CPTPP và Hoạt động XDPL: Hoạt động xây dựng văn bản về quy tắc xuất xứ CPTPP đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu (Thông tư 03/2019/TT-BCT, sửa đổi bởi Thông tư 06/2020/TT-BCT)

17/11/2021    162

Thông tư 03/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương về quy tắc xuất xứ (QTXX) hàng hóa trong CPTPP ban hành ngày 22/01/2019 (Thông tư 03) và Thông tư 06/2020/TT-BCT ngày 24/3/2020 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03 được soạn thảo và ban hành bởi Bộ Công Thương. Thông tư 03 được ban hành nhằm thực thi cam kết tại Chương 3 (Lời văn và Phụ lục về Quy tắc xuất xứ cụ thể từng mặt hàng) và Chương 4 (Lời văn và Phụ lục về Hàng dệt may) của Văn kiện Hiệp định CPTPP. Thông tư 03 ban hành ngày 22/1/2019 và có hiệu lực thi hành từ 8/3/2019, Thông tư sửa đổi (Thông tư 06/2020/TT-BCT) ban hành ngày 24/3/2020, có hiệu lực thi hành ngày 8/5/2020. Ngoài ra, trong quá trình thực thi Thông tư 03, Bộ Công Thương còn ban hành công văn số 8101/XNK-XXHH ngày 25/10/2019 hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu CPTPP về Lời văn chứng nhận xuất xứ của nhà sản xuất, nhà xuất khẩu trên C/O mẫu CPTPP và cấp C/O mẫu CPTPP cho hàng dệt may.

Thông tư bao gồm (i) Phần lời văn với 33 Điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các quy tắc chung về xuất xứ hàng hóa trong CPTPP, quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa, và các quy định riêng chỉ áp dụng cho hàng dệt may và (ii) 09 Phụ lục, bao gồm: các Phụ lục về quy tắc xuất xứ (theo mặt hàng, riêng cho sản phẩm ô tô và dệt may), các Phụ lục về các Biểu mẫu, Phụ lục về trường hợp ngoại lệ và Phụ lục về các cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận xuất xứ CPTPP.

Các quy định tại Phần lời văn cũng như trong các Phụ lục (trừ Phụ lục về cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam) cơ bản chuyển nguyên trạng các cam kết về xuất xứ trong các cam kết liên quan của Hiệp định CPTPP cùng với một số thay đổi nhỏ về ngôn ngữ (cho phù hợp với tiếng Việt), về hình thức (cho phù hợp với hình thức văn bản pháp luật Việt Nam) và chuyển các cam kết diễn giải quy tắc xuất xứ theo mặt hàng thành ký hiệu. Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 03 chủ yếu là về các nội dung liên quan tới các biểu mẫu chỉ áp dụng riêng với Việt Nam (do Việt Nam duy trì hệ thống cấp chứng nhận xuất xứ bởi cơ quan có thẩm quyền), và về 01 khái niệm liên quan tới xác định xuất xứ hàng dệt may.

Căn cứ vào Thông tư này, doanh nghiệp có thể xác định xuất xứ của các lô hàng xuất/nhập khẩu thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó có thể thực hiện các thủ tục chứng nhận xuất xứ với cơ quan có thẩm quyền (đối với hàng hóa xuất khẩu đáp ứng quy tắc xuất xứ), tự chứng nhận xuất xứ nếu đủ điều kiện, yêu cầu đối tác thực hiện các bước cần thiết để hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP. Cũng trên cơ sở các quy định này, doanh nghiệp sản xuất có căn cứ để tính toán điều chỉnh sản xuất, nguồn cung nếu phù hợp để hàng hóa đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP.

Bảng 1. Đánh giá hoạt động xây dựng văn bản thực thi cam kết CPTPP về quy tắc xuất xứ CPTPP đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu

Vấn đề

Kế hoạch của Việt Nam

Thực tế thực thi tại Việt Nam

Nhận xét

1.Thời gian ban hành

-Nghị quyết Quốc hội: Áp dụng trực tiếp một số cam kết về QTXX;

-Quyết định của Thủ tướng: 1/2019;

-Quyết định của Bộ Tài chính: Không có (do Quyết định ban hành 3/2019, sau khi TT 03 đã ban hành).

Ban hành ngày 22/1/2019.

Có hiệu lực ngày 8/3/2019, có quy định hồi tố.

 

Ban hành đúng Kế hoạch.

Bảo đảm yêu cầu của CPTPP về thời điểm có hiệu lực thông qua quy định về hồi tố.

Từ góc độ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam, Thông tư bảo đảm các lợi ích của doanh nghiệp do:

  • Là văn bản thực thi CPTPP được ban hành và có hiệu lực sớm nhất, cho phép hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tận dụng cơ hội ưu đãi thuế quan ở các thị trường CPTPP sớm nhất;
  • Quy định về hồi tố là hoàn toàn khả thi và không ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp.

2.Cách thức nội luật hóa

-Nghị quyết Quốc hội: Áp dụng trực tiếp Điều 3.10 về cộng gộp toàn phần và Điều 3.23.1a về miễn giấy chứng nhận xuất xứ;

-Quyết định của Thủ tướng: Xây dựng Thông tư về xuất xứ.

Thông tư nội luật hóa tất cả các cam kết về xuất xứ, bao gồm cả các cam kết được phép áp dụng trực tiếp theo Nghị quyết của Quốc hội.

Nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng trực tiếp một số điều khoản CPTPP để doanh nghiệp có thể được hưởng lợi từ cam kết này (cộng gộp và miễn giấy chứng nhận xuất xứ) ngay cả khi Thông tư 03 chưa được ban hành.

 

3.Quá trình soạn thảo

Quyết định của Thủ tướng: Không đề cập tới quy trình.

Thông tư được soạn thảo theo quy trình thông thường, có công bố Dự thảo trên website của Bộ Công Thương để lấy ý kiến doanh nghiệp (dự thảo 11/2018).

Quá trình soạn thảo được thực hiện sớm, bắt đầu ngay khi ký CPTPP (3/2018), do đó được ban hành hầu như kịp thời hạn.

Dự thảo được gửi lấy ý kiến VCCI và các Hiệp hội ngành hàng.

Hồ sơ đăng tải lấy ý kiến chỉ có Dự thảo, không có Tờ trình hay tài liệu liên quan khác.

4.Nội dung và Thực thi

Không có.

Thông tư 03

- Theo sát nội dung cam kết phần Lời văn Chương 3 CPTPP (kể cả theo thứ tự lần lượt), có một số điều chỉnh nhỏ để Việt hóa về ngôn ngữ;

- Thay thế các diễn giải cụ thể về QTXX theo dòng sản phẩm tại Phụ lục Chương III CPTPP bằng các ký hiệu (CC, CTH…);

- Xây dựng quy định riêng liên quan tới thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ, các mẫu tờ khai, C/O (do chỉ Việt Nam thực hiện thủ tục này).

Thông tư 06 (sửa đổi Thông tư 03):

- Chủ yếu sửa các nội dung về quy định riêng liên quan tới thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ (các mẫu C/O, tờ khai…);

- Bổ sung giải thích với 01 từ ngữ (quy trình “xe toàn bộ” đối với một số sản phẩm dệt may);

- Bổ sung yêu cầu áp dụng trực tiếp các hướng dẫn, cách hiểu liên quan tới QTXX được các Nước thành viên thống nhất trong khuôn khổ thực thi CPTPP.

 

Ưu điểm

-Bám sát nội dung cam kết và/hoặc chuyển nguyên văn cam kết

- Có một số điều chỉnh hợp lý để thích hợp với hình thức và nội dung của quy định pháp luật Việt Nam

- Một số điều chỉnh về ngôn ngữ rõ ràng hơn cho việc áp dụng (đặc biệt là các quy định trong phần Quy tắc cụ thể mặt hàng)

- Quá trình thực hiện Thông tư 03/2019/TT-BCT cho thấy có vướng mắc, cơ quan có thẩm quyền đã khắc phục các bất cập, sửa đổi các quy định gây vướng mắc bằng Thông tư 06/2020/TT-BCT.

Tồn tại

Về nội dung

Thông tư 03

- Sử dụng ngôn ngữ tương tự cam kết nên không thật dễ hiểu, một số trường hợp mặc dù đã điều chỉnh Việt hóa nhưng chưa đủ (một số cam kết bản tiếng Việt/Việt hóa không rõ ràng bằng bản tiếng Anh);

- Trong QTXX từng mặt hàng, các ký hiệu được sử dụng thay thế diễn giải quy tắc (CC, CTH… ) nhưng lại không có giải thích về nghĩa.

Ví dụ: Quy tắc xuất xứ đối với nhóm sản phẩm có mã HS từ 01.01-01.06

  • Cam kết TA: “A change to a good of heading 01.01 through 01.06 from any other chapter”;
  • Cam kết TV: Chuyển đổi cho hàng hóa của nhóm 01.01 đến 01.06 từ bất kỳ chương nào khác;
  • Thông tư 03: CC (Thông tư không có giải thích CC là gì).

- Thông tư 06:

Đối với các giải thích bổ sung về QTXX (do các nước thành viên CPTPP thống nhất với nhau qua các phiên họp trong quá trình thực thi), Thông tư 06 quy định MOIT sẽ thông báo cho các cơ quan liên quan để thực hiện. Việc chỉ giới hạn đối tượng được thông báo là cơ quan có thẩm quyền mà không bao gồm cả các doanh nghiệp chưa thật minh bạch. Ngoài ra, về mặt pháp lý, các hướng dẫn (nếu có) lẽ ra cần được đưa vào Thông tư sửa đổi.

Theo giải thích từ cơ quan soạn thảo thì lựa chọn này xuất phát từ thực tế (i) các giải thích bổ sung này hầu như là các vấn đề kỹ thuật rất nhỏ, không phải sửa hay giải thích cam kết; (ii) sửa Thông tư tốn nhiều thời gian, quy trình phức tạp, không đáp ứng ngay được yêu cầu doanh nghiệp; (iii) ngoài thông báo chính thức cho các cơ quan liên quan (hải quan, tổ cấp C/O) thì có đăng tải công khai để doanh nghiệp được biết (trên website của Cục XNK).

Về thực thi:

- Diễn giải quy định về QTXX đối với hàng dệt may còn vướng mắc

Theo doanh nghiệp dệt may thì cơ quan có thẩm quyền giải thích QTXX theo hướng “từ bông trở đi” là quá chặt so với cam kết (“từ sợi trở đi”), việc xử lý còn chậm và chưa toàn diện (tháng 10/2019 mới có Công văn 8101/BCT- XNK gỡ vướng, và chỉ cho phép “từ sợi trở đi” đối với sợi kéo tại Việt Nam).

Theo Bộ Công Thương (BCT) thì cam kết CPTPP theo từng nhóm sản phẩm dệt may là “từ bông trở đi”. Trước đề xuất của doanh nghiệp, BCT đã trao đổi với các thành viên CPTPP, đi đến giải pháp là vận dụng cam kết “cộng gộp toàn phần” kết hợp với cam kết “từ bông trở đi” để giải thích QTXX dệt may CPTPP.

- Xảy ra một số vướng mắc kỹ thuật trên thực tế, chủ yếu liên quan tới Biểu mẫu về cấp giấy chứng nhận xuất xứ (ô số 11 trên mẫu C/O, một số thông tin bắt buộc trên mẫu chưa bám sát cam kết)

- CPTPP khuyến khích cơ chế tự chứng nhận xuất xứ (mặc dù Việt Nam bảo lưu quyền không áp dụng cơ chế này trong 5 năm, có thể gia hạn 5 năm) và doanh nghiệp (dệt may) khuyến nghị Việt Nam nên sớm xây dựng cơ chế tự CNXX cho CPTPP.

Theo BCT thì hiện Việt Nam đã đang nghiên cứu về cơ chế này, dự kiến sẽ thí điểm thực hiện sớm với 1 số ngành (da giày), ở một số thị trường đối tác CPTPP.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập