Hai năm thực thi EVFTA: Những kỳ vọng lợi ích từ EVFTA và các FTA

12/05/2023    115

Để thu thập các thông tin thực tiễn về việc thực hiện EVFTA của các doanh nghiệp, năm 2022, Nhóm nghiên cứu của VCCI đã triển khai một Khảo sát về thực tế hoạt động và cảm nhận của doanh nghiệp về kinh doanh trong bối cảnh thực thi EVFTA hai năm vừa qua cũng như hội nhập FTA nói chung.

Khi được hỏi về mức độ kỳ vọng với những lợi ích cụ thể mà doanh nghiệp có thể nhận được từ EVFTA và các FTA, các doanh nghiệp tỏ ra rất lạc quan. Trong trung bình, 90,5% doanh nghiệp kỳ vọng ở mức độ khác nhau vào một/các lợi ích cụ thể EVFTA và các FTA có thể mang lại cho hoạt động kinh doanh của họ.

Tỷ lệ các doanh nghiệp có kỳ vọng vào hiệu ứng tích cực của các FTA trong Khảo sát 2022 này chỉ giảm nhẹ so với tỷ lệ thu được từ Khảo sát năm 2020 của VCCI (91,5%). Tuy nhiên, tỷ lệ “rất kỳ vọng” đã giảm từ mức 57,7% năm 2020 xuống còn 41,5% năm 2022, phần nhiều chuyển sang “kỳ vọng tương đối” hoặc “chút ít”, cho thấy so với 2020, mức độ kỳ vọng hiện tại của các doanh nghiệp ở các FTA phần nào đã nhạt hơn. Với một viễn cảnh kinh tế thế giới nhiều bất định hơn hẳn so với 2020, cùng với thực tế đã trải nghiệm trong 02 năm qua với các FTA, có vẻ như các doanh nghiệp giảm bớt sự kỳ vọng vào các FTA.

Đi sâu hơn vào từng nhóm lợi ích lớn từ EVFTA và các FTA mà doanh nghiệp kỳ vọng, Khảo sát cho thêm những thông tin đáng chú ý:

- Về các cơ hội gia tăng quy mô doanh thu, lợi nhuận

Kết quả Khảo sát cho thấy có tới 91% doanh nghiệp kỳ vọng ít nhiều vào nguồn cung, lượng đơn hàng, giao dịch, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tốt hơn nhờ các FTA. Đặc biệt, có tới 47,4% doanh nghiệp đặt kỳ vọng cao vào điều này. Theo nhóm doanh nghiệp, tỷ lệ “rất kỳ vọng” trong doanh nghiệp dân doanh gần tương đương với doanh nghiệp FDI (40,6% - 42,8%) trong khi nhóm doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (DNNN) chỉ đặt kỳ vọng ở mức “tương đối” hoặc “chút ít”, không có “rất kỳ vọng”. Có lẽ các DNNN không đặt nhiều kỳ vọng vào các lợi ích cụ thể từ các FTA trong tương lai dựa trên trải nghiệm không mấy lạc quan trong quá khứ (chẳng hạn chỉ có 12,5% DNNN cho biết đã từng hưởng lợi cụ thể từ các cam kết EVFTA trong so sánh với mức trung bình 40,8% tất cả các doanh nghiệp).

- Về các cơ hội liên quan tới chuỗi giá trị toàn cầu

Theo Khảo sát, 90,5% doanh nghiệp tin rằng nhờ EVFTA và các FTA, doanh nghiệp sẽ có cơ hội nhất định để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và thu được nhiều lợi ích từ đây (36,8% “rất kỳ vọng”). Theo nhóm doanh nghiệp, kỳ vọng này ở các doanh nghiệp vừa và lớn cao hơn đáng kể so với ở các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Có lẽ sự kỳ vọng của doanh nghiệp không tách rời với nhận thức của họ về năng lực tham gia chuỗi của chính mình. Cũng như vậy, trong so sánh với tỷ lệ 60,1% “rất kỳ vọng” theo Khảo sát năm 2020, có vẻ như doanh nghiệp đã tỉnh táo hơn nhiều khi nhìn nhận về cơ hội tham gia chuỗi nhờ vào các FTA.

- Về các cơ hội hợp tác, liên kết kinh doanh

So với các khía cạnh khác, tỷ lệ các doanh nghiệp nhìn thấy các cơ hội hợp tác, đầu tư, liên doanh với các đối tác trong nước và nước ngoài từ EVFTA và các FTA có khiêm tốn hơn (88,4%) tuy vẫn ở mức rất cao. Điều này có thể giải thích được phần nào từ thực tế là khác với các cơ hội trực tiếp về mở rộng thị trường hay tham gia vào chuỗi sản xuất xuất khẩu nhờ vào ưu đãi thuế quan, các cơ hội đầu tư kinh doanh từ các FTA thường được thúc đẩy một cách gián tiếp và lâu dài (thông qua các triển vọng kinh tế và các cơ hội lợi nhuận hứa hẹn từ quá trình thực thi các FTA), đồng thời có nhiều yếu tố ngoài hội nhập phải được cân nhắc trong mỗi quyết định hợp tác kinh doanh.

- Về môi trường kinh doanh

Có tới 92,2% doanh nghiệp tham gia Khảo sát hy vọng việc thực thi EVFTA và các FTA sẽ giúp môi trường kinh doanh, các thủ tục hành chính, các vấn đề thể chế khác sẽ được cải thiện ít nhiều (46,9% “rất kỳ vọng”). Theo nhóm doanh nghiệp, tỷ lệ DNNN có kỳ vọng cao ở khía cạnh này (25%) chỉ xấp xỉ phân nửa tỷ lệ các doanh nghiệp FDI và dân doanh có cùng mức kỳ vọng (46,7%-47,3%). Có lẽ các DNNN không bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố về môi trường kinh doanh như các nhóm doanh nghiệp còn lại, do đó không đặt nặng vấn đề này. Cũng có thể nhóm này không có nhiều lợi ích khi môi trường kinh doanh được điều chỉnh theo các cam kết FTA.

Trong tổng thể, có thể thấy doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào các khía cạnh lợi ích cụ thể từ EVFTA và các FTA. Một mặt, sự lạc quan, tin tưởng và kỳ vọng cao này có thể là cơ sở quan trọng để thúc đẩy sự chủ động của doanh nghiệp trong tìm hiểu cụ thể các cơ hội từ EVFTA và các FTA, từ đó dần hiện thực hóa các mục tiêu kỳ vọng. Mặt khác, những kỳ vọng quá mức hoặc thiếu căn cứ có thể dẫn tới những rủi ro nhất định. Đó có thể là rủi ro trong hoạch định chiến lược kinh doanh tương lai, khi tính toán về lợi ích dự kiến của doanh nghiệp vượt quá xa so với thực tế có thể đạt được. Đó cũng có thể là rủi ro trong đánh giá các nguy cơ, từ đó ảnh hưởng tới việc dự liệu các phương án ứng phó với các thách thức hay sự chuẩn bị cho những khó khăn có thể phát sinh.

Trên thực tế, hiện tượng “kỳ vọng có phần thái quá” vào tác động của các FTA là điều đã được nhận diện trong Khảo sát mà VCCI thực hiện năm 2020 về cùng nội dung. Mặc dù mức độ kỳ vọng đã nhạt hơn trong nhiều khía cạnh ở Khảo sát năm 2022 này, trong tổng thể sự kỳ vọng vẫn là rất cao. Điều này một lần nữa cảnh báo chúng ta về nguy cơ lạc quan quá mức và sự cần thiết phải có những hoạt động tuyên truyền phổ biến chính xác và đầy đủ cho doanh nghiệp về tác động thực chất của những Hiệp định này đối với nền kinh tế cũng như mỗi doanh nghiệp cụ thể.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” – Trung tâm WTO và Hội nhập