Hai năm thực thi EVFTA: Kết quả hoạt động nhập khẩu từ EU vào Việt Nam

26/04/2023    210

Theo số liệu của Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU (gồm 27 thành viên) giai đoạn 8/2020-7/2022 ghi nhận sự tăng trưởng liên tục ở cả góc độ xuất khẩu và nhập khẩu. Phần lớn các dữ liệu này thể hiện các tín hiệu lạc quan, cho thấy EVFTA đã có tác động tích cực với thương mại hai chiều.

Sau khi EVFTA có hiệu lực, nhập khẩu từ EU vào Việt Nam cũng tăng liên tục cho tới trước khi chững lại khoảng giữa năm 2022 khi EU gặp khó khăn trong sản xuất dưới ảnh hưởng của chiến sự Nga-Ukraine và các tác động của biến đổi khí hậu ở EU giai đoạn này.

Cụ thể, trong 5 tháng cuối 2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 6,55 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 3% của 7 tháng trước đó). Kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam từ EU đạt 16,9 tỷ USD, tương ứng với mức tăng 15,3% năm 2021. Diễn tiến này quay đầu vào 7 tháng đầu năm 2022, với mức giảm 5,52%.

Các sản phẩm nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng mạnh sau khi có EVFTA gồm nguyên phụ liệu dệt may da giày, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, phân bón, thức ăn gia súc, sản phẩm từ chất dẻo, thủy tinh…

Bảng - Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với EU 2016-2021

Năm

Nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam từ EU(27)

Trị giá nhập khẩu (tỷ USD)

Tăng trưởng

2016

10,34

6,6%

2017

11,37

9,96%

2018

12,92

13,63%

2019

14,04

8,67%

2020

14,65

4,34%

2021

16,89

15,3%

Nguồn: Các Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2016-2021, Bộ Công Thương

Các dữ liệu về nhập khẩu từ EU vào Việt Nam trong hai năm đầu thực thi EVFTA có một số tín hiệu khả quan:

- Thứ nhất, các kỳ vọng về việc tận dụng nguồn cung EU cho sản xuất, xuất khẩu Việt Nam đang dần được hiện thực hóa.

Do EU là nguồn cung của nhiều yếu tố sản xuất đầu vào quan trọng, chất lượng cao, khi mở cửa thị trường nội địa theo EVFTA, Việt Nam kỳ vọng tăng nhập khẩu với giá tốt từ nguồn này để hỗ trợ cho sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp. Trên thực tế, điều này đã được hiện thực hóa phần nào qua thực tế là nhiều mặt hàng trong tốp đầu có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh từ EU trong 02 năm vừa qua là nguồn đầu vào chủ yếu cho sản xuất, xuất khẩu của một số ngành (như sản phẩm hóa chất, thức ăn gia súc và nguyên liệu, sản phẩm chất dẻo, linh kiện phụ tùng ô tô, thuốc trừ sâu và nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may da giày, thủy tinh…).

- Thứ hai, nhập khẩu từ EU không tạo sức ép quá mức cho cạnh tranh trong nước.

Với tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cơ bản luôn thấp hơn tăng trưởng nhập khẩu trung bình của Việt Nam từ tất cả các nước (trừ năm 2020 có cao hơn chút ít), nhập khẩu từ EU trong hai năm qua được cho là không tạo ra cú sốc hay sức ép quá lớn cho thị trường nội địa. Điều này trên thực tế đã được dự báo khi mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam đối với một số sản phẩm nhạy cảm (thịt, một số loại nông sản…) trong EVFTA cho EU là khá thận trọng, có lộ trình dài.

Trong khi đó, cũng có đâu đó dấu hiệu không hoàn toàn tích cực trong nhập khẩu từ EU giai đoạn này. Ví dụ, vẫn có một vài sản phẩm tăng mạnh nhập khẩu từ EU thuộc nhóm tiêu dùng là chủ yếu, ít phục vụ cho sản xuất như kỳ vọng (ô tô nguyên chiếc, chế phẩm thực phẩm, chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh, hàng điện gia dụng…). Xu hướng này nếu tiếp tục sẽ tạo ra áp lực không nhỏ cho cạnh tranh trên thị trường nội địa, nhất là khi nhiều sản phẩm từ EU tiếp tục được mở cửa theo lộ trình.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp”
Trung tâm WTO và Hội nhập