Mục tiêu tổng quát của Chiến lược F2F

Chiến lược “Từ Nông Trại Đến Bàn Ăn” (F2F) của Liên minh Châu Âu (EU) đặt ra một loạt mục tiêu nhằm cải thiện tính bền vững của hệ thống thực phẩm toàn cầu, đồng thời bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Cụ thể:

Đầu tiên, EU muốn đảm bảo rằng tất cả các bước trong chuỗi thực phẩm, bao gồm sản xuất, vận chuyển, phân phối, tiếp thị và tiêu thụ, đều đem lại tác động trung lập hoặc tích cực tới môi trường, trong đó ưu tiên bảo vệ và phục hồi các nguồn tài nguyên thiết yếu từ đất, nước và biển, đồng thời cũng giúp giảm thiểu và thích ứng các tác động của biến đổi khí hậu; bảo vệ đất, nước, không khí, động thực vật và giảm thiểu sự mất đa dạng sinh học.

Mục tiêu thứ hai của chiến lược F2F là đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, sức khỏe cộng đồng, cụ thể là đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có thể tiếp cận tới thực phẩm đủ chất lượng, dinh dưỡng và bền vững, đồng thời với việc duy trì tiêu chuẩn cao về an toàn và chất lượng nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu ăn uống theo chế độ và sở thích cá nhân;

Mục tiêu thứ ba là duy trì mức chi phí hợp lý của thực phẩm khi vẫn duy trì được tính bền vững. Điều này sẽ giúp thúc đẩy năng lực cạnh tranh của chuỗi cung ứng EU, khuyến khích thương mại công bằng, và tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh mới.

Tính bền vững của hệ thống lương thực là một vấn đề toàn cầu, và hệ thống này sẽ phải liên tục cải thiện để ứng phó với ngày càng nhiều thách thức khác nhau. Với việc xây dựng chiến lược F2F, EU mong muốn sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong việc thiết lập nên các tiêu chuẩn toàn cầu cho hệ thống lương thực bền vững. Bên cạnh các sáng kiến chính sách mới, việc thực thi các quy định hiện hành, đặc biệt là về phúc lợi động vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bảo vệ môi trường, là rất quan trọng để đảm bảo một quá trình chuyển đổi công bằng. Cách tiếp cận này sẽ tính đến các điểm xuất phát khác nhau và tiềm năng cải thiện khác nhau ở các quốc gia thành viên, đồng thời tính toán tới việc chuyển đổi sang tính bền vững của hệ thống lương thực sẽ làm thay đổi cấu trúc kinh tế của nhiều khu vực trong EU.

Để đẩy nhanh và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, đảm bảo tất cả các thực phẩm được đưa ra thị trường EU ngày càng bền vững hơn, Ủy ban châu Âu đã đưa ra đề xuất lập pháp về khuôn khổ cho một hệ thống lương thực bền vững trước cuối năm 2023, nhằm thúc đẩy sự nhất quán chính sách ở cấp EU và quốc gia, đưa tính bền vững vào tất cả các chính sách liên quan đến thực phẩm và củng cố khả năng chống chịu của hệ thống lương thực. Sau khi tham vấn rộng rãi và đánh giá tác động, Ủy ban châu Âu sẽ làm việc về các định nghĩa chung và các nguyên tắc, yêu cầu chung cho hệ thống lương thực bền vững. Khung khổ này cũng sẽ xác định trách nhiệm của tất cả các bên liên quan trong hệ thống, kết hợp với chứng nhận và dán nhãn về hiệu suất bền vững, từ đó nâng cao các tiêu chuẩn chung bền vững cho tất cả các sản phẩm thực phẩm được đưa ra thị trường EU và thúc đẩy thực hành tốt trong toàn ngành.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI