Xác định diện nhập khẩu của hàng hóa vào Nhật Bản
Không phải mọi loại hàng hóa đều được phép nhập khẩu vào Nhật Bản và không phải tất cả hàng hóa nhập khẩu đều được áp dụng cùng một cơ chế nhập khẩu. Tương tự như Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới, Nhật Bản cũng đặt ra quy định về cấm nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu hoặc kiểm soát đặc thù đối với một số hàng hóa nhất định.
Do vậy, trước khi nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản, nhà nhập khẩu cần xem xét kỹ lưỡng hàng hóa có được phép nhập khẩu vào nước này hay không và nếu được phép thì điều kiện/yêu cầu nhập khẩu đối với hàng hóa đó là gì.
(1) Hàng hóa bị cấm nhập khẩu
Một số hàng hóa không được phép nhập khẩu vào Nhật Bản nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người và động thực vật… Danh mục hàng hóa bị cấm nhập khẩu vào Nhật Bản bao gồm:
- Thuốc phiện, cần sa, chất kích thích và các loại thuốc gây nghiện khác (trừ những loại do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi chỉ định);
- Vũ khí, đạn và các bộ phận của chúng;
- Chất nổ (thuốc nổ, thuốc súng...);
- Vật liệu tiền chất cho vũ khí hóa học;
- Các loại vi khuẩn có khả năng được sử dụng cho mục đích khủng bố sinh học;
- Tiền xu, tiền giấy, séc, chứng từ có giá, thẻ tín dụng mô phỏng, là đồ giả hoặc bị chỉnh sửa;
- Sách, tranh, tác phẩm điêu khắc và bất kỳ vật phẩm nào khác gây phương hại đến an toàn và đạo đức cộng đồng (ví dụ: tài liệu khiêu dâm);
- Các vật phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
(2) Hàng hóa phải xin giấy phép nhập khẩu
Nhật Bản hạn chế nhập khẩu đối với một số hàng hóa có nguy cơ tác động tiêu cực đến các ngành công nghiệp Nhật Bản hoặc đến sự an toàn và đạo đức cộng đồng, như: hóa chất, dược phẩm, thuốc trừ sâu, động vật hoang dã…
Hàng hóa nằm trong danh mục hạn chế nhập khẩu phải xin giấy phép nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan và các Quy định liên quan đến từng hàng hóa cụ thể (ví dụ: Luật về Bảo vệ Động vật hoang dã (Law Concerning Wildlife Protection and Hunting), Luật Dược phẩm (Pharmaceutical Affairs Law), Luật Kiểm soát Phân bón (Fertilizer Control Law)…).
(3) Hàng hóa thuộc diện bị kiểm soát đặc thù/kiểm tra chuyên ngành
Hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản tùy từng loại khác nhau có thể bị kiểm soát dưới các hình thức khác nhau, chẳng hạn:
- Thực phẩm (sữa, thịt gia súc/gia cầm…) phải có chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp, xác nhận rằng các loại thực phẩm này không nhiễm các loại bệnh (như dịch tả, viêm màng phổi, bệnh lở mồm, bệnh dại….) theo quy định của Luật vệ sinh thực phẩm Nhật Bản (Food Sanitation Act);
- Thực vật nhập khẩu phải có chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp, xác nhận không có dịch hại/sinh vật gây hại (theo quy định của Luật bảo vệ thực vật Nhật Bản)…
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI