Hai năm thực thi EVFTA: Mức độ hiểu biết về EVFTA và các FTA có khác biệt giữa các nhóm doanh nghiệp

26/04/2023    198

Để thu thập các thông tin thực tiễn về việc thực hiện EVFTA của các doanh nghiệp, từ tháng 5/2022 đến hết tháng 8/2022, Nhóm nghiên cứu của VCCI đã triển khai một Khảo sát về thực tế hoạt động và cảm nhận của doanh nghiệp về kinh doanh trong bối cảnh thực thi EVFTA hai năm vừa qua cũng như hội nhập FTA nói chung.

Trong so sánh giữa các nhóm doanh nghiệp, kết quả Khảo sát cho thấy mức độ hiểu biết về EVFTA có khác biệt khá rõ giữa các nhóm doanh nghiệp, giảm dần từ các doanh nghiệp FDI đến doanh nghiệp dân doanh và cuối cùng là các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Cụ thể, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài (FDI) có tỷ lệ biết khá rõ/rõ về EVFTA cao nhất (43,4%). Trong khi tỷ lệ này ở nhóm các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (DNNN) chỉ là 12,5%, thậm chí còn kém xa so với tỷ lệ 36,8% ở nhóm doanh nghiệp dân doanh. Các DNNN cũng là nhóm có tỷ lệ không biết đến bất kỳ cam kết nào liên quan tới mình của EVFTA cao nhất (12,5%), cao gấp đôi so với tỷ lệ này ở nhóm dân doanh và gấp 3 so với nhóm FDI. Cứ 4 DNNN thì có 3 doanh nghiệp chỉ từng nghe nói hoặc biết qua về EVFTA.

Không chỉ với EVFTA mà với các FTA khác tình hình cũng khá tương tự. Các doanh nghiệp FDI là nhóm có tỷ lệ biết khá rõ/rõ trung bình về các cam kết FTA cao nhất (32,2%), tiếp đến là các doanh nghiệp dân doanh (22,7%). Trong khi đó chỉ có 3,1% các DNNN tham gia Khảo sát có hiểu biết về các cam kết,

Mức độ nhận thức của các nhóm doanh nghiệp về EVFTA nói riêng và các FTA nói chung từ kết quả Khảo sát phần nào phản ánh các thực tế đáng chú ý trong hoạt động hội nhập ở các nhóm này:

- Các doanh nghiệp FDI là nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất về xuất nhập khẩu, có mối quan tâm đặc biệt tới các vấn đề về mở cửa thị trường và hội nhập, do đó có động lực cao trong tìm hiểu các cam kết FTA, đặc biệt là các FTA nhiều tiềm năng như EVFTA;

- Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước dường như ít quan tâm tới các FTA nói chung. Và EVFTA mặc dù đã là ngoại lệ (với tỷ lệ biết rõ về cam kết của Hiệp định này cao gấp 4 lần tỷ lệ trung bình biết về các FTA) nhưng cũng cơ bản không làm thay đổi tình hình. Trong bối cảnh DNNN suy đoán có nhiều điều kiện hơn (cả về nhân lực và vật lực) để nghiên cứu về các cam kết, rõ ràng mức độ hiểu biết thấp của các DNNN dường như xuất phát từ lựa chọn của các doanh nghiệp này. Một mặt, điều này có thể được lý giải ít nhiều từ thực tế rằng phần lớn các DNNN tập trung kinh doanh trong thị trường nội địa, ở các lĩnh vực mà mức độ cạnh tranh từ đối thủ nước ngoài hay áp lực hội nhập không quá lớn, và vì vậy ít có sức ép hay động lực để quan tâm tới các FTA. Mặt khác, thực tế này rất có thể xuất phát từ sức ì, sự chậm chạp trong tìm kiếm cơ hội kinh doanh hay tận dụng các lợi thế mới của quá trình hội nhập nói chung và từ các FTA nói riêng của không ít các DNNN.

Đối với các doanh nghiệp dân doanh, mà phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, trong điều kiện còn nhiều hạn chế cả về nguồn lực và năng lực, việc chỉ có 6,7% các doanh nghiệp nhóm này không biết về EVFTA và 36,8% tự tin biết khá rõ/rõ về các cam kết liên quan tới mình của Hiệp định này có thể xem là một tín hiệu tích cực. Trong so sánh với mức độ hiểu biết trung bình các FTA của nhóm này (22,7% biết khá rõ/rõ và 18,5% không biết), rõ ràng EVFTA đã được nhóm này quan tâm tìm hiểu hơn đáng kể.

Hình - Hiểu biết về EVFTA theo nguồn gốc vốn của doanh nghiệp

Nguồn: Khảo sát của VCCI năm 2022

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp”
Trung tâm WTO và Hội nhập