Hai năm thực thi EVFTA: Các thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu

12/05/2023    134

Theo kết quả Khảo sát, trong số 524 doanh nghiệp phản hồi, có 47,7% doanh nghiệp đã từng tham gia xuất nhập khẩu hoặc cung ứng hàng hóa/dịch vụ cho doanh nghiệp khác để xuất nhập khẩu với ít nhất một thị trường thành viên EU. Với ưu tiên chọn mẫu của Khảo sát (tập trung vào nhóm doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất xuất khẩu), tỷ lệ này mặc dù cao hơn đáng kể trong tương quan với tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU trong tổng chung[1] nhưng vẫn là hợp lý.

Theo nhóm doanh nghiệp, nhóm FDI có tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp với EU cao nhất (56%), tiếp đến là nhóm DNNN (50%) và thấp nhất là nhóm dân doanh (42%). Theo quy mô, Khảo sát cho thấy tỷ lệ này tỷ lệ thuận với quy mô doanh nghiệp, thấp nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ (19,3%) và cao nhất là doanh nghiệp lớn (65,8%).

Qua Khảo sát, có thể thấy các thị trường có trao đổi thương mại hàng hóa chặt chẽ nhất với các doanh nghiệp trong 2 năm đầu thực thi EVFTA là Đức (với 29% doanh nghiệp cho biết từng có hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường này trong thời gian 8/2020- 7/2022), Pháp (21,9%), Ý (20,6%), Hà Lan (18,5%). Các doanh nghiệp cũng có hoạt động xuất nhập khẩu với các thị trường khác nhưng với tỷ lệ thấp hơn nhiều so với 04 thị trường này.

Kết quả này không gây bất ngờ bởi nó tương đối sát với thực tế là Hà Lan, Đức, Pháp, Ý luôn nằm trong tốp 4 thị trường có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam lớn nhất EU, bỏ xa các thị trường ở tốp tiếp theo.

Mặc dù vậy, điều này cũng cho thấy một thực tế chưa được như kỳ vọng: dường như chưa có sự thay đổi lớn nào về mức độ đa dạng hóa thị trường nội khối EU sau khi EVFTA có hiệu lực. Tất nhiên, có những nguyên nhân khách quan dẫn tới tình trạng này, ví dụ 04 thị trường này đồng thời là các cửa ngõ cảng biển chính để hàng hóa tiếp cận EU, và với hiện trạng chung một chế độ thuế quan, việc hàng hóa vào thị trường nào của EU không quá quan trọng. Mặc dù vậy, vấn đề là mục tiêu đa dạng hóa thị trường từ góc độ khách hàng: Để mở rộng thị phần ở EU, hàng hóa Việt Nam phải tiếp cận được các hệ thống phân phối vốn hoạt động khá riêng biệt ở từng thị trường thành viên EU mà không phải chỉ tập trung vào những đầu mối ở một vài thị trường cửa ngõ.

Hình - Tình hình xuất nhập khẩu với các thị trường EU hai năm đầu thực thi EVFTA

Nguồn: Khảo sát của VCCI năm 2022

 

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” – Trung tâm WTO và Hội nhập

 

[1] Theo số liệu tại các Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2020, 2021 của Bộ Công Thương thì kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – EU chiếm tỷ trọng 9,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2020, 8,5% năm 2021.