Hai năm thực thi EVFTA: Lý do cản trở doanh nghiệp hưởng lợi

12/05/2023    43

Để thu thập các thông tin thực tiễn về việc thực hiện EVFTA của các doanh nghiệp, năm 2022, Nhóm nghiên cứu của VCCI đã triển khai một Khảo sát về thực tế hoạt động và cảm nhận của doanh nghiệp về kinh doanh trong bối cảnh thực thi EVFTA hai năm vừa qua cũng như hội nhập FTA nói chung.

Đối với các doanh nghiệp cho biết chưa từng hưởng lợi từ EVFTA trong hai năm vừa qua (chiếm 59,2% doanh nghiệp tham gia Khảo sát), Khảo sát tiến hành tìm hiểu về các lý do cản trở doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội này.

Thực tế, trong so sánh với các FTA khác, đặc biệt là CPTPP, tỷ lệ 59,2% doanh nghiệp chưa từng được hưởng lợi trong hai năm đầu thực thi EVFTA không phải là cao. Từ góc độ thực tiễn, kết quả này cũng không gây ngạc nhiên bởi với một FTA đồ sộ như EVFTA, với nhiều cam kết có lộ trình thực thi dài, nội dung khó, và trong bối cảnh 2020-2022 đặc biệt phức tạp, đây là tình huống đã được dự báo trước.

Tuy nhiên, ngoài các lý do bối cảnh khách quan nói trên, kết quả Khảo sát cho thấy có nhiều lý do chủ quan khác khiến nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng lợi.

Hình - Những lý do cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ EVFTA trong 02 năm đầu thực thi

Nguồn: Khảo sát của VCCI năm 2022

Trong các nguyên nhân mà doanh nghiệp liệt kê, lý do phổ biến nhất, được 69% các doanh nghiệp nêu ra, là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở EU trong hai năm này.

Nhìn từ tỷ trọng của thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2020-2021 (xung quanh 8-9%), và với thực tế chỉ ra từ Khảo sát (rằng phần lớn lợi ích mà doanh nghiệp nhận được từ EVFTA trong hai năm đầu liên quan tới xuất nhập khẩu), tình huống này là hoàn toàn bình thường.

Mặc dù vậy, thực tế này cũng có thể xuất phát từ hai lý do có mức độ phổ biến tiếp theo:

  • Một là doanh nghiệp chưa biết EVFTA có lợi ích gì để tận dụng. Có 23,6% doanh nghiệp nêu điều này khi giải thích lý do tại sao mình chưa từng hưởng lợi từ EVFTA trong suốt hai năm qua. Việc doanh nghiệp bỏ lỡ các cơ hội từ Hiệp định trong hai năm đầu chỉ đơn giản là do chưa biết về Hiệp định thực sự là một điều đáng tiếc. Rõ ràng sự chủ động trong tìm hiểu thông tin của doanh nghiệp cần phải được cải thiện. Đồng thời, các nỗ lực tuyên truyền phổ biến về Hiệp định này có lẽ vẫn còn cần được thúc đẩy hơn nữa.
  • Hai là doanh nghiệp chưa đủ năng lực để kinh doanh với thị trường EU. Cụ thể, có 7,1% các doanh nghiệp (mà chủ yếu là nhóm dân doanh có quy mô nhỏ, siêu nhỏ) cho biết lý do họ chưa hưởng lợi từ EVFTA nằm ở việc họ không biết hoặc không có khả năng đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của EU để có thể xuất khẩu sang thị trường này. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường khắt khe như EU là điều không mới. Mặc dù vậy, đây cũng là gợi ý cho các nỗ lực để giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực, từ đó cũng có thể được hưởng lợi từ Hiệp định này.

Đối với các trường hợp có giao dịch với thị trường EU nhưng chưa từng được hưởng lợi, ngoại trừ các nguyên nhân liên quan tới việc tận dụng ưu đãi thuế quan (sẽ được phân tích riêng ở tiểu mục 4.2 dưới đây) kết quả Khảo sát cho thấy một số thực tế đáng chú ý liên quan tới việc thực thi chưa hiệu quả của các cơ quan có thẩm quyền. Đó có thể là các bất cập ở phía Việt Nam, như các thủ tục, quy trình thực thi khó khăn phức tạp (4,5% doanh nghiệp nêu lý do này), ban hành văn bản thực thi chậm khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội tận dụng (5,8% doanh nghiệp). Đó cũng có thể là những vướng mắc từ phía các cơ quan EU (4,2%). Mặc dù trong so sánh với các trường hợp khác, các lý do này ít được nêu hơn nhưng vẫn là vấn đề cần được chú ý điều chỉnh bởi đây là điều nằm trong khả năng của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” – Trung tâm WTO và Hội nhập