Tổng quan về Quy trình và thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào New Zealand

Quy trình và thủ tục nhập khẩu vào New Zealand được thông tin chi tiết tại trang web của Hải quan New Zealand theo đường dẫn: https://www.customs.govt.nz/business/import/ 

Theo quy định của New Zealand, việc nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào thị trường New Zealand được thực hiện theo các bước cơ bản sau:

Bước 1: Chuẩn bị nhập khẩu

Xác định diện nhập khẩu của hàng hóa

Không phải mọi loại hàng hóa đều được phép nhập khẩu vào New Zealand và không phải tất cả hàng hóa nhập khẩu đều được áp dụng cùng một cơ chế nhập khẩu. Tương tự như Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới, New Zealand cũng đặt ra quy định về cấm nhập khẩu/hạn chế nhập khẩu hoặc kiểm soát đặc thù đối với một số hàng hóa nhất định. 

Do vậy, trước khi nhập khẩu hàng hóa vào thị trường New Zealand, nhà nhập khẩu cần xem xét kỹ lưỡng hàng hóa có được phép nhập khẩu vào New Zealand hay không và tìm hiểu điều kiện/yêu cầu nhập khẩu đổi với hàng hóa đó.

Đăng ký/Xin cấp phép

Theo quy định của New Zealand, với những lô hàng có trị giá lớn hơn 1.000 NZD, nhà nhập khẩu phải xin cấp mã khách hàng (client code) – mã số được cấp cho mỗi nhà nhập khẩu tại New Zealand, mã nhà cung cấp (supplier code) – mã số được cấp cho mỗi nhà cung cấp/xuất khẩu nước ngoài (các mã số này chỉ cần xin cấp lần đầu và sẽ được sử dụng cho các lô hàng về sau), đồng thời thực hiện khai báo nhập khẩu trên Hệ thống Thương mại một cửa của New Zealand (Trade Single Window – TSW) (tsw.govt.nz). Nhà nhập khẩu có thể tự đăng ký tài khoản TSW và trực tiếp xin cấp mã khách hàng, mã nhà cung cấp và khai báo nhập khẩu hoặc thuê dịch vụ đại lý hải quan, thay mặt cho nhà nhập khẩu thực hiện các công việc này. 

Chi tiết Bước 1 xem tại: https://trungtamwto.vn/thi-truong-rcep/27231-chuan-bi-nhap-khau-hang-hoa-vao-new-zealand

Bước 2: Phân loại hàng hóa

Xác định phân loại (HS) cho hàng hóa là một bước rất quan trọng để xác định thuế quan áp dụng đối với hàng hóa đó. Mã HS hàng hóa nhập khẩu vào New Zealand gồm 10 số và 01 chữ cái. Trong khi đó, Việt Nam lại đang áp dụng hệ thống HS 8 số theo Hệ thống hài hòa thuế quan của ASEAN (AHTN), khác với mã HS New Zealand sử dụng. Do vậy, để xuất khẩu hàng hóa vào New Zealand, doanh nghiệp cần chú ý xác định mã HS theo hệ thống HS của New Zealand (chứ không phải theo hệ thống HS của Việt Nam).

Chi tiết Bước 2 xem tại: https://trungtamwto.vn/thi-truong-rcep/27230-phan-loai-hang-hoa-nhap-khau-vao-new-zealand

Bước 3: Xác định các loại thuế, phí

Thuế nhập khẩu

Sau khi xác định được mã HS của hàng hóa theo Hệ thống HS của New Zealand, nhà nhập khẩu có thể biết được mức thuế nhập khẩu áp dụng cho hàng hóa đó. Mức thuế thường được tính theo tỷ lệ phần trăm trên trị giá hải quan của hàng hóa.

Đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào New Zealand, hiện doanh nghiệp có 05 lựa chọn về thuế quan, mỗi lựa chọn tương ứng với một mức thuế và các điều kiện hưởng mức thuế nhất định. Nhà nhập khẩu sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể của hàng hóa để chọn thuế quan phù hợp và có lợi nhất cho mình. Cụ thể: 

-    Thuế MFN

-    Thuế GSP

-    Thuế AANZFTA

-    Thuế CPTPP

-    Thuế RCEP

Các loại thuế khác

Ngoài thuế quan (thuế nhập khẩu), hàng hóa nhập khẩu vào Australia có thể bị áp các loại thuế khác như:

-    Thuế hàng hóa và dịch vụ (Goods and services tax - GST)

-    Thuế tiêu thụ đặc biệt (excise duty)

-    Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ

Các loại phí, lệ phí nhập khẩu

Hàng hóa nhập khẩu vào New Zealand phải chịu các mức phí/lệ phí khác nhau, bao gồm: phí thông quan hàng hóa (Goods clearance fees), phí đầu vào hệ thống an toàn sinh học (Biosecurity System Entry Levy - BSEL) và phí kiểm tra an toàn sinh học (Biosecurity Fees).

Chi tiết Bước 3 xem tại: https://trungtamwto.vn/thi-truong-rcep/27229-xac-dinh-cac-loai-thue-phi-doi-voi-hang-hoa-nhap-khau-vao-new-zealand

Bước 4: Khai báo nhập khẩu, nộp thuế, phí và thông quan hàng hóa

Với các lô hàng có giá trị trên 1.000 NZD, nhà nhập khẩu phải nộp hồ sơ khai báo nhập khẩu điện tử (Electronic import entry) cho Cơ quan Hải quan New Zealand thông qua Hệ thống Thương mại một cửa (TSW) hoặc qua phần mềm trao đổi dữ liệu điện tử (Electronic Data Interchange System – EDI System). Trong hầu hết các trường hợp, Đại lý hải quan (Customs broker) hoặc người giao nhận vận tải (Freight forwarder) có thể thay mặt nhà nhập khẩu thực hiện việc khai báo này.

Việc khai báo nhập khẩu phải được hoàn thành trong vòng 20 ngày kể từ khi hàng hóa cập cảng New Zealand. Trên thực tế, nhà nhập khẩu có thể khai báo cho Cơ quan Hải quan New Zealand trước khi hàng đến để đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa, tránh việc phải chịu thêm phí lưu kho (demurrage) (hàng hóa nhập khẩu thường chỉ được miễn phí lưu kho từ 3-4 ngày).

Với những lô hàng có giá trị nhỏ (dưới 1.000 NZD), nhà nhập khẩu/đại lý hải quan chỉ cần điền và nộp Thông tin hàng hóa điện tử (Electronic Cargo Information - ECI) qua TSW hoặc EDI để được thông quan. 

Sau khi nhà nhập khẩu hoàn tất việc khai báo nhập khẩu và hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ nộp thuế, phí, Cơ quan Hải quan New Zealand sẽ tiến hành thông quan và giải phóng lô hàng nếu hàng hóa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nhập khẩu (về giấy phép, TBT, SPS...). 

Trong trường hợp lô hàng nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu/tiêu chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…, hàng hóa/bao bì hàng hóa có thể phải làm lại các thủ tục khắc phục, nếu có thể (như khử trùng, in nhãn lại,…) hoặc bị trả về nước xuất khẩu hoặc bị tiêu hủy.

Chi tiết Bước 4 xem tại: https://trungtamwto.vn/thi-truong-rcep/27228-khai-bao-nhap-khau-nop-thue-phi-va-thong-quan-hang-hoa-nhap-khau-vao-new-zealand

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI