Nội dung của Chiến lược: Tăng cường khung pháp lý để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường và sức khỏe?

Mặc dù cách tiếp cận hiện tại của EU trong quản lý hóa chất đã mang lại hiệu quả nhất định trong việc giảm thiểu sự tiếp xúc của con người và môi trường với các chất gây hại, nhưng những mối lo ngại mới về sức khỏe và môi trường yêu cầu EU phải tăng cường/củng cố khung pháp lý để bảo vệ con người và môi trường khỏi những hóa chất độc hại, hướng đến mục tiêu không ô nhiễm hóa chất trong môi trường.

  • Cơ sở thực tiễn

Việc CSS xác định cần tăng cường khung pháp lý liên quan đến hóa chất xuất phát từ các thực tế chủ yếu sau:

- Thứ nhất, con người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất trong các sản phẩm tiêu dùng từ đồ chơi, đồ chăm sóc trẻ em đến vật liệu tiếp xúc thực phẩm, mỹ phẩm, đồ nội thất và hàng dệt may… Trong đó các nhóm dễ bị tổn thương (gồm trẻ em, phụ nữ mang thai, người già) được xác định là các đối tượng đặc biệt nhạy cảm với các hóa chất nguy hiểm.

- Thứ hai, mặc dù EU đã xây dựng các quy định pháp luật nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc với các chất độc hại, tuy nhiên phần lớn các hóa chất đang được EU quản lý theo từng trường hợp cụ thể và cho từng mục đích sử dụng cụ thể. Cách tiếp cận này hạn chế việc quản lý các chất gây hại (chất gây ung thư, đột biến gen, chất ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, thần kinh...)

- Thứ ba, các chất độc hại là tác nhân gây ô nhiễm môi trường (trên cạn và biển), làm suy giảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái. Khung pháp lý và chính sách hiện tại của EU hiện gặp khó khăn trong quản lý việc xử lý, thải bỏ chất độc hại ra môi trường.

  • Các định hướng hành động

Để tăng cường khung pháp lý, nâng cao hiệu quả của việc quản lý hóa chất, EU đã xác định các kế hoạch hành động, bao gồm:

- Mở rộng cách tiếp cận quản lý rủi ro tổng quát nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm tiêu dùng không chứa các hóa chất gây ung thư, đột biến gen, ảnh hưởng đến hệ sinh sản hoặc nội tiết... đồng thời tiến hành đánh giá tác động toàn diện để xác định phương thức và thời điểm mở rộng cách tiếp cận này đối với các hóa chất có hại khác, bao gồm các hóa chất ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, thần kinh hoặc hô hấp và các chất độc hại đối với các cơ quan cụ thể.

- Bảo đảm an toàn cho trẻ em trước các hóa chất nguy hiểm trong các sản phẩm chăm sóc trẻ em và các sản phẩm khác (ngoài đồ chơi), bằng cách áp dụng các yêu cầu pháp lý bắt buộc từ Chỉ thị An toàn Sản phẩm Chung và các hạn chế trong REACH, để cung cấp mức độ bảo vệ tương tự như đối với đồ chơi.

- Xác định tiêu chí cho việc sử dụng cần thiết để đảm bảo rằng các hóa chất có hại nhất chỉ được phép sử dụng khi cần thiết cho sức khỏe, an toàn hoặc quan trọng cho sự hoạt động của xã hội, và không có các giải pháp thay thế chấp nhận được về môi trường và sức khỏe.

- Tăng cường sự bảo vệ cho người lao động bằng cách xác định thêm các ưu tiên để xử lý phơi nhiễm với các chất độc hại, đề xuất hạ mức giới hạn hiện tại đối với chì và amiăng, và thiết lập giới hạn ràng buộc đối với di-isocyanates.

- Đề xuất các nhóm nguy cơ và tiêu chí mới trong Quy định CLP để giải quyết đầy đủ vấn đề độc tính môi trường, tính bền vững, khả năng di chuyển và tích lũy sinh học của hóa chất.

- Đảm bảo rằng các thông tin về hóa chất cung cấp cho cơ quan quản lý cho phép thực hiện các đánh giá rủi ro môi trường toàn diện.

- Xử lý tác động của việc sản xuất và sử dụng dược phẩm đối với môi trường.

- Tăng cường quy định về các chất ô nhiễm hóa học trong thực phẩm để đảm bảo mức độ bảo vệ sức khỏe con người cao nhất.

- Xác định lộ trình đi tới cấm hẳn chất PFAS ở EU, trừ trong trường hợp thật cần thiết

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI