CPTPP và Hoạt động XDPL: Bối cảnh và cách thức xây dựng pháp luật thực thi CPTPP

17/11/2021    200

CPTPP có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 với Việt Nam, đồng nghĩa với tất cả các cam kết của Việt Nam trong CPTPP (ngoại trừ các trường hợp có bảo lưu về lộ trình thực hiện muộn hơn) đều bắt đầu phải được đưa vào thực thi từ thời điểm này.

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, các cam kết CPTPP chỉ bao gồm các cam kết ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các Bên tham gia, tức là các Nhà nước nước thành viên CPTPP đã ký và phê chuẩn Hiệp định. Do đó, để các cam kết này phát huy hiệu lực và tác động trên thực tế với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cụ thể, cần thiết phải có các hành động của Nhà nước để chuyển hóa các cam kết này thành các quyền và nghĩa vụ cụ thể cho các chủ thể trên lãnh thổ nước mình cũng như của đối tác trong quan hệ thương mại với mình. Quá trình này thường được biết đến như là quá trình “nội luật hóa” cam kết FTA.

Đối với Việt Nam, quá trình “nội luật hóa” các cam kết CPTPP được thực hiện thông qua một hoặc hai cách thức sau:

Cho phép áp dụng trực tiếp các cam kết CPTPP bằng Nghị quyết của Quốc hội

Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội phê chuẩn CPTPP (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 72) liệt kê 15 cam kết/nhóm cam kết (được xác định theo tên điểm, khoản, điều, nội dung cụ thể theo Văn kiện CPTPP) sẽ được áp dụng trực tiếp khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam (Phụ lục 2 Nghị quyết 72). Như vậy, 15 cam kết/nhóm cam kết CPTPP được liệt kê đã được “nội luật hóa tự động”, có thể áp dụng ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trở thành căn cứ hợp pháp cho các hoạt động tương ứng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không cần viện dẫn tới quy định pháp luật nội địa nào.

Về nội dung, chiếm phần lớn trong số các cam kết được áp dụng trực tiếp là nhóm các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa (Biểu cam kết ưu đãi thuế quan của Việt Nam trong CPTPP), dịch vụ và đầu tư (Danh mục các biện pháp không tương thích), cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước (ISDS). Một phần nhỏ là một số cam kết về các định nghĩa khái niệm, hoặc các nghĩa vụ đủ rõ, đủ chi tiết, có thể thực hiện ngay.

Ban hành các quy định pháp luật mới, hoặc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật đang có để thực thi các cam kết CPTPP

Ngoại trừ các cam kết được áp dụng trực tiếp theo Nghị quyết 72 của Quốc hội, về nguyên tắc tất cả các cam kết CPTPP còn lại sẽ không được áp dụng trực tiếp ở Việt Nam. Và vì vậy suy đoán là để có thể áp dụng các cam kết này cho các tổ chức, cá nhân, thì cần “nội luật hóa” các cam kết này thông qua việc ban hành các quy định pháp luật mới, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật đang có.

Tuy nhiên, không phải tất cả các cam kết trong nhóm không được áp dụng trực tiếp này đều cần “nội luật hóa” (ví dụ các cam kết không liên quan tới các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước, các cam kết mà pháp luật Việt Nam đã có quy định tương ứng/tương thích…). Vì vậy, trên thực tế các cam kết phải được “nội luật hóa” theo cách này được giới hạn ở nhóm nhỏ hơn, bao gồm các cam kết mà pháp luật Việt Nam hiện chưa tương thích, các cam kết mà việc thực thi đòi hỏi phải có hướng dẫn cụ thể trên thực tế bằng các quy định pháp luật…

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập