Xác định các loại thuế phí đối với hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản
Thuế quan nhập khẩu
Sau khi xác định được phân loại hàng hóa theo hệ thống HS của Nhật Bản, nhà nhập khẩu có thể xác định được các mức thuế quan nhập khẩu áp dụng cho hàng hóa đó. Mức thuế thường được tính theo tỷ lệ phần trăm trên trị giá hải quan của hàng hóa.
Đối với hàng Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản, hiện doanh nghiệp có 06 lựa chọn về thuế quan, mỗi lựa chọn tương ứng với một mức thuế và các điều kiện hưởng mức thuế nhất định. Cụ thể:
- Thuế MFN: Đây là mức thuế ưu đãi Nhật Bản áp dụng đối với hàng hóa đến từ các nước thành viên WTO. Mức thuế này do Nhật Bản quyết định nhưng phải bảo đảm tuân thủ mức cam kết trong WTO, được áp dụng cho hàng hóa từ các nước thành viên mà không kèm theo điều kiện nào về xuất xứ. Việt Nam là thành viên WTO, do đó hàng hóa của Việt Nam đương nhiên được hưởng mức thuế này mà không cần đáp ứng điều kiện gì.
- Thuế GSP: Đây là mức thuế ưu đãi đặc biệt Nhật Bản đơn phương dành cho một số nước đang/kém phát triển (trong đó có Việt Nam). Mức thuế ưu đãi và các điều kiện hưởng ưu đãi GSP do Nhật Bản quyết định.
- Thuế AJCEP: Đây là mức thuế ưu đãi đặc biệt Nhật Bản dành cho hàng hóa từ các nước thành viên Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), tức là các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam). Mức thuế ưu đãi thực tế do Nhật Bản quyết định nhưng không được cao hơn mức đã cam kết trong AJCEP. Để được hưởng mức thuế ưu đãi theo Hiệp định AJCEP, hàng hóa phải đảm bảo đáp ứng được quy tắc xuất xứ và có chứng nhận xuất xứ AJCEP.
- Thuế VJCEP: Đây là mức thuế ưu đãi đặc biệt Nhật Bản dành cho hàng hóa từ Việt Nam theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA). Mức thuế ưu đãi thực tế do Nhật Bản quyết định nhưng không được cao hơn mức đã cam kết trong VJEPA. Để được hưởng mức thuế ưu đãi theo Hiệp định VJEPA, hàng hóa phải đảm bảo đáp ứng được quy tắc xuất xứ và có chứng nhận xuất xứ VJEPA.
- Thuế CPTPP: Đây là mức thuế ưu đãi đặc biệt Nhật Bản dành cho hàng hóa từ các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mức thuế ưu đãi thực tế do Nhật Bản quyết định nhưng không được cao hơn mức đã cam kết trong CPTPP. Để được hưởng mức thuế ưu đãi theo Hiệp định CPTPP, hàng hóa phải đảm bảo đáp ứng được quy tắc xuất xứ và có chứng nhận xuất xứ CPTPP (chú ý là đối với một số loại hàng hóa, Nhật Bản áp dụng các mức thuế ưu đãi CPTPP khác nhau theo nước CPTPP với xuất xứ được xác định theo quy tắc riêng).
- Thuế RCEP: Là mức thuế ưu đãi đặc biệt Nhật Bản dành cho hàng hóa từ các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP). Mức thuế ưu đãi RCEP thực tế sẽ do Nhật Bản quyết định nhưng không được cao hơn mức đã cam kết trong RCEP. Để được hưởng ưu đãi theo Hiệp định RCEP, hàng hóa phải đảm bảo đáp ứng được quy tắc xuất xứ và có chứng nhận xuất xứ RCEP (chú ý là đối với một số loại hàng hóa, Nhật Bản áp dụng các mức thuế ưu đãi RCEP khác nhau theo nước CPTPP với xuất xứ được xác định theo quy tắc riêng).
Về nguyên tắc, nhà nhập khẩu Nhật Bản là chủ thể phải nộp thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, do có nhiều lựa chọn thuế nhập khẩu khác nhau cho hàng hóa từ Việt Nam, tùy thuộc tình huống cụ thể của hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể sử dụng các lựa chọn này để thương lượng đơn hàng, giá bán với nhà nhập khẩu Nhật Bản.
Doanh nghiệp có thể tra cứu các mức thuế quan và quy tắc xuất xứ theo các FTA khi nhập khẩu vào Nhật Bản theo các đường dẫn sau:
- Biểu thuế của Nhật Bản (phiên bản cập nhật mới nhất ngày 1/4/2024): https://www.customs.go.jp/english/tariff/index.htm
- Quy tắc xuất xứ theo các FTA: https://www.customs.go.jp/roo/english/index.htm
Các loại thuế, phí khác
Ngoài thuế nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản có thể bị áp các loại thuế, phí khác như:
- Thuế tiêu thụ (Consumption Tax): Hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản đều phải chịu mức thuế tiêu thụ (có ý nghĩa tương đương với thuế VAT ở Việt Nam) là 10% (ngoại trừ đồ ăn, đồ uống không cồn và báo được hưởng mức thuế tiêu thụ 8%). Thuế tiêu thụ được tính dựa trên trị giá hải quan của hàng hóa, cộng với thuế nhập khẩu, phí bảo hiểm và cước vận chuyển hàng hóa đến Nhật Bản.
- Thuế tiêu thụ đặc biệt (Excise tax): một số hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, bao gồm: rượu, thuốc lá và sản phẩm xăng dầu
- Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ: Một số hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản có thể là đối tượng bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc thuế tự vệ theo các vụ việc phòng vệ thương mại cụ thể ở Nhật Bản.
- Phí hải quan: Hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản sẽ phải nộp một số loại phí hải quan nhất định theo quy định của Luật Hải quan Nhật Bản (Customs Law). Doanh nghiệp có thể tìm hiểu chi tiết về các loại phí hải quan và các mức phí tương ứng theo đường dẫn sau: https://www.customs.go.jp/english/exp-imp/customsfee.htm
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI