Nội dung của Chiến lược: Đổi mới để tạo ra hóa chất an toàn và bền vững?
- Thúc đẩy các hóa chất an toàn và bền vững từ khâu thiết kế
Việc chuyển đổi sang hóa chất an toàn và bền vững ngay từ khâu thiết kế không chỉ tạo ra các hóa chất an toàn mà còn mang lại các giải pháp bền vững cho nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong các ngành xây dựng, dệt may, pin, tuabin gió… Để thúc đẩy việc chuyển đổi này, EU có định hướng:
- Phát triển các tiêu chí an toàn và bền vững cho hóa chất từ khâu thiết kế
- Thiết lập mạng lưới hỗ trợ thiết kế an toàn và bền vững trên toàn EU để thúc đẩy hợp tác và chia sẻ thông tin trên nhiều lĩnh vực và chuỗi giá trị, đồng thời cung cấp chuyên môn kỹ thuật về các giải pháp thay thế
- Xác định và giải quyết các vấn đề chênh lệch kỹ năng và thiếu hụt năng lực liên quan đến thiết kế an toàn và bền vững
- Đảm bảo Quy định về phát thải công nghiệp khuyến khích việc sử dụng hóa chất an toàn hơn ở EU bằng cách yêu cầu đánh giá rủi ro tại chỗ và hạn chế sử dụng các chất gây lo ngại cao
- Thu được các sản phẩm an toàn và chu trình nguyên liệu không độc hại
Để đạt được chu trình nguyên liệu không độc hại và tái chế sạch, cũng như đảm bảo "Được tái chế tại EU (Recycled in the EU)" trở thành tiêu chuẩn trên toàn thế giới. EU đã đặt ra các yêu cầu:
- Giảm thiểu sự hiện diện của các chất gây lo ngại trong sản phẩm, đặc biệt là các nhóm hàng (có ảnh hưởng nhiều nhất và có tiềm năng tuần hoàn cao nhất) như dệt may, bao bì thực phẩm, đồ nội thất, điện tử và CNTT…
- Đảm bảo cung cấp thông tin về hóa chất và việc sử dụng hóa chất an toàn, theo dõi sự hiện diện của các chất gây lo ngại trong suốt vòng đời của nguyên liệu và sản phẩm.
- Đảm bảo tuân thủ Quy định của EU về Đăng ký, Đánh giá, Cấp phép và Hạn chế đối với hóa chất (REACH)
- Phát triển các phương pháp đánh giá rủi ro hóa chất trong toàn bộ vòng đời của nguyên liệu và sản phẩm
- Tăng cường đầu tư vào các sáng kiến bền vững, làm sạch/khử chất độc hại trong các luồng chất thải, thúc đẩy tái chế an toàn và giảm xuất khẩu chất thải, đặc biệt là đối với nhựa và dệt may.
- Xanh hóa và số hóa việc sản xuất hóa chất
Sản xuất hóa chất là một trong những ngành gây ô nhiễm nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng và tài nguyên, đồng thời có mối liên hệ chặt chẽ với các ngành và quy trình sản xuất tiêu tốn năng lượng khác. Do đó, việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành hóa chất (thông qua việc cải tiến – xanh hóa, số hóa quy trình sản xuất) là một giải pháp thiết yếu để sản xuất hóa chất bền vững, góp phần thực hiện tham vọng của Thỏa thuận Xanh EU.
Để cải tiến quy trình sản xuất hóa chất, EU sẽ hỗ trợ thúc đẩy các chương trình:
- Nghiên cứu, phát triển và triển khai các quy trình sản xuất hóa chất và vật liệu có lượng khí thải carbon thấp và tác động môi trường thấp
- Phát triển cơ sở hạ tầng cho phép sử dụng, vận chuyển và lưu trữ điện từ các nguồn năng lượng tái tạo/không phải thải ròng cho sản xuất hóa chất
- Tăng cường ứng dụng các công nghệ số như Internet vạn vật (IOT), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), cảm biến thông minh và robot nhằm xanh hóa quy trình sản xuất.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI