Nội dung của Chiến lược: Đóng góp vào việc thiết lập mô hình quản lý hóa chất toàn cầu?

Sản xuất, sử dụng và thương mại hóa chất đang phát triển nhanh chóng ở tất cả các khu vực trên thế giới. Doanh thu ngành hóa chất toàn cầu đạt 3.347 tỷ euro vào năm 2018, và việc sản xuất dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều hóa chất như xây dựng, ô tô và điện tử cũng đang phát triển, tạo ra nhu cầu cao về hóa chất. Việc phát triển ngành công nghiệp hóa chất một mặt mang lại nhiều cơ hội kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro tới sức khỏe và môi trường.

Các quy định về hóa chất của EU đã định vị EU là khu vực tiên phong trong các tiêu chuẩn về sức khỏe và môi trường trong quản lý hóa chất, và chiến lược CSS được xây dựng nhằm thúc đẩy vai trò lãnh đạo của EU trong sản xuất và sử dụng các hóa chất bền vững. Theo đó, EU sẽ tận dụng sức ảnh hưởng của mình trên thế giới để thúc đẩy các cách tiếp cận an toàn và bền vững ngay từ giai đoạn thiết kế trên quy mô toàn cầu, nhằm tạo sân chơi công bằng và tăng thị phần cho các công ty sản xuất và sử dụng hóa chất an toàn và bền vững. Ngoài ra, chia sẻ cơ sở tri thức của EU là điều quan trọng để hỗ trợ các nước đang phát triển, cũng như nhằm đạt được sự công nhận lẫn nhau về dữ liệu giữa OECD và các nước có liên quan khác. Điều này rất quan trọng để tránh trùng lặp công việc, tiết kiệm nguồn lực và hỗ trợ phát triển các tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện tại, cũng đã có một loạt các công cụ và phản ứng quốc tế, khu vực và quốc gia liên quan đến việc quản lý hóa chất và chất thải. Tuy nhiên, quản trị toàn cầu vẫn rất phân mảnh, với các tiêu chuẩn và mức độ tuân thủ khác nhau ở từng quốc gia. Ví dụ, tính đến năm 2018, hơn 120 quốc gia chưa thực hiện Hệ thống Hài hòa Toàn cầu về Phân loại và Ghi nhãn Hóa chất (GHS). Sự phân mảnh này đã làm giảm tác động tổng thể và hiệu quả của các tổ chức, chương trình và các sáng kiến hiện có. Do đó, việc xây dựng một khung quốc tế giải quyết sự phân mảnh hiện tại và thúc đẩy các chính sách và hành động đồng bộ của tất cả các tổ chức quốc tế, chính phủ và các bên liên quan được xem là một giải pháp cần thiết.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI