Hai năm thực thi EVFTA: Đánh giá triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài từ EU vào Việt Nam

26/04/2023    186

Trong so sánh với sự biến động mạnh trong tổng vốn FDI mà Việt Nam thu hút từ thế giới cùng thời kỳ, diễn tiến FDI từ EU trong giai đoạn 2 năm đầu thực thi EVFTA dường như ổn định hơn. Cụ thể, trong khi tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2020 giảm gần 25% so với 2019 thì vốn từ EU chỉ giảm 8,6%; năm 2021 tổng vốn thu hút tăng 9,2% thì vốn EU chỉ tăng 2,2%.

Cũng như vậy, so sánh với nguồn FDI mà EU đầu tư ra toàn thế giới, biên độ dao động của FDI EU vào Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều. Cụ thể, năm 2020, trong khi FDI của EU ra toàn thế giới lao dốc, giảm gần 82% thì nguồn vốn này vào Việt Nam chỉ giảm hơn 8%. Còn năm 2021, dòng vốn FDI EU ra thế giới tăng vọt gần 500% so với năm 2020, thì ở Việt Nam, con số này rất khiêm tốn, chỉ tăng hơn 2%.

Một mặt, điều này cho thấy dòng đầu tư từ EU vào Việt Nam khá ổn định, và chịu ảnh hưởng không quá lớn bởi những xu hướng nhất thời chung của đầu tư thế giới. Mặt khác, thực tế này có thể cũng gợi ý rằng Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để tranh thủ thu hút các dòng đầu tư EU dịch chuyển dưới tác động của các yếu tố bất thường trong đầu tư kinh doanh thế giới.

Bên cạnh đó, một thực tế khác không thể bỏ qua là đầu tư EU vào Việt Nam còn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng vốn đầu tư của thế giới mà Việt Nam thu hút (5,51%, số liệu lũy kế đến hết 2021), cũng như trong tổng dòng FDI mà EU đầu tư ra thế giới (5,65%, số liệu năm 2021). Điều này cho thấy Việt Nam còn rất nhiều dư địa để gia tăng nguồn vốn đầu tư từ EU, đặc biệt trong tương lai khi các hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững từ EVFTA rõ nét hơn và EVIPA bắt đầu có hiệu lực. Định hướng và các biện pháp cụ thể hóa nhằm thu hút nhà đầu tư lớn, khuyến khích đầu tư xanh và bền vững của Việt Nam cũng là một nhân tố có thể góp phần vào việc gia tăng FDI từ EU trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, để vốn đầu tư EU vào Việt Nam thực sự tăng tốc ổn định trong thời gian tới, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đồng ý rằng các cơ hội từ EVFTA và sắp tới là EVIPA là rất đáng kể, và khi kết hợp với hiệu ứng cộng hưởng với các FTA khác mà Việt Nam đang thực hiện, chúng sẽ là những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sức hút riêng của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư EU và thế giới. Tuy nhiên có thể Việt Nam sẽ cần phải quảng bá rộng rãi hơn, cho thấy những bằng chứng cụ thể và thuyết phục hơn về các lợi ích này đến với các nhà đầu tư tiềm năng, nhất là những người đang cân nhắc giữa nhiều lựa chọn điểm đến.

Quan trọng hơn, trong các tính toán của mình, nhà đầu tư nói chung và EU nói riêng còn dành sự quan tâm và cân nhắc tới nhiều vấn đề khác mà bản thân EVFTA, EVIPA hay các FTA không giải quyết được (ví dụ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ hạ tầng, chất lượng nguồn lao động, sự nhất quán và đồng bộ trong chính sách…). Và vì vậy, song song với việc hiện thực hóa các cam kết EVFTA, các cơ quan Nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương cũng phải quan tâm xử lý hiệu quả và bền vững các nút thắt này.

Bảng - Nguồn đầu tư FDI của EU ra thế giới và Việt Nam 2019-2021

Năm

Đầu tư EU ra thế giới

Đầu tư EU vào Việt Nam

Trị giá (triệu USD)

Tăng trưởng

Trị giá (triệu USD)

Tăng trưởng

2019

363.335,15

25,57%

1.504,81

-4,23%

2020

66.412,34

-81,97%

1.375,68

-8,58%

2021

397.637,07

498,74%

1.405,27

2,15%

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài và Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2022

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp”
Trung tâm WTO và Hội nhập