CPTPP và Hoạt động XDPL: Tổng hợp các hoạt động XDPL thực thi cam kết CPTPP đang triển khai (tính đến tháng 9/2021)

17/11/2021    85

Rà soát thực tiễn hoạt động XDPL của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian qua cho thấy phần lớn các cam kết CPTPP có thời gian bảo lưu 03 năm (tức là phải thực thi bắt đầu từ 14/1/2022) đã được đưa vào các chương trình xây dựng pháp luật ở thời điểm hiện tại. Cùng với đó, xuất phát từ một số lý do kỹ thuật và pháp lý, 01 cam kết có lộ trình 05 năm (cam kết về bảo hộ độc quyền dữ liệu đối với nông hóa phẩm) cũng đã được triển khai “nội luật hóa” luôn trong giai đoạn này.

Rà soát cho thấy tính tới tháng 9/2021, đã có tổng cộng 04 hoạt động XDPL được thực hiện để chuẩn bị cho việc thực thi các cam kết CPTPP trong giai đoạn tới, bao gồm:

  • Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ;
  • Sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự;
  • Sửa đổi Luật Công đoàn;
  • Xây dựng Nghị định về hàng tân trang.

Tổng hợp các hoạt động XDPL thực thi cam kết CPTPP đang triển khai (tính đến tháng 9/2021)

STT

Hoạt động XDPL đang triển khai

Cam kết CPTPP liên quan

1

Xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi)

09 cam kết thuộc Chương 18 – Sở hữu trí tuệ

2

Xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)

03 cam kết liên quan tới thủ tục tố tụng áp dụng đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ Chương 19 CPTPP

3

Xây dựng Nghị định về hàng tân trang

02 cam kết về hàng tân trang Chương 1 và 2 CPTPP

4

Sửa đổi Luật Công đoàn

01 cam kết về quyền tự do liên kết của người lao động Chương 19 CPTPP

Sau đây là các thông tin cơ bản về các kết quả triển khai các hoạt động này (tính tới tháng 9/2021).

  • Về hoạt động sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là hoạt động XDPL thực thi CPTPP quan trọng nhất trong giai đoạn này, dự kiến sẽ sửa đổi các quy định để nội luật hóa tất cả các cam kết CPTPP về sở hữu trí tuệ còn lại (vốn là nhóm chiếm phần lớn các cam kết cần “nội luật hóa” được bảo lưu.

Hiện quy trình xây dựng Luật này đã hoàn thành giai đoạn soạn thảo và thẩm định cấp Chính phủ, bước vào giai đoạn trình Quốc hội thẩm tra (Ủy ban pháp luật của Quốc hội chủ trì tra), đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, dự kiến sẽ được trình để Quốc hội xem xét tại Kỳ họp tháng 11/2021.

Rà soát Dự thảo Luật này cho thấy có tổng cộng 24 quy định nội luật hóa cam kết FTA, trong đó có cả các cam kết CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Nhiều cam kết CPTPP thuộc diện các ngoại lệ về quyền cũng tận dụng hiệu quả thông qua các quy định Dự thảo Luật này. Ngoài ra, Dự thảo cũng “nội luật hóa” tất cả các cam kết CPTPP có lộ trình 5 năm, với dự kiến sẵn về thời điểm có hiệu lực của quy định liên quan tương ứng với cam kết. Kết quả rà soát sơ bộ cho thấy tất cả các quy định “nội luật hóa” CPTPP trong Dự thảo đều tương thích với cam kết liên quan.

  • Về hoạt động sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự là hoạt động XDPL thực thi 01 cam kết CPTPP liên quan tới thủ tục tố tụng đặc thù áp dụng cho các tội vi phạm quyền SHTT (sao lậu quyền tác giả và giả mạo nhãn hiệu).

Cũng như Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Dự án Luật này đã hoàn thành các giai đoạn cần thiết, dự kiến sẽ được trình để Quốc hội xem xét tại Kỳ họp tháng 11/2021.

Dự thảo Bộ luật này cho thấy có tổng cộng 02 quy định được sửa đổi để nội luật hóa cam kết CPTPP (về quyền khởi tố của cơ quan nhà nước ngay cả khi không có khiếu nại của người bị hại liên quan tới các tội về sao lậu quyền tác giả, giả mạo nhãn hiệu). Dự thảo điều chỉnh bỏ các tội này khỏi diện các tội chỉ được khởi tố nếu có yêu cầu của người bị hại, do đó đã phù hợp cam kết.

  • Về hoạt động xây dựng mới Nghị định về hàng tân trang

Xây dựng Nghị định về hàng tân trang là hoạt động được nêu trong Kế hoạch XDPL thực thi CPTPP của Chính phủ và Bộ Công Thương, dự kiến hoàn thành theo đúng lộ trình cam kết trong CPTPP (3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực).

Hàng tân trang là vấn đề mới, chưa từng được đề cập trong hệ thống pháp luật nội địa của Việt Nam (trước CPTPP, cũng như nhiều nước khác, Việt Nam không phân biệt “hàng tân trang” với “hàng đã qua sử dụng”). Do đó, việc xây dựng Nghị định này được tiến hành với cách tiếp cận thận trọng.

Dự thảo Nghị định đã được Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu) soạn thảo xong, đã đăng công khai để lấy ý kiến công chúng và gửi VCCI lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp vào tháng 8/2021. Nếu đúng lịch trình thì Nghị định này sẽ được ban hành cuối năm 2021 để có hiệu lực 2022.

Dự thảo công bố cho thấy Nghị định tập trung vào 02 vấn đề cơ bản (i) cơ chế cho hàng tân trang: nội dung này được quy định theo đúng mức mở cam kết trong CPTPP, theo đó hàng tân trang nhập khẩu từ các nước CPTPP (thuộc danh sách mã HS được liệt kê) sẽ không phải chịu các hạn chế nhập khẩu áp dụng đối với hàng đã qua sử dụng; (ii) các điều kiện để hàng tân trang tại nước ngoài được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo CPTPP, các điều kiện này được thiết kế theo hướng chặt, kiểm soát ở nhiều khâu và hạn chế diện thụ hưởng (theo đó để có thể hưởng cơ chế theo cam kết CPTPP, hàng tân trang phải được sản xuất tại cơ sở tân trang đặt tại nước thành viên CPTPP đã có mã số hoạt động do Bộ Công Thương cấp phép; mỗi lô hàng tân trang nhập khẩu phải được cấp phép nhập khẩu bởi Bộ quản lý chuyên ngành). Các vấn đề này thuộc quyền quyết định của Việt Nam, không bị ràng buộc bởi CPTPP.

  • Về hoạt động sửa đổi Luật Công đoàn

Cam kết CPTPP liên quan tới vấn đề quyền tự do liên kết của người lao động đã được Việt Nam “nội luật hóa” đầy đủ với quy định về quyền thành lập, hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (bên cạnh hệ thống công đoàn truyền thống) trong Bộ luật lao động 2019. Do đó, về mặt nguyên tắc, sửa đổi Luật Công đoàn không phải là nhiệm vụ XDPL để bảo đảm tính tương thích với CPTPP mà chủ yếu để các quy định về công đoàn phù hợp với cơ chế mới được thiết lập trong Bộ luật lao động về các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Mặc dù vậy, việc sửa đổi Luật Công đoàn vẫn được đưa vào Kế hoạch XDPL dự kiến để thực thi CPTPP của Quốc hội như là hoạt động tiếp nối của việc sửa đổi Bộ luật lao động thực thi CPTPP (trong Phụ lục II Nghị quyết 72).

Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi bao gồm (i) nhóm các quy định sửa đổi để phù hợp với các quy định mới của Bộ luật lao động về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và (ii) nhóm các quy định sửa đổi để khắc phục các tồn tại, bất cập của Luật Công đoàn 2012.

Dự thảo Luật này đã được công bố và lấy ý kiến rộng rãi từ giữa năm 2020, đã được trình Quốc hội thẩm tra (Ủy ban pháp luật của Quốc hội chủ trì thẩm tra) tháng 9/2020, dự kiến sẽ được trình để Quốc hội xem xét tại Kỳ họp tháng 11/2021.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập