CPTPP và Hoạt động XDPL: Mục tiêu của hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP

17/11/2021    181

Về mặt logic, mục tiêu cốt lõi của các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP là nhằm bảo đảm sự tuân thủ trên thực tế của Việt Nam với các cam kết bắt buộc của CPTPP.

Trên thực tế, các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP ở Việt Nam tập trung vào 02 mục tiêu cụ thể sau đây:

Mục tiêu 1: Bảo đảm sự tương thích của pháp luật nội địa với các cam kết CPTPP

Một số cam kết CPTPP có yêu cầu cao hơn chuẩn thông thường vốn được áp dụng ở Việt Nam hoặc chưa từng được đề cập trong pháp luật Việt Nam, dẫn tới tình huống quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành chưa bảo đảm tương thích (trái, mâu thuẫn hoặc không phù hợp với cam kết). Trong các trường hợp như vậy, để bảo đảm tuân thủ các cam kết này của CPTPP, Việt Nam sẽ phải tiến hành sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh pháp luật.

Ví dụ nổi bật cho các trường hợp này là các cam kết CPTPP tiêu chuẩn WTO+ về sở hữu trí tuệ (trong khi pháp luật nội địa Việt Nam đang duy trì bảo hộ ở tiêu chuẩn WTO), các cam kết về quyền tự do liên kết của người lao động (trong khi pháp luật Việt Nam chỉ ghi nhận một công đoàn thống nhất), các cam kết về mở cửa thị trường mua sắm Chính phủ cho đối tác CPTPP (trong khi pháp luật Việt Nam về nguyên tắc là chưa mở cửa cho đấu thầu quốc tế)…

Mục tiêu 2: Bảo đảm các cam kết CPTPP có thể được triển khai khả thi trên thực tế

Tùy thuộc vào tính chất, cơ chế quản lý và hiện trạng pháp luật thể chế của mỗi nước, một số cam kết CPTPP chỉ có thể triển khai trên thực tế sau khi có quy định pháp luật nội địa cụ thể hướng dẫn các nguyên tắc và cách thức tổ chức thực hiện (đối với cả cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan). Nếu thiếu các quy định hướng dẫn này, ngay cả khi về mặt pháp lý các cam kết được phép áp dụng trực tiếp, việc thực hiện trên thực tế các cam kết này cũng không khả thi.

Ví dụ điển hình nhất cho tình huống này là các cam kết về ưu đãi thuế quan. Mặc dù các cam kết về ưu đãi thuế quan của Việt Nam trong CPTPP đã được phép áp dụng trực tiếp theo Nghị quyết 72 của Quốc hội, Chính phủ sau đó vẫn phải thực hiện việc nội luật hóa các cam kết này thông qua việc xây dựng và ban hành Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực thi cam kết này trên thực tế.

Bên cạnh 02 mục tiêu này, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần chủ động thực hiện hoạt động xây dựng pháp luật nhằm các mục tiêu rộng hơn - đáp ứng các nhu cầu nội tại của chính Việt Nam trong bối cảnh hội nhập CPTPP và các FTA. Tuy nhiên, cho tới nay, đây vẫn mới chỉ là các đề xuất từ góc độ chuyên gia là chủ yếu. Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP của Việt Nam trên thực tế vẫn đang cơ bản thực hiện bám sát các yêu cầu bắt buộc trong các cam kết CPTPP, theo 02 mục tiêu như nêu ở trên.

Với việc chỉ tập trung vào 02 mục tiêu này, xét về số lượng, hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP ở Việt Nam khiêm tốn hơn đáng kể so với quy mô các cam kết trong Văn kiện CPTPP.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập