Hai năm thực thi EVFTA: Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài từ EU vào Việt Nam

26/04/2023    2284

Về bối cảnh

Là FTA đầu tiên giữa Việt Nam với khu vực thuộc tốp đầu về xuất khẩu tư bản (đầu tư ra nước ngoài), EVFTA mang tới nhiều kỳ vọng về việc thu hút đầu tư vào Việt Nam từ EU nói riêng và đầu tư nước ngoài nói chung.

Một mặt, kỳ vọng này là hợp lý bởi (i) EVFTA có nhiều cam kết về mở cửa đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất cao hơn so với WTO, cho phép nhà đầu tư EU quyền tiếp cận thị trường rộng hơn; (ii) EVFTA có các cam kết về thể chế, quy tắc tiêu chuẩn cao trong nhiều lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, thương mại điện tử… có thể góp phần làm nhà đầu tư nước ngoài nói chung và EU nói riêng yên tâm hơn với môi trường kinh doanh Việt Nam; và (iii) cùng với các FTA khác, EVFTA mở rộng mạng lưới kết nối sản xuất giữa Việt Nam với các đối tác toàn cầu, thúc đẩy nhu cầu sản xuất tiêu dùng, từ đó kích thích đầu tư.

Mặt khác, ít nhất trong giai đoạn 02 năm đầu thực thi Hiệp định, khả năng hiện thực hóa kỳ vọng này bị hạn chế đáng kể bởi (i) các quyết định đầu tư cần một khoảng thời gian khá dài để thực hiện, vì vậy có thể chưa phản ánh ngay trong các số liệu thực tế giai đoạn đầu, (ii) các yếu tố biến động mạnh của kinh tế thế giới nói chung và EU nói riêng trong giai đoạn 2020-2022 có thể làm xáo trộn dòng vốn đầu tư (bao gồm cả các diễn biến có lợi và bất lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam) và (iii) EVIPA, Hiệp định với các cam kết mạnh về bảo hộ nhà đầu tư cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài (ISDS) đặc thù cho nhà đầu tư EU ở Việt Nam chưa được thông qua, vì vậy chưa thể phát huy tác dụng kỳ vọng trong thu hút đầu tư từ Khối này.

Về kết quả thực tế

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, đầu tư FDI của EU vào Việt Nam năm 2020 đạt 1.375,68 triệu USD vốn đăng ký, giảm 8,6% so với 2019, đứng thứ 8 và chiếm 4,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Năm 2021, tình hình có cải thiện hơn, với tổng vốn FDI thu hút được là 1.405,27 triệu USD, tăng 2,15%, đứng thứ 5 nhưng tỷ trọng trong tổng FDI có giảm nhẹ, chỉ chiếm 4,51%.

Tính lũy kế tới hết 2021, EU là đối tác đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam (sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan-Trung Quốc, Hongkong-Trung Quốc), với tổng vốn đăng ký là 22,47 tỷ USD, tương đương 5,51% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Có tổng cộng 25/27 nước thành viên EU đầu tư vào Việt Nam thông qua 2.274 dự án FDI. Trong đó, Hà Lan đứng đầu danh sách với 381 dự án và tổng vốn đăng ký gần 10,47 tỷ USD, chiếm gần 46,6% vốn đầu tư của EU vào Việt Nam. Đứng thứ hai là Pháp với 3,61 tỷ USD, và tiếp theo là Đức với 2,29 tỷ USD.

Các dự án đầu tư EU vào Việt Nam thuộc hầu hết các ngành kinh tế (18/21 ngành theo hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân), trong đó tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất, phân phối điện, khí; bất động sản; thông tin và truyền thông; dầu khí… Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại 54 tỉnh, thành trên cả nước, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn với kết cấu hạ tầng phát triển, có cảng biển, sân bay, như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… Các doanh nghiệp lớn của EU đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam bao gồm Shell Group (Hà Lan), Daimler Chrysler (Đức), Siemens và Alcatel Comvik (Thụy Điển)…

Bảng - Kết quả thu hút đầu tư EU vào Việt Nam giai đoạn 2016-2021

Năm

Đầu tư từ EU vào Việt Nam

Trị giá (triệu USD)

Tăng trưởng

2016

841,12

13,9%

2017

1.508,77

79,38%

2018

1.571,29

4,14%

2019

1.504,81

-4,23%

2020

1.375,68

-8,58%

2021

1.405,27

2,15%

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nhìn vào Bảng dữ liệu trên có thể thấy vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam giai đoạn 2020-2021 có phần giảm so với giai đoạn 2017-2019. Thực tế này cho thấy dường như việc EVFTA có hiệu lực chưa tạo ra tác động lớn tới hiệu quả thu hút nguồn vốn FDI từ EU vào Việt Nam. Trong bối cảnh dịch đặc biệt của giai đoạn 2020-2021, diễn tiến này có lẽ cũng không quá khó lý giải.

Tuy nhiên, các dữ liệu cũng cho thấy một thực tế khác lạc quan hơn: vốn đầu tư từ EU đã có sự tăng đột biến trong giai đoạn từ 2017 cho đến nay so với giai đoạn trước đó. Dường như những kỳ vọng từ EVFTA đã là một trong những động lực thu hút đầu tư từ EU vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư bình quân năm giai đoạn 2017-2021 (giai đoạn sau khi EVFTA hoàn tất đàm phán) tăng 86% so với thời gian 2015-2016 liền trước đó. Cũng như vậy, trong cùng giai đoạn, đầu tư từ toàn thế giới vào Việt Nam ghi nhận mức tăng 39%, tuy khiêm tốn hơn mức tăng đầu tư từ EU nhưng cũng là rất đáng kể và không loại trừ khả năng mức tăng này xuất phát từ hiệu ứng chung về kỳ vọng từ các FTA được hoàn tất đàm phán trong khoảng 2015-2016 (trong đó có EVFTA).

Bên cạnh đó, điều Việt Nam mong đợi ở dòng vốn FDI từ EU không chỉ là ở những con số vốn thu hút hàng năm. Theo đánh giá của các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài, FDI của EU tuy còn khiêm tốn so với các đối tác trong khu vực châu Á nhưng được xếp vào nhóm có chất lượng, có hàm lượng và tỷ lệ chuyển giao công nghệ cao, phương pháp quản lý tiên tiến và tạo ra giá trị gia tăng cao, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Việt Nam. Một dấu hiệu tích cực của FDI EU vào Việt Nam giai đoạn hai năm đầu thực thi EVFTA là phạm vi đầu tư không còn chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp cao mà đã tích cực chuyển hướng mở rộng sang các ngành dịch vụ, năng lượng sạch, công nghiệp hỗ trợ, chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao…

Đáng chú ý, tháng 3/2021, LEGO - Tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em Đan Mạch – EU đã chính thức liên doanh với VSIP đầu tư dự án nhà máy 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương. Đây không chỉ là dự án đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của Tập đoàn này ở nước ngoài mà còn là dự án xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn này trên toàn cầu. Với Việt Nam, khoản đầu tư của LEGO không chỉ là dự án FDI lớn nhất 2021 mà Việt Nam thu hút được mà nó còn đánh dấu “bước ngoặt xanh” trong dòng FDI vào Việt Nam.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp”
Trung tâm WTO và Hội nhập