Các mục tiêu cơ bản và phạm vi tác động của Chiến lược CSS?

Về mục tiêu, Chiến lược CSS được coi là bước đi đầu tiên của EU nhằm thực hiện tham vọng không nhiễm vì một môi trường không độc hại, với hai mục tiêu cốt lõi gồm:

(i) Tăng cường việc bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân

Để thực hiện mục tiêu này, EU đã vạch ra các kế hoạch hành động bao gồm:

  • Sử dụng hóa chất an toàn, không sử dụng các chất gây lo ngại cho con người và môi trường khi không thật cần thiết
  • Hạn chế tối đa ảnh hưởng của các chất độc hại tới môi trường và sức khỏe con người thông qua các biện pháp quản lý rủi ro và thông tin đầy đủ tới người sử dụng hóa chất
  • Loại bỏ các chất gây lo ngại trong rác thải, nguyên liệu thứ cấp

(ii) Thúc đẩy việc đổi mới để tạo ra hóa chất an toàn và bền vững

Mục tiêu này được EU định hướng thực hiện thông qua các hành động gồm:

  • Thúc đẩy việc phát triển hóa chất an toàn, bền vững, phát triển công nghệ và các quy trình sản xuất sạch, đồng thời phát triển các công cụ cải tiến để thử nghiệm và đánh giá rủi ro
  • Thúc đẩy các quy trình sản xuất hiện đại và thông minh; thúc đẩy việc sử dụng các giải pháp CNTT để theo dõi hóa chất
  • Thúc đẩy các giải pháp tái chế sạch và an toàn, bao gồm: tái chế hóa chất, công nghệ quản lý rác thải và các giải pháp khử chất độc hại

Về phạm vi tác động, với các mục tiêu và định hướng hành động nêu trên, Chiến lược CSS được đánh giá không chỉ ảnh hưởng đến chủ thể/việc sử dụng hóa chất tại EU mà còn điều chỉnh/ràng buộc tất cả các chủ thể/việc sử dụng hóa chất trong các sản phẩm được tiêu thụ tại khu vực này (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu). Như vậy, các hàng hóa liên quan của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU cũng sẽ bị tác động và chịu sự điều chỉnh của Chiến lược này.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI