Hai năm thực thi EVFTA: Kết quả hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang EU

26/04/2023    2737

Theo số liệu của Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU (gồm 27 thành viên) giai đoạn 8/2020-7/2022 ghi nhận sự tăng trưởng liên tục ở cả góc độ xuất khẩu và nhập khẩu. Phần lớn các dữ liệu này thể hiện các tín hiệu lạc quan, cho thấy EVFTA đã có tác động tích cực với thương mại hai chiều.

Trong 5 tháng đầu thực thi EVFTA (tức 5 tháng cuối năm 2020), kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 15,62 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ 2019. Năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ từ Việt Nam sang EU lần lượt là 40,12 tỷ USD và 14,1%, 27,69 tỷ USD và 21,39%. Tính chung trong 02 năm thực thi EVFTA (từ tháng 8/2020 đến hết tháng 7/2022), tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 83,4 tỷ USD, đạt trung bình 41,7 tỷ USD/năm.

Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA (sử dụng C/O mẫu EUR.1) năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh gồm sắt thép, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, cao su, gạo, hạt tiêu, sản phẩm mây tre đan….

Nhiều tín hiệu lạc quan được ghi nhận từ các dữ liệu xuất khẩu Việt Nam sang EU dưới tác động của EVFTA:

- Thứ nhất, tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân năm tăng khá.

Cụ thể, với tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân là 41,7 tỷ USD/năm, trong so sánh với số liệu xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019 (33,5 tỷ USD/năm), kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU trung bình năm giai đoạn hai năm đầu thực thi EVFTA cao hơn so với giai đoạn trước đó là 24%.

- Thứ hai, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu được cải thiện rõ rệt.

Năm 2020, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm từ Việt Nam sang EU giảm 1,82%, kết quả này được xem là khả quan hơn rất nhiều so với mức giảm 5,9% trong 7 tháng đầu năm 2020. Trên thực tế, chỉ trong 5 tháng cuối năm khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu sang khu vực này đã quay đầu tăng trở lại ở mức 3,8%, giúp thu hẹp mức giảm cả năm. Trong bối cảnh nhập khẩu của EU từ thế giới năm 2020 giảm 11,52%, mức giảm này của Việt Nam được xem là một tín hiệu tích cực.

Năm 2021, năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực đầy đủ trong cả 12 tháng, xuất khẩu sang EU đã đạt tốc độ tăng trưởng 14,1%, cao hơn đáng kể mức tăng trưởng bình quân xuất khẩu sang thị trường này giai đoạn 2016-2019 (8,2%/năm).

7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang EU với mức tăng 21,4%, đã vượt mức tăng 16,6% kim ngạch xuất khẩu chung đi các thị trường.

Bảng 1 - Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU giai đoạn 2016-2021

Năm

Xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang EU(27)

Trị giá xuất khẩu (tỷ USD)

Tăng trưởng

2016

29,11

10,73%

2017

32,92

13,09%

2018

36,01

9,39%

2019

35,79

-0,61%

2020

35,14

-1,82%

2021

40,12

14,1%

Nguồn: Các Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2016-2021, Bộ Công Thương

- Thứ ba, triển vọng sử dụng ưu đãi thuế quan rất khả quan.

Trong so sánh với tỷ lệ sử dụng ưu đãi trung bình các FTA của Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng ưu đãi EVFTA trong năm 2020-2021 còn rất khiêm tốn, lần lượt là 14,8% và 20,2%, trong khi tỷ lệ trung bình các FTA là 33,1% và 32,7%. Tuy nhiên, nếu so sánh với tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan trong các năm đầu thực thi của phần lớn các FTA thì đây lại là kết quả rất đáng khích lệ. Ví dụ, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm đầu cao hơn xấp xỉ 2,5 lần so với tỷ lệ sử dụng ưu đãi của VN-EAEU FTA và AFTA năm đầu thực thi, cao hơn 1,5 lần so với ACFTA, hơn 6 lần so với AIFTA, cao gấp 2 lần so với các thị trường mới của CPTPP…

Cần chú ý là trong 02 năm đầu thực thi EVFTA, theo cam kết hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế quan theo chế độ GSP mà EU đang đơn phương dành cho Việt Nam trước đó. Nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục sử dụng ưu đãi GSP do quen thuộc hơn, do đó chưa cần sử dụng tới ưu đãi của EVFTA.

Bảng 2 - Tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam

Nguồn: VCCI tổng hợp từ số liệu của Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan

- Thứ tư, lợi ích xuất khẩu từ Hiệp định đã bắt đầu có tác động lan tỏa.

Theo thống kê, nhóm sản phẩm xuất khẩu tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan EVFTA giai đoạn đầu bao gồm gạo (tỷ lệ sử dụng gần như 100%), giày dép (74-98%), thủy sản (70-76%), nhựa và các sản phẩm nhựa (53-70%)…. Từ đây, các lợi ích từ việc thực thi EVFTA có thể lan tỏa tới nhiều khu vực dân cư yếu thế trong các lĩnh vực nông thủy sản, khu vực sử dụng nhiều lao động nữ…

Mặc dù vậy, số liệu về xuất khẩu sang EU trong hai năm thực thi cũng vẫn có một số khía cạnh chưa được như kỳ vọng:

- Thứ nhất, trong so sánh với tình hình chung và các thị trường có FTA khác của Việt Nam trong cùng giai đoạn, kết quả xuất khẩu của Việt Nam sang EU chưa thực sự ấn tượng.  Cụ thể, năm 2021, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam đi EU là 14,1%, thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của xuất khẩu Việt Nam đi các thị trường có FTA khác (18,2%) và từ Việt Nam đi toàn thế giới (19%). Mức này cũng thấp hơn so với tăng trưởng nhập khẩu của EU từ tất cả các nước trên thế giới trong năm 2021 (23%).

Tất nhiên tăng trưởng xuất khẩu sang mỗi thị trường phụ thuộc nhiều yếu tố bên cạnh thuế quan hay FTA, trong đó bao gồm các yếu tố nội tại của thị trường xuất khẩu cũng như tình hình cạnh tranh trên thị trường đó. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng trong bối cảnh chung và dưới ảnh hưởng tương tự từ các diễn biến thương mại thế giới, kết quả này cho thấy có lẽ xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU chưa phát huy hết tiềm năng từ lợi thế FTA.

Bảng 3 - Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường FTA giai đoạn 2020-2021

Thị trường xuất khẩu

2020

2021

Trị giá (tỷ USD)

Tăng trưởng

Trị giá (tỷ USD)

Tăng trưởng

Trung Quốc

48,91

18%

56,01

14,5%

Nhật Bản

19,28

-5,2%

20,13

4,4%

Hàn Quốc

19,11

-3,2%

21,95

14,9%

ASEAN

23,2

-8,4%

28,9

24,8%

EAEU

3,1

7,2%

3,5

15,3%

Anh

4,95

-13,9%

5,8

16,4%

CPTPP châu Mỹ (Canada, Mexico, Peru, Chile)

10,44

5,6%

13,7

31,2%

Australia

1,28

2,56%

4,5

23%

Ấn Độ

5,24

-21,54%

6,3

19,6%

EU (27)

35,1

-1,82%

40,12

14,1%

Thế giới

282,65

7%

336,31

19%

Nguồn: Tổng cục Thống kê

- Thứ hai, nhiều sản phẩm thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, túi xách va-li, cà phê, hạt điều, rau quả… chưa có dấu hiệu tăng trưởng như kỳ vọng. Điều này một lần nữa cho thấy ưu đãi thuế quan có lẽ chỉ là một phần của vấn đề, để tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường có sức mua lớn thứ hai thế giới này, còn nhiều việc khác cần làm. Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối đối tác có lẽ là những việc cần được ưu tiên thực hiện.

- Thứ ba, khả năng đáp ứng/tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) và các yêu cầu kỹ thuật (TBT) ở thị trường EU của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn còn là vấn đề. EVFTA có các cam kết cho phép minh bạch hơn các yêu cầu TBT, SPS, nhưng EVFTA không làm giảm bớt hay hạ thấp các tiêu chuẩn. Thậm chí EU đã điều chỉnh bổ sung nâng cao nhiều tiêu chuẩn đối với hàng hóa trong thời gian này (áp dụng chung cho tất cả các đối tác nhập khẩu). Ví dụ các tiêu chuẩn về dư lượng các chất/chất cấm sử dụng đối với thịt, ngô, đậu, các sản phẩm trái cây tươi hoặc đông lạnh, các loại hạt, rau, dầu từ hạt, chè, cà phê, gia vị…. Trong hai năm vừa qua, không ít lần các sản phẩm (đặc biệt là thực phẩm, nông thủy sản) của Việt Nam đã bị phía EU cảnh báo, nâng tần suất kiểm tra do phát hiện vi phạm các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.

Thêm vào đó, EU đang nằm trong nhóm đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế xanh, sạch, tuần hoàn, và vì vậy các tiêu chuẩn, nghĩa vụ về các khía cạnh này đang và sẽ ngày càng được bổ sung mới hoặc nâng cao cấp độ. Ví dụ gần nhất là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon – CBAM mới được Nghị viện EU thông qua 3/2021, triển khai thực thi từng bước theo lộ trình bắt đầu từ 7/2021. Theo CBAM, EU sẽ đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước không có cơ chế định giá carbon, bắt đầu với một số nhóm hàng hóa mà quá trình sản xuất xả thải nhiều carbon, sau đó sẽ mở rộng dần ra hầu như tất cả các loại hàng hóa.

Xuất khẩu Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo sẽ phải xử lý những rào cản nói trên để có thể gia tăng hiệu quả tận dụng các lợi thế từ EVFTA.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp”
Trung tâm WTO và Hội nhập