CPTPP và Hoạt động XDPL: Các nhóm cam kết CPTPP không phải “nội luật hóa”

17/11/2021    201

Có 4 nhóm cam kết CPTPP không phải “nội luật hóa”, cụ thể:

1. Nhóm các cam kết CPTPP mà pháp luật Việt Nam đã tương thích tại thời điểm phê chuẩn Hiệp định này

Rà soát tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các cam kết CPTPP cho thấy các quy định pháp luật tại thời điểm phê chuẩn CPTPP (cuối năm 2018) của Việt Nam đã tương thích với phần lớn các cam kết CPTPP.

Điều này có thể xuất phát từ nhiều lý do, ví dụ:

  • Việt Nam đã chủ động “nâng chuẩn” trong nhiều khía cạnh pháp luật về thương mại, đầu tư (đặc biệt giai đoạn 2010-2018 đã có những sửa đổi tổng thể đối với nhiều văn bản pháp luật quan trọng theo hướng cải cách mạnh, xây dựng và hoàn thiện các yếu tố kinh tế thị trường trong nhiều lĩnh vực).
  • Một số văn bản pháp luật của Việt Nam đã chủ động sửa đổi theo các “chuẩn CPTPP” ngay trong quá trình Hiệp định này đàm phán do các “chuẩn” này phù hợp với định hướng cải cách của Việt Nam

2. Nhóm các cam kết CPTPP mà việc thực thi trên thực tế ở Việt Nam không đòi hỏi phải thực hiện thông qua các quy định pháp luật cụ thể

Một tỷ lệ đáng kể các cam kết trong CPTPP mặc dù chưa được đề cập trong hệ thống thiết chế, pháp luật hiện hành nhưng là các vấn đề kỹ thuật có thể được giải quyết thông qua các quyết định hành chính mà không cần điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật, ví dụ các cam kết về:

  • Việc thành lập các thiết chế theo quy định của CPTPP, với thành viên tham gia là quan chức, cơ quan đại diện Chính phủ các nước CPTPP (14 Hội đồng, Ủy ban và các Nhóm công tác của CPTPP);
  • Các khía cạnh hợp tác, trao đổi thông tin liên lạc, đàm phán tương lai… giữa Chính phủ các nước (đàm phán kết nạp thành viên mới, đầu mối thông tin liên lạc của mỗi nước thành viên về các vấn đề CPTPP…);
  • Các cam kết mà việc thực thi có thể được triển khai bằng các chính sách, quyết định hành chính hoặc hành động cụ thể mà không phải là các quy định pháp luật.

Trên thực tế, để thực thi phần lớn các cam kết dạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 734/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP. Đồng thời rải rác có những quyết định cấp Bộ hoặc các văn bản hành chính khác liên quan tới việc thực thi các cam kết này.

3. Nhóm các cam kết CPTPP về các ràng buộc tương lai mà không phải là các yêu cầu cụ thể cho hiện tại

Một phần không nhỏ các cam kết của CPTPP, đặc biệt là các cam kết quy tắc, không buộc các nước thành viên phải thực hiện một yêu cầu hoặc áp dụng một tiêu chuẩn nào cụ thể mà ràng buộc các chính sách, pháp luật trong tương lai của nước thành viên đó. Ví dụ:

  • Các cam kết về lao động yêu cầu các nước thành viên trong tương lai không được miễn trừ hoặc giảm nhẹ hiệu lực pháp lý của các quy định về quyền lao động ghi nhận trong CPTPP hay từ chối thực thi các quy định này theo cách làm ảnh hưởng tới thương mại – đầu tư với các bên khác trong CPTPP;
  • Chương môi trường CPTPP cũng có cam kết với nội dung gần tương tự;
  • Các Chương khác về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư… cũng bao gồm một số cam kết dạng này.

Việc thực thi phần lớn các cam kết dạng này không đòi hỏi Việt Nam phải ban hành, điều chỉnh, hay bổ sung các quy định pháp luật nội địa nào mà chỉ phải tuân thủ các giới hạn/khung khổ nếu có các biện pháp liên quan trong tương lai.

4. Nhóm các cam kết CPTPP không phải là nghĩa vụ bắt buộc mà là các khuyến nghị hoặc quyền lựa chọn

Các cam kết này phần lớn thuộc 02 nhóm:

  • Nhóm các cam kết về quyền/ngoại lệ mà Việt Nam có thể tận dụng nếu muốn mà không bắt buộc phải thực hiện (ví dụ các cam kết về ngoại lệ cho phép giới hạn các quyền sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm theo Tuyên bố của Hiệp định TRIPS và sức khỏe cộng đồng; cam kết bảo lưu quyền ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các gói thầu mở cửa cạnh tranh theo CPTPP…);

Nhóm các cam kết mang tính khuyến nghị, không bắt buộc, dạng “khuyến khích”, “nên”, “có thể”, “sẽ nỗ lực”, “ghi nhận tầm quan trọng”… (ví dụ các cam kết khuyến khích trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sử dụng các cơ chế linh hoạt và tự nguyện để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường…).

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập