất hợp pháp xâm nhập vào thị trường EU.
2. Bảo đảm an ninh lương thực
Một hệ thống thực phẩm bền vững là một hệ thống có khả năng cung cấp đầy đủ, đa dạng thực phẩm an toàn, dinh dưỡng và có giá cả hợp lý cho mọi người dân trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng. Ví dụ, đại dịch COVID-19 vừa qua đã đem lại nhiều bài học liên quan tới khủng hoảng an ninh lương thực, chuỗi cung ứng và sinh kế của các thành viên trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Ở bối cảnh hiện tại, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học cũng là những mối đe dọa cấp bách và có tính chất lâu dài với chuỗi cung ứng thực phẩm không chỉ tại EU mà trên toàn thế giới.
Do sự phức tạp và số lượng lớn các tác nhân liên quan trong chuỗi giá trị thực phẩm, các cuộc khủng hoảng hoặc biến động lớn sẽ ảnh hưởng tới hệ thống này theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như với đại dịch COVID-19, mặc dù nguồn cung ứng thực phẩm nhìn chung tương đối đẩy đủ, nhưng phải đối mặt với các thách thức như gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, mất thị trường, thay đổi trong thói quen tiêu dùng… Những thách thức này chưa từng có tiền lệ, và chuỗi cung ứng thực phẩm sẽ ngày càng phải đối mặt với nhiều mối đe dọa hàng năm, từ hạn hán, bão lụt, cháy rừng đến mất đa dạng sinh học và các nguy cơ bệnh dịch mới với cây trồng, vật nuôi cũng như con người. Do đó, việc tăng cường khả năng ứng phó cũng như phục hồi của chuỗi cung ứng, bảo đảm an ninh lương thực chính là nâng cao tính bền vững của chuỗi này.
Do đó, Ủy ban châu Âu sẽ tăng cường cải thiện phản ứng chung của EU đối với các cuộc khủng hoảng ảnh hưởng tới hệ thống thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực, củng cố sức khỏe cộng đồng và giảm bớt tác hại của chúng tới kinh tế - xã hội của EU. Dựa trên những bài học từ quá khứ được rút ra, Ủy ban sẽ sẽ đánh giá khả năng phục hồi của hệ thống thực phẩm và xây dựng một kế hoạch dự phòng để đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực được duy trì trong thời kỳ khủng hoảng, đồng thời cải tiến Quỹ dự phòng khủng hoảng nông nghiệp để có thể phát huy hết hiệu quả trong các tình huống khẩn cấp. Kế hoạch dự phòng này sẽ thiết lập một cơ chế ứng phó khủng hoảng thực phẩm được điều phối bởi Ủy ban châu Âu và có sự tham gia của các nước thành viên, bao gồm nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, an toàn thực phẩm lao động, y tế, logistics… và sẽ huy động lực lượng tùy theo tính chất của cuộc khủng hoảng.
3. Khuyến khích thực phẩm bền vững trong quy trình chế biến, bán buôn, bán lẻ và dịch vụ ăn uống
Các nhà chế biến thực phẩm, nhà cung cấp dịch vụ ăn uống và nhà bán lẻ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thị trường và ảnh hưởng đến lựa chọn chế độ ăn uống của người tiêu dùng thông qua các loại thực phẩm, thành phần dinh dưỡng của sản phẩm, sự lựa chọn nhà cung cấp, phương pháp sản xuất, đóng gói, vận chuyển, trưng bày và các hoạt động tiếp thị. Việc tăng cường tính bền vững của chuỗi cung ứng thực phẩm có thể giúp nâng cao danh tiếng của doanh nghiệp và thương hiệu, tạo ra giá trị cho cổ đông, cải thiện điều kiện làm việc, thu hút nhân viên và nhà đầu tư, mang lại lợi thế cạnh tranh, gia tăng năng suất và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Do đó, ngành công nghiệp thực phẩm và bán lẻ nên đóng vai trò tiên phong trong việc nâng cao tính tiện lợi và giá cả hợp lý của những thực phẩm lành mạnh, bền vững, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn loại thực phẩm này nhiều hơn.
Để thúc đẩy điều này, Ủy ban châu Âu sẽ xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử của EU về kinh doanh có trách nhiệm và thực hành tiếp thị, kèm theo khung giám sát. Theo đó, Ủy ban sẽ làm việc và xây dựng cam kết với các doanh nghiệp và tổ chức thực phẩm để triển khai các hành động cụ thể theo hướng bền vững, tập trung vào việc cải thiện các thành phần sản phẩm thực phẩm theo hướng dẫn về chế độ ăn lành mạnh, bền vững; điều chỉnh hiến lược tiếp thị và quảng cáo theo nhu cầu của các nhóm dễ bị tổn thương; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; đảm bảo các chiến dịch khuyến mãi không làm giảm giá trị của thực phẩm đối với người tiêu dùng; và giảm việc sử dụng bao bì phù hợp với Kế hoạch Hành động Kinh tế Tuần hoàn mới (CEAP). Ủy ban châu Âu sẽ giám sát các cam kết này và có thể cân nhắc sử dụng tới các quy định pháp luật nếu tiến độ thực thi không đạt yêu cầu.
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng tiến hành một số biện pháp khác để tăng cường tính bền vững của hệ thống thực phẩm, bao gồm:
- Xây dựng sáng kiến cải thiện khung quản trị doanh nghiệp, trong đó yêu cầu ngành thực phẩm phải đưa tính bền vững vào chiến lược công ty
- Thiết lập hồ sơ dinh dưỡng để hạn chế việc quảng cáo các thực phẩm chứa nhiều chất béo, đường và muối dựa trên các nghiên cứu đã công bố về dinh dưỡng và sức khỏe
- Thúc đẩy các mô hình kinh doanh tuần hoàn trong chế biến và bán lẻ thực phẩm, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ
- Sửa đổi luật về vật liệu tiếp xúc thực phẩm để cải thiện an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt làm giảm việc sử dụng các hóa chất nguy hại, hỗ trợ việc sử dụng các vật liệu đóng gói thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng và tái chế
- Thúc đẩy việc tái chế trong dịch vụ ăn uống bằng cách thay thế các sản phẩm đóng gói và dao kéo dùng một lần bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng
- Sửa đổi các tiêu chuẩn tiếp thị để thúc đẩy việc cung cấp và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và nuôi trồng thủy sản bền vững, đồng thời xem xét tác động có thể có của các tiêu chuẩn này đối với việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm
- Củng cố khung lập pháp về chỉ dẫn địa lý (GI)
- Giảm phụ thuộc vào hệ thống vận tải đường dài để tạo ra chuỗi cung ứng ngắn hơn, tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống thực phẩm khu vực và địa phương.
4. Thúc đẩy tiêu dùng thực phẩm bền vững, hỗ trợ chuyển dịch sang chế độ ăn uống lành mạnh, bền vững
Các mô hình tiêu thụ thực phẩm hiện nay được đánh giá là tương đối không bền vững đứng từ góc độ sức khỏe và môi trường. Trong khi tại EU, lượng tiêu thụ trung bình thịt đỏ, đường, muối, năng lượng và chất béo vẫn vượt quá khuyến nghị, thì tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ, các loại đậu và hạt lại không đủ. Do đó, mục tiêu của EU là tới năm 2030 sẽ đảo ngược được xu hướng gia tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì tại khu vực này, bằng cách chuyển sang chế độ ăn tăng cường thực vật như trái cây rau củ, giảm bớt thịt đỏ và thịt chế biến sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch và ung thư, và còn làm giảm tác động môi trường của hệ thống thực phẩm. Ước tính cho thấy trong năm 2017 tại EU, có hơn 950.000 ca tử vong (cứ 5 người dân EU thì có một người) và hơn 16 triệu người mắc bệnh có liên quan tới chế độ ăn uống không lành mạnh.
Do đó, Liên minh châu Âu đã và đang tích cực tiến hành các biện pháp để khuyến khích người dân chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh và bền vững hơn, bao gồm:
- Đề xuất nhãn dinh dưỡng bắt buộc ở mặt trước bao bì để trao quyền cho người tiêu dùng trong việc đưa ra quyết định về thực phẩm, đồng thời nghiên cứu xây dựng một khung nhãn bền vững bao gồm các khía cạnh về dinh dưỡng, khí hậu và môi trường của sản phẩm thực phẩm;
- Cung cấp thông tin về thực phẩm cho người tiêu dùng thông qua các phương tiện mới, bao gồm cả kỹ thuật số, để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin thực phẩm, đặc biệt cho người khiếm thị
- Thiết lập các tiêu chí bắt buộc tối thiểu cho việc mua sắm thực phẩm bền vững cho khu vực công như trường học, bệnh viện và các tổ chức công cộng khác
- Xem xét lại chương trình trường học của EU để tăng cường đóng góp vào việc tiêu thụ thực phẩm bền vững, thông qua các thông điệp giáo dục về tầm quan trọng của dinh dưỡng lành mạnh, sản xuất thực phẩm bền vững và giảm thiểu lãng phí thực phẩm
- Cải tiến các tiêu chuẩn bền vững trong hợp đồng dịch vụ ăn uống cho các nhà ăn của Ủy ban châu Âu
- Đề xuất đặt ra ưu đãi thuế cho thực phẩm bền vững, ví dụ như ưu đãi thuế giá trị gia tăng (VAT) cho trái cây và rau củ hữu cơ
5. Giảm lãng phí thực phẩm
Việc giảm lãng phí thực phẩm không chỉ tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng mà còn có ý nghĩa xã hội quan trọng thông qua việc thu hồi và phân phối lại lượng thực phẩm dư thừa có thể bị lãng phí. Do đó, Ủy ban châu Âu mong muốn có thể giảm 50% lượng thực phẩm lãng phí bình quân đầu người theo mức bán lẻ và tiêu dùng vào năm 2030. Ủy ban sẽ thiết lập các cơ sở và quy định pháp lý ràng buộc để giảm lãng phí thực phẩm trên toàn EU, đồng thời đưa nội dung về phòng ngừa thất thoát và lãng phí thực phẩm vào các chính sách khác của EU dựa trên nghiên cứu về người tiêu dùng.
Bên cạnh việc định lượng mức độ lãng phí thực phẩm, Ủy ban châu Âu sẽ điều tra tình trạng thất thoát thực phẩm ở giai đoạn sản xuất và tìm cách ngăn ngừa chúng.
6. Chống gian lận trong chuỗi cung ứng thực phẩm
Tình trạng gian lận thực phẩm lừa dối và ngăn cản người tiêu dùng đưa ra các lựa chọn đúng đắn, làm giảm an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới việc thực thi các hoạt động thương mại công bằng, khả năng chống chịu và hồi phục của chuỗi thực phẩm, dẫn tới đe dọa tính bền vững của hệ thống thực phẩm. Do đó, cần có những chính sách không khoan nhượng và các biện pháp xử phạt mang tính răn đe hiệu quả để ứng phó với vấn đề này.
Ủy ban châu Âu sẽ nỗ lực chống gian lận thực phẩm để tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người, thông qua các biện pháp như sử dụng dữ liệu truy xuất nguồn gốc và cảnh báo để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các quốc gia thành viên và tổ chức liên quan trong việc chống gian lận thực phẩm, đồng thời đề xuất các biện pháp răn đe nghiêm ngặt, kiểm soát nhập khẩu chặt hơn và xem xét khả năng tăng cường năng lực điều phối và điều tra của Văn phòng Chống gian lận châu Âu (OLAF).
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI