Hai năm thực thi EVFTA: Các lợi ích cụ thể mà doanh nghiệp ghi nhận

12/05/2023    90

Để thu thập các thông tin thực tiễn về việc thực hiện EVFTA của các doanh nghiệp, năm 2022, Nhóm nghiên cứu của VCCI đã triển khai một Khảo sát về thực tế hoạt động và cảm nhận của doanh nghiệp về kinh doanh trong bối cảnh thực thi EVFTA hai năm vừa qua cũng như hội nhập FTA nói chung.

Đối với các doanh nghiệp cho biết đã từng được hưởng lợi từ EVFTA trong 2 năm qua, Khảo sát tiếp tục tìm hiểu sâu thêm về các lợi ích cụ thể từ Hiệp định mà các doanh nghiệp này nhận được.

Kết quả cho thấy trong 02 năm đầu thực thi EVFTA, các lợi ích phổ biến nhất mà doanh nghiệp ghi nhận đều xoay quanh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa (thương mại hàng hóa) như ưu đãi thuế quan, mở rộng “cung”, “cầu”... Tuy nhiên, những lợi ích khác ít trực diện hơn nhưng cũng có ý nghĩa quan trọng như cơ hội hợp tác liên kết, đầu tư kinh doanh hay sở hữu trí tuệ cũng đã bắt đầu trở thành hiện thực với một số các doanh nghiệp. Cụ thể:

- Ưu đãi thuế quan là nhóm lợi ích phổ biến nhất mà doanh nghiệp trải nghiệm trong 02 năm đầu thực thi EVFTA.

Trong số các doanh nghiệp từng hưởng lợi từ EVFTA trong 2 năm qua, 42,1% doanh nghiệp cho biết đã trải nghiệm điều này qua lợi ích từ ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang EU. Ở chiều ngược lại, lợi ích từ ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa EU nhập khẩu vào Việt Nam cũng được 40,2% doanh nghiệp ghi nhận.

Kết quả này không gây ngạc nhiên khi mà ưu đãi thuế quan là nhóm lợi ích dễ nhận diện nhất của bất kỳ FTA nào. Với EVFTA, mặc dù EU đã và đang cho Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan theo chế độ GSP mà EU đơn phương dành cho các đối tác đang phát triển, ưu đãi thuế quan vẫn là lợi ích chủ yếu mà các doanh nghiệp hướng tới bởi (i) các ưu đãi trong EVFTA có phạm vi rộng, bao trùm hầu hết các nhóm hàng hóa (mà không phải chỉ giới hạn ở một số dòng hàng như ưu đãi GSP); (ii) EVFTA cho doanh nghiệp có thêm lựa chọn để xuất khẩu hàng hóa sang EU với ưu đãi thuế quan; (iii) EVFTA là cơ hội duy nhất để doanh nghiệp có thể hưởng ưu đãi thuế khi nhập khẩu hàng hóa từ EU vào Việt Nam.

Hơn nữa, nếu chỉ xét về quy mô thị trường thì với vị thế là khu vực có sức mua lớn thứ hai toàn cầu, EU vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng 2 năm thực thi EVFTA cũng là 2 năm doanh nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng chuỗi logistics, các hệ quả kinh tế từ chiến sự Nga-Ukraine. Vì vậy, tận dụng cơ hội từ ưu đãi thuế quan EVFTA để xuất nhập khẩu với giá cả cạnh tranh hơn với thị trường hấp dẫn EU không nghi ngờ gì là lựa chọn ưu tiên của không ít các doanh nghiệp kinh doanh với thị trường này.

Đáng chú ý, Khảo sát cho thấy các nhóm doanh nghiệp khác nhau có mức độ hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan trong 02 năm đầu thực thi EVFTA không giống nhau. Với các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất khẩu, nhóm FDI có tỷ lệ doanh nghiệp từng hưởng lợi cao nhất (50%). Trong khi đó, nhóm dân doanh đứng đầu về tỷ lệ hưởng lợi ích từ ưu đãi thuế quan với hàng nhập khẩu (43,9%).

- Nhóm lợi ích phổ biến thứ hai là quy mô “cầu” từ thị trường EU của doanh nghiệp được mở rộng nhờ EVFTA.

Sau khi có EVFTA, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận sự gia tăng của “cầu” thị trường từ/có liên quan tới EU, qua đó doanh nghiệp được hưởng lợi ích từ Hiệp định. Cụ thể, có 33,2% doanh nghiệp cho biết trong 02 năm qua, lượng đơn hàng từ EU (thực tế hoặc tiềm năng cao) của doanh nghiệp tăng lên. Đồng thời, có khoảng 30,4% doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận nhờ tham gia cung ứng hàng hóa/dịch vụ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với EU. Ở góc độ rộng hơn, 37,8% doanh nghiệp ghi nhận EVFTA với các lợi ích tiềm năng to lớn đã thúc đẩy các cơ hội hợp tác, liên kết với các đối tác để tận dụng sự gia tăng “cầu” từ Hiệp định này.

Trên thực tế, với các cơ hội lợi ích rất rõ ràng từ ưu đãi thuế quan EVFTA, đặc biệt là ở chiều xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, không khó để suy đoán rằng Việt Nam sẽ có thêm điểm cộng trong tính toán của các đối tác EU. Đây có thể là yếu tố chính giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm đơn hàng từ EU, dưới hình thức trực tiếp (xuất nhập khẩu với EU) hay gián tiếp (thông qua các hợp đồng cung cấp dịch vụ phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu với EU của các doanh nghiệp khác, hay tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu với thị trường này). Đây cũng là động lực thúc đẩy các đối tác (kể cả trong nước và nước ngoài) hợp tác, liên kết với doanh nghiệp để cùng tận dụng các cơ hội từ EVFTA.

- Nguồn “cung” từ EU thuận lợi hơn là nhóm lợi ích phổ biến thứ ba mà doanh nghiệp ghi nhận từ EVFTA.

Theo kết quả Khảo sát, có 22,9% doanh nghiệp được hưởng lợi từ EVFTA thông qua việc có thể tiếp cận các nguồn cung từ EU đa dạng và thuận lợi hơn; 20,1% doanh nghiệp đã có thể tiếp cận các dịch vụ thuận lợi hơn, với giá cả/chất lượng tốt hơn khi giao dịch với các đối tác EU.

- Cuối cùng, một số lợi ích cụ thể khác từ EVFTA cũng được các doanh nghiệp ghi nhận như khả năng doanh nghiệp mở rộng đầu tư sang EU thuận lợi hơn (12,6%), một số tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp được bảo vệ tốt hơn nhờ Hiệp định (9,4%)…

Hình - Các lợi ích cụ thể mà doanh nghiệp ghi nhận sau 02 năm thực thị EVFTA

Nguồn: Khảo sát của VCCI năm 2022

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” – Trung tâm WTO và Hội nhập