Chiến lược hóa chất vì sự bền vững (CSS) của EU là gì?

Để triển khai mục tiêu trung hòa phát thải khí nhà kính (net zero) vào năm 2050, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố Thỏa thuận Xanh EU (European Green Deal) vào cuối năm 2019 với tính chất là một Gói chính sách tổng thể nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế.

Từ đó đến nay, EU liên tục thông qua và triển khai các hành động cụ thể nhằm chi tiết hóa Thỏa thuận Xanh EU trong các lĩnh vực khác nhau. Ngày 14/10/2020, Liên Minh châu Âu (EU) công bố Chiến lược Hóa chất vì sự bền vững (Chemicals Strategy for Sustainability - CSS), trong đó liệt kê các hành động chính sách và pháp lý mà EU sẽ thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu không ô nhiễm - một trong các nội dung bản lề của Thỏa thuận Xanh EU (European Green Deal).

Sau khi công bố CSS, EU cũng đang nỗ lực chi tiết hóa các nội dung của Chiến lược này thông qua việc sửa đổi, bổ sung nhiều tiêu chuẩn mới/nâng cấp liên quan tới hóa chất tại một số văn bản chứa quy định pháp luật liên quan tới hóa chất của EU. Nỗ lực này từ phía EU nhằm thúc đẩy việc sử dụng hóa chất an toàn, bền vững; bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân.

Chiến lược CSS của EU không chỉ ảnh hưởng đến chủ thể/việc sử dụng hóa chất tại EU mà còn điều chỉnh/ràng buộc tất cả các chủ thể/việc sử dụng hóa chất trong các sản phẩm được tiêu thụ tại khu vực này (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu). Trên thực tế, EU vốn được biết đến là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, do đó việc thực thi Chiến lược CSS của EU với những hành động chính sách bao trùm được đánh giá sẽ tác động tác đáng kể đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng liên quan (có sử dụng hóa chất) của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Các tài liệu tham khảo được đính kèm dưới đây: