Nội dung của Chiến lược: Đơn giản hóa khung pháp lý, đồng thời tăng cường việc thực thi pháp luật?
Sự phức tạp của thủ tục đánh giá và quản lý rủi ro hóa chất là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng và các bên liên quan. Điều này có thể dẫn đến sự không nhất quán, thủ tục chậm, sử dụng không hiệu quả các nguồn lực và rạo ra các gánh nặng không cần thiết. Do đó, EU đang nỗ lực đơn giản hóa, minh bạch hóa các quy trình này thông qua việc thiết lập quy trình “một chất, một đánh giá (One substance, one assessment)” trong đánh giá rủi ro và nguy hại của hóa chất.
Việc đánh giá an toàn hóa chất của EU đang chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ luật khác nhau và được thực hiện bởi các cơ quan khác nhau, do đó các bên liên quan gặp khó khăn trong việc theo dõi các quy trình pháp lý và các quyết định được đưa ra. Cách tiếp cận “một chất, một đánh giá” đảm bảo việc đánh giá được đồng hóa, thống nhất và trở nên minh bạch hơn.
Hiện nay có gần 30% các cảnh báo về sản phẩm nguy hiểm trên thị trường có liên quan đến rủi ro do hóa chất, trong đó gần 90% các sản phẩm này được nhập khẩu từ bên ngoài EU. Ngoài ra, chỉ có 1/3 hồ sơ đăng ký hóa chất của các doanh nghiệp trong khuôn khổ REACH đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thông tin. Do đó, việc tăng cường thực thi luật hóa chất trở nên rất cần thiết để đảm bảo sự tuân thủ trong quá trình sản xuất, phân phối và xử lý hóa chất.
Với CSS, EU sẽ triển khai các quy định mới về giám sát thị trường, bổ sung các biện pháp tăng cường thực thi REACH tại biên giới EU. Trên thực tế, việc thực thi các quy định liên quan đến hóa chất của EU không đồng đều tại các quốc gia thành viên, do sự khác biệt về năng lực và nguồn lực ở cấp quốc gia. Các quốc gia thành viên do đó cần tăng cường năng lực thực thi để đạt hiệu quả tốt, tận dụng các công cụ thông tin và cảnh báo nhanh của EU, khai thác tốt hơn các công cụ kỹ thuật số để hành động nhanh chóng và tối ưu hóa nguồn lực.
Diễn đàn Trao đổi Thông tin và Thực thi của Cơ quan Hóa chất Châu Âu đã chứng tỏ hiệu quả trong việc thúc đẩy hài hòa hóa việc thực thi và sẽ mở rộng hợp tác với các mạng lưới thực thi và cơ quan hiện có để tránh sự trùng lặp và tăng cường hiệu quả. Ngoài ra, nhiều hoạt động đang được thực hiện nhằm cải thiện việc tuân thủ luật môi trường liên quan đến hóa chất. Ví dụ điển hình là Diễn đàn Tuân thủ và Quản trị Môi trường, kết nối các cơ quan hóa chất của các quốc gia thành viên và các mạng lưới thực thi môi trường.
Việc thúc đẩy người tiêu dùng và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cũng sẽ đóng vai trò quan trọng, vì hành vi của họ là động lực thúc đẩy sự thay đổi trong công nghiệp và đảm bảo tuân thủ luật pháp. Điều này sẽ được thực hiện thông qua việc áp dụng các quy định bảo vệ người tiêu dùng.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI
- Chiến lược hóa chất vì sự bền vững (CSS) của EU là gì?
- Các mục tiêu cơ bản và phạm vi tác động của Chiến lược CSS?
- Các nội dung cơ bản của Chiến lược CSS bao gồm những gì?
- Nội dung của Chiến lược: Đổi mới để tạo ra hóa chất an toàn và bền vững?
- Nội dung của Chiến lược: Tăng cường khung pháp lý để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường và sức khỏe?