Hai năm thực thi EVFTA: Yêu cầu thực thi từ góc độ hiện trạng pháp luật Việt Nam

12/05/2023    557

Là một FTA thế hệ mới, EVFTA bao gồm các cam kết trong phạm vi rộng, liên quan tới nhiều khía cạnh thể chế, pháp luật nội địa, với các nội dung cam kết có tiêu chuẩn cao hơn mức của WTO (WTO+) mà cơ bản pháp luật Việt Nam hiện hành đang thực hiện. Vì vậy, công tác xây dựng pháp luật để bảo đảm tương thích với các cam kết EVFTA là một khía cạnh lớn, quan trọng trong thực thi Hiệp định này.

Về mặt nội dung, EVFTA có một số cam kết quy tắc tương đồng với CPTPP, một FTA thế hệ mới đã có hiệu lực từ tháng 1/2019, vì vậy một số các cam kết tiêu chuẩn cao trong EVFTA trên thực tế đã được thực thi bởi Việt Nam từ trước đó, theo lộ trình thực thi CPTPP. Công tác xây dựng pháp luật thực thi EVFTA, do vậy, cũng được giảm bớt ít nhất ở các khía cạnh này. Tuy vậy, với một số lượng đáng kể các cam kết đặc thù riêng và có tiêu chuẩn cao, công tác xây dựng pháp luật vẫn là một mảng công việc trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng trong thực thi Hiệp định này.

Về nguyên tắc, từ góc độ pháp luật nội địa, công tác xây dựng pháp luật thực thi EVFTA được đặt ra đối với bất kỳ cam kết nào của EVFTA mà pháp luật hiện hành của Việt Nam (tại thời điểm phê chuẩn EVFTA) chưa tương thích.

Tuy nhiên, trên thực tế, phạm vi các hoạt động xây dựng pháp luật được thu hẹp lại đáng kể do đã loại trừ các trường hợp:

  • Cam kết EVFTA được áp dụng trực tiếp mà không cần “nội luật hóa”

Theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, đối với các Điều ước như EVFTA, Quốc hội có thể quyết định việc áp dụng trực tiếp các cam kết đủ rõ, đủ chi tiết. Khi phê chuẩn EVFTA, Quốc hội cũng đồng thời thông qua một danh mục các cam kết EVFTA được áp dụng trực tiếp (Phụ lục II, Nghị quyết 102/2020/NQ-QH14). Điều này có nghĩa là một số cam kết EVFTA mà pháp luật Việt Nam chưa tương thích nằm trong danh mục này được đưa vào hệ thống pháp luật nội địa Việt Nam một cách tự động mà cơ bản không cần phải thực hiện các công việc như sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật để thực thi các cam kết này.

  • Cam kết EVFTA yêu cầu việc tham gia/gia nhập các Công ước, Điều ước, Hiệp định quốc tế

EVFTA bao gồm một số cam kết yêu cầu các Bên (Việt Nam và EU) phải là thành viên của các Công ước, Điều ước, Hiệp định quốc tế (về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…) nhất định. Trên thực tế, Việt Nam chưa tham gia một số trong các Công ước, Điều ước, Hiệp định này và vì vậy sẽ phải tiến hành các thủ tục nội bộ để gia nhập và phê chuẩn/phê duyệt các Văn kiện. Quá trình này sẽ làm phát sinh các văn bản hành chính (trong quá trình gia nhập) và có thể cả văn bản pháp luật (sau khi đã gia nhập và phải thực hiện các nghĩa vụ trong các Công ước, Điều ước, Hiệp định quốc tế đó). Tuy nhiên, các văn bản này hoặc không phải là văn bản pháp luật, hoặc không liên quan trực tiếp tới cam kết thực chất của EVFTA, vì vậy không được xếp vào nhóm các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi EVFTA.

  • Cam kết EVFTA về các vấn đề thiết chế

Để phục vụ việc triển khai một số cam kết về thiết chế trong EVFTA (ví dụ thành lập các Ủy ban, các đầu mối liên lạc, Nhóm tư vấn trong nước…), Việt Nam có thể phải ban hành một số văn bản hành chính, chỉ đạo, điều hành (ví dụ các Quyết định hành chính, các Công văn). Tuy nhiên đây không phải là các văn bản pháp luật có giá trị áp dụng chung.

Do đó, trong tổng thể, từ góc độ yêu cầu của EVFTA, công tác xây dựng pháp luật thực thi EVFTA được thực hiện trong 03 trường hợp cơ bản:

  • Pháp luật Việt Nam chưa tương thích với cam kết EVFTA nhưng không áp dụng trực tiếp các cam kết này (trong trường hợp này việc triển khai các hoạt động này chịu sự ràng buộc theo các thời hạn, yêu cầu của cam kết và có thể được giám sát bởi các đối tác EVFTA);
  • Pháp luật Việt Nam chưa có các quy định để tận dụng các quyền/bảo lưu mà EVFTA cho phép và Việt Nam thấy cần thiết phải bổ sung các quy định để thực hiện quyền này; và
  • Pháp luật Việt Nam chưa đủ để triển khai hiệu quả các cam kết EVFTA mặc dù các cam kết này thuộc diện được áp dụng trực tiếp.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” – Trung tâm WTO và Hội nhập