CPTPP và Hoạt động XDPL: So sánh công tác nội luật hóa cam kết CPTPP với các FTA đã có hiệu lực
17/11/2021 354Trong so sánh với tất cả các FTA đã có hiệu lực trước đó của Việt Nam, công tác “nội luật hóa” cam kết CPTPP được đặt ra vừa có điểm giống và khác.
Cụ thể, tương tự như 10 FTA đã có hiệu lực trước đó, CPTPP bao gồm các cam kết về ưu đãi thuế quan và quy tắc xuất xứ, các cam kết cần được hướng dẫn cụ thể bằng các quy định của pháp luật nội địa để có thể áp dụng cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Đối với các cam kết ưu đãi thuế quan: Xuất phát từ các đặc điểm kỹ thuật của các cam kết này, từ yêu cầu liên quan của pháp luật Việt Nam, để tổ chức thực hiện các cam kết về ưu đãi thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện việc xây dựng và ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện CPTPP;
Đối với các cam kết về quy tắc xuất xứ: Theo thông lệ chung đối với tất cả các FTA của Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền phải xây dựng văn bản pháp luật mới nhằm hướng dẫn về quy tắc xuất xứ cụ thể đối với hàng hóa; và điều chỉnh các quy định liên quan về xác minh xuất xứ (trong thủ tục hải quan) đối với hàng hóa muốn hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP.
Tuy nhiên, khác với tất cả các FTA đã có trước đó, CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao thực chất, đòi hỏi khối lượng công việc “nội luật hóa” cam kết lớn hơn, tính chất công việc cũng phức tạp hơn, ở các khía cạnh thậm chí chưa từng đặt ra trong các FTA trước đó:
Đòi hỏi “nội luật hóa” từ tính chất “thế hệ mới” của CPTPP: Được coi là một trong những FTA thế hệ mới điển hình, CPTPP có phạm vi cam kết rộng hơn tất cả các FTA trước đó, với nhiều chế định thương mại mới hoặc lần đầu tiên được cam kết trong một FTA (như thương mại điện tử, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm Chính phủ…), và các chế định về các khía cạnh phi thương mại nhưng có mối liên hệ không tách rời với hoạt động thương mại (như lao động, môi trường…).
Ở phần lớn các chế định thuộc diện “thế hệ mới” này, các cam kết của CPTPP được thiết kế một cách thực chất, với các yêu cầu chi tiết và cụ thể liên quan trực tiếp tới nhiều cơ chế quản lý, quy tắc thương mại-đầu tư “đằng sau đường biên giới”, trong hệ thống pháp luật-chính sách nội địa Việt Nam. Vì vậy, nhiều quy định pháp luật nội địa vốn trước đây chưa từng chịu ràng buộc bởi các cam kết FTA nay cũng sẽ phải chịu sự ràng buộc của các cam kết CPTPP, và vì vậy có thể phải điều chỉnh, sửa đổi, hoặc có quy định mới/riêng để đáp ứng yêu cầu cam kết CPTPP.
Đòi hỏi “nội luật hóa” từ tính chất “tiêu chuẩn cao” của CPTPP: Tính chất “tiêu chuẩn cao” của CPTPP thể hiện chủ yếu ở các cam kết quy tắc (i) có các yêu cầu/đòi hỏi cao hơn mức của các cam kết WTO về cùng vấn đề (còn gọi là các “cam kết WTO+”, ví dụ các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ, về biện pháp đầu tư…) hoặc (ii) có yêu cầu cao hơn hiện trạng pháp luật ở một/các nước thành viên trong các khía cạnh mà WTO không đề cập (ví dụ các cam kết về lao động, môi trường, thương mại điện tử…).
Trong khi đó, là thành viên của WTO từ năm 2007, hệ thống pháp luật liên quan tới thương mại, đầu tư nói chung của Việt Nam cơ bản được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn liên quan của WTO. Trong các trường hợp WTO không có cam kết, là một nền kinh tế đang phát triển có trình độ thấp, các lựa chọn pháp luật của Việt Nam thường là theo các tiêu chuẩn thông thường/phổ biến của thế giới, phù hợp với hiện trạng năng lực quản lý và đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, việc thực thi các cam kết “tiêu chuẩn cao” này của CPTPP đòi hỏi Việt Nam phải có những điều chỉnh cần thiết để hệ thống pháp luật, thể chế nội địa tương thích với yêu cầu của CPTPP.
Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập
- CPTPP và Hoạt động XDPL: Bối cảnh và cách thức xây dựng pháp luật thực thi CPTPP
- CPTPP và Hoạt động XDPL: Mục tiêu của hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP
- CPTPP và Hoạt động XDPL: Các nhóm cam kết CPTPP không phải “nội luật hóa”
- CPTPP và Hoạt động XDPL: Các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP đã thực hiện trước khi CPTPP có hiệu lực