Hai năm thực thi EVFTA: Kế hoạch xây dựng pháp luật thực thi

12/05/2023    215

Là một FTA thế hệ mới, EVFTA bao gồm các cam kết trong phạm vi rộng, liên quan tới nhiều khía cạnh thể chế, pháp luật nội địa, với các nội dung cam kết có tiêu chuẩn cao hơn mức của WTO (WTO+) mà cơ bản pháp luật Việt Nam hiện hành đang thực hiện. Vì vậy, công tác xây dựng pháp luật để bảo đảm tương thích với các cam kết EVFTA là một khía cạnh lớn, quan trọng trong thực thi Hiệp định này.

Về mặt nội dung, EVFTA có một số cam kết quy tắc tương đồng với CPTPP, một FTA thế hệ mới đã có hiệu lực từ tháng 1/2019, vì vậy một số các cam kết tiêu chuẩn cao trong EVFTA trên thực tế đã được thực thi bởi Việt Nam từ trước đó, theo lộ trình thực thi CPTPP. Công tác xây dựng pháp luật thực thi EVFTA, do vậy, cũng được giảm bớt ít nhất ở các khía cạnh này. Tuy vậy, với một số lượng đáng kể các cam kết đặc thù riêng và có tiêu chuẩn cao, công tác xây dựng pháp luật vẫn là một mảng công việc trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng trong thực thi Hiệp định này.

Trên cơ sở rà soát tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA (Theo Tờ trình của Chính phủ gửi Chủ tịch nước về việc ký EVFTA ngày 6/4/2020 thì Chính phủ đã tiến hành rà soát tổng cộng 58 Luật, 04 Pháp lệnh, 01 Nghị quyết của Quốc hội, 139 Nghị định, 16 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 01 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán), danh sách các văn bản pháp luật nội địa cần sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới nhằm thực thi EVFTA đã được các cơ quan có thẩm quyền xác định, và được liệt kê trong các văn bản sau đây:

  • Nghị quyết số 102/2020/NQ-QH14 của Quốc hội phê chuẩn EVFTA (Phụ lục 4 về các Luật, Bộ luật sẽ được sửa đổi bổ sung theo lộ trình cam kết)
  • Quyết định 1201/QĐ-TTg ngày 6/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện EVFTA (Mục 2 “Xây dựng pháp luật, thể chế” của Phụ lục “Một số công việc cụ thể triển khai thực hiện EVFTA”)
  • Các Kế hoạch thực hiện EVFTA của các Bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể Thao và Du lịch

Theo các văn bản này, công tác xây dựng pháp luật đặt ra trong 02 năm đầu thực thi EVFTA được xác định cụ thể như sau:

  • Sửa đổi 2/2 Luật (bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm);
  • Sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới 5/6 Nghị định (bao gồm các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, hướng dẫn đấu thầu mua sắm theo EVFTA, hướng dẫn Luật Hải quan, về chứng nhận gạo thơm, ban hành biểu thuế ưu đãi đặc biệt);
  • Sửa đổi 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (về thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam);
  • Xây dựng mới 2/2 Thông tư (bao gồm Thông tư về phòng vệ thương mại, và Thông tư về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ).

Ngoài ra, ở phạm vi rộng hơn, một số hoạt động pháp lý, thể chế khác cũng nêu trong các Kế hoạch nói trên, bao gồm:

  • Tiến hành thủ tục gia nhập 2/4 Công ước, Hiệp định quốc tế (Công ước về quyền tác giả của WIPO – WCT và Công ước về Biểu diễn và bản ghi âm của WIPO - WPPT).

Xây dựng 03 văn bản hành chính (gồm Quyết định của Chính phủ và Bộ Công Thương về xây dựng cơ chế thành lập Nhóm Tư vấn trong nước; và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định các cơ quan đầu mối để thực thi EVFTA).

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” – Trung tâm WTO và Hội nhập