Hai năm thực thi EVFTA: Các lý do doanh nghiệp không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh
12/05/2023 198Để thu thập các thông tin thực tiễn về việc thực hiện EVFTA của các doanh nghiệp, năm 2022, Nhóm nghiên cứu của VCCI đã triển khai một Khảo sát về thực tế hoạt động và cảm nhận của doanh nghiệp về kinh doanh trong bối cảnh thực thi EVFTA hai năm vừa qua cũng như hội nhập FTA nói chung.
Về các lý do tại sao doanh nghiệp “không có kế hoạch điều chỉnh”
Cứ 10 doanh nghiệp được hỏi thì có 4 doanh nghiệp chưa có ý định điều chỉnh sản xuất kinh doanh để sẵn sàng cho các cơ hội, rủi ro từ các FTA. Trong so sánh với tỷ lệ chỉ 26,6% trong Khảo sát năm 2020, dường như các doanh nghiệp hiện tại đã bớt mặn mà hơn với việc tự điều chỉnh để “đón” các FTA.
Khảo sát tìm hiểu lý do tại sao họ lựa chọn “không làm gì” và đã thu được những thông tin đáng chú ý.
- Đứng đầu trong số các nguyên nhân khiến doanh nghiệp “không làm gì” là bởi họ tin mình đã đủ năng lực để sẵn sàng cho các FTA, dù là các cơ hội hay thách thức. Cụ thể, 39% doanh nghiệp cho rằng kế hoạch kinh doanh hiện tại của mình đã đủ để tận dụng các cơ hội từ FTA và vượt qua các rủi ro, nếu có. Kết quả này có sự khác biệt đáng kể so với Khảo sát năm 2020, khi đó chỉ có 28,1% doanh nghiệp chọn lý do này (tỷ lệ thấp nhất nếu không tính nhóm doanh nghiệp không làm gì do không tin vào hiệu quả). Có thể các doanh nghiệp đã tự tin hơn ở năng lực của mình hiện tại so với hai năm trước. Cũng có thể, như thể hiện trong các kết quả Khảo sát nêu ở các tiểu mục phía trên, các doanh nghiệp đang nhìn nhận thực chất hơn về các FTA, cũng thực dụng hơn trong hành động, và vì vậy nhìn vào các vấn đề trước mắt hơn là lâu dài.
Nhìn sâu hơn thì các doanh nghiệp FDI (43,6%) và doanh nghiệp có quy mô lớn (51,6%) có tỷ lệ lớn nhất các doanh nghiệp nêu lý do này. Có lẽ hai nhóm này quả thật có đủ tự tin để cho rằng mình hiện đã sẵn sàng.
- Lý do phổ biến thứ hai, được 34,3% doanh nghiệp nhóm “không làm gì” nêu ra, là họ không thấy cần thiết phải điều chỉnh hay chuyển đổi. Họ cho rằng các cơ hội hay thách thức từ các FTA với hoạt động kinh doanh của họ chưa lớn đến mức họ cần phải đầu tư điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để sẵn sàng. So với Khảo sát năm 2020 (36,6%), tỷ lệ lựa chọn lý do này năm 2022 có giảm chút ít, nhưng không tạo ra khác biệt về thứ tự trong lựa chọn của doanh nghiệp.
Với một tỷ lệ lớn các DNNN lựa chọn lý do này (80%), nhóm tỏ ra “thờ ơ” nhất với các FTA ở nhiều khía cạnh (như đã phân tích trong các nội dung trước), kết quả này không bất ngờ. Mức độ quan tâm tới các FTA có lẽ cũng có thể lý giải hợp lý tại sao các doanh nghiệp FDI có tỷ lệ thấp nhất nêu lý do này, nhóm này có tỷ lệ hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA nói chung và EVFTA nói riêng (như nêu ở mục 2 và 3.1 ở trên).
Hoặc có lẽ cái nhìn ngắn hạn, thực dụng của một số doanh nghiệp như nhận diện trong Khảo sát này là nguyên nhân chủ yếu khiến họ không nhìn thấy sự cần thiết của việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để sẵn sàng cho các tác động hội nhập FTA trong dài hạn.
- Có 32,4% doanh nghiệp chọn “không làm gì” mặc dù họ biết điều chỉnh là hữu ích xuất phát từ thực tế là họ không có đủ năng lực, nguồn lực để làm hoặc không biết phải điều chỉnh thế nào. Tín hiệu vui là nhóm “cái khó bó cái khôn” này đã giảm chút ít so với tỷ lệ 39% trong Khảo sát năm 2020.
- Cuối cùng, có một nhóm nhỏ trong số này (8,5%) lựa chọn không làm gì bởi họ không tin việc điều chỉnh có thể giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội từ hội nhập hay giảm bớt khó khăn gì từ đây. Có tới 40% các DNNN nêu lý do này để giải thích tại sao doanh nghiệp mình không có kế hoạch điều chỉnh gì.
Tất nhiên, không phải hoạt động kinh doanh nào cũng sẽ chịu tác động trực tiếp và rõ ràng từ hội nhập, bởi thế không phải với doanh nghiệp nào cũng cần thiết phải hành động. Lựa chọn này, vì vậy cũng không hẳn là không tốt. Mặc dù vậy, cũng sẽ rất đáng tiếc nếu trong số này có những trường hợp vì nghi ngờ về hiệu quả mà bỏ qua việc điều chỉnh để mang tới cơ hội hội nhập FTA cho chính mình.
Hình - Lý do không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh
Nguồn: Khảo sát của VCCI năm 2020, 2022
Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” – Trung tâm WTO và Hội nhập
- Hai năm thực thi EVFTA: Kết quả thực hiện Kế hoạch xây dựng pháp luật thực thi
- Hai năm thực thi EVFTA: Kế hoạch xây dựng pháp luật thực thi
- Hai năm thực thi EVFTA: Yêu cầu thực thi từ góc độ hiện trạng pháp luật Việt Nam
- Hai năm thực thi EVFTA: Các ưu tiên trong điều chỉnh kinh doanh để tận dụng hiệu quả cơ hội các FTA mang lại