CPTPP và Hoạt động XDPL: Hoạt động xây dựng các văn bản thực thi cam kết CPTPP về hạn ngạch (Thông tư 07/2019/TT-BCT, Thông tư 03/2020/TT-BCT và Thông tư 04/2020/TT-BCT)

17/11/2021    35

Liên quan tới các hạn ngạch thuế quan trong CPTPP, đã có 03 văn bản pháp luật được ban hành mới nhằm thực thi các cam kết về vấn đề này, bao gồm Thông tư 07/2019/TT-BCT quy định về xuất khẩu hàng dệt may sang Mexico theo CPTPP, Thông tư 04/2020/TT-BCT quy định về đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng theo CPTPP và Thông tư 03/2020/TT-BCT về việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan CPTPP được ban hành bởi Bộ Công Thương. Ba văn bản này được xây dựng nhằm hướng dẫn thực thi 03 trong số nhiều nhóm cam kết về hạn ngạch thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của đối tác CPTPP. Trên thực tế, CPTPP có cam kết về hạn ngạch đối với nhiều loại hàng hóa, cả của Việt Nam cho đối tác (hạn ngạch đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam) và của đối tác cho Việt Nam (hạn ngạch đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu), mặc dù vậy chỉ có một số ít cam kết cần có hướng dẫn cụ thể để thực thi, số còn lại có thể thực hiện trên cơ sở tự động hoặc thực hiện theo các cơ chế quản lý sẵn có mà không cần hướng dẫn nào thêm (ví dụ các cam kết về hạn ngạch thuế quan đối với nhiều loại nông sản của cả Việt Nam và đối tác).

Thông tư 07/2019/TT-BCT ban hành ngày 19/4/2019, có hiệu lực từ 20/6/2019 nhằm hướng dẫn thực thi trên thực tế việc áp dụng các ưu đãi hạn ngạch thuế quan đối với hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu sang Mexico theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Mexico tại Thư song phương về thương mại hàng dệt may theo nguồn cung thiếu hụt và quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp và Thư song phương về giám sát doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang Mexico trong khung khổ Văn kiện CPTPP. Thông tư gồm 12 Điều và 03 Phụ lục về (i) quy định về hạn ngạch thuế quan đối với hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Mexico, các điều kiện và cơ chế hưởng ưu đãi từng loại hạn ngạch thuế quan; (ii) quy trình quản lý điều hành hạn ngạch thuế quan đối với hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu đi Mexico, và (iii) thủ tục đăng ký để giám sát doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may đi Mexico. Các nội dung của Thông tư 07 được thiết kế trên cơ sở kết hợp các yêu cầu cam kết trong 02 Thư song phương giữa hai Bên trong CPTPP với thông lệ quy trình quản lý của Việt Nam đối với các vấn đề tương tự. Căn cứ vào Thông tư này, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may đi Mexico có thể được hưởng ưu đãi theo hạn ngạch thuế quan CPTPP mà Mexico cam kết cho Việt Nam.

Bảng 1. Đánh giá hoạt động xây dựng văn bản thực thi cam kết CPTPP về hạn ngạch thuế quan đối với hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu sang Mexico

Vấn đề

Kế hoạch của Việt Nam

Thực tế thực thi tại Việt Nam

Đánh giá

Thông tư 07/2019/TT-BCT về xuất khẩu hàng dệt may sang Mexico theo CPTPP

1.Thời gian ban hành

-Quyết định của Thủ tướng: 1/2019;

-Quyết định của Bộ Công Thương: Quý I/2019.

Ban hành ngày 19/4/2019.

Có hiệu lực ngày 20/6/2019, không có quy định về việc áp dụng hồi tố (do không khả thi về kỹ thuật).

Ban hành chậm so với Kế hoạch.

Không vi phạm yêu cầu của CPTPP về thời điểm hiệu lực do đây là quyền của Việt Nam, không phải nghĩa vụ.

Từ góc độ lợi ích doanh nghiệp Việt Nam: Sự chậm trễ trong ban hành văn bản này có thể khiến doanh nghiệp dệt may Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm liên quan sang thị trường Mexico thiệt hại nhất định (do không được sử dụng hạn ngạch thuế quan của Mexico cho các lô hàng xuất khẩu trước 20/6/2019).

2.Cách thức nội luật hóa

Quyết định của Thủ tướng và Quyết định của Bộ Tài chính: Xây dựng văn bản mới.

Soạn thảo và ban hành 01 văn bản riêng về các vấn đề liên quan tới hàng dệt may xuất khẩu đi Mexico (hạn ngạch thuế quan, chứng thư xuất khẩu, giám sát doanh nghiệp)

Việc xây dựng một văn bản riêng quy định về các vấn đề liên quan tới xuất khẩu dệt may sang Mexico theo CPTPP là phù hợp bởi đây là vấn đề riêng, không liên quan tới bất kỳ nội dung trong một văn bản sẵn có nào.

3.Quá trình soạn thảo

Quyết định của Bộ Công Thương: Không đề cập tới quy trình.

Thông tư được soạn thảo theo quy trình thông thường, bắt đầu từ 11/2018, công bố Dự thảo trên website của Bộ Công Thương để lấy ý kiến doanh nghiệp (dự thảo 12/2018).

Quá trình soạn thảo được thực hiện sớm, tuy nhiên vẫn bị ban hành chậm so với yêu cầu.

Dự thảo không được gửi lấy ý kiến VCCI.

Hồ sơ đăng tải lấy ý kiến chỉ có Dự thảo, không có Tờ trình hay tài liệu liên quan khác.

4.Nội dung

Quyết định của Bộ Công Thương: Văn bản về hạn ngạch, điều hành và giám sát việc xuất khẩu hàng dệt may sang Mexico.

Thông tư quy định ưu đãi thuế theo hạn ngạch thuế quan đối với hàng dệt may xuất khẩu sang Mexico theo CPTPP, nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan và giám sát hàng dệt may xuất khẩu sang Mexico theo CPTPP.

Ưu điểm

-Quy định rõ các nội dung theo cam kết;

-Cơ chế tổ chức được thiết kế thuận lợi (hệ thống điện tử cấp Chứng thư xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang Mexico thực hiện hoàn toàn qua Internet, trừ lùi hạn ngạch tự động).

Tồn tại

Không thấy công bố công khai thông tin về hạn ngạch dệt may hàng năm của Mexico cho Việt Nam như quy định trong Thông tư.

Theo Bộ Công Thương thì điều này là do phía Mexico không công bố hạn ngạch từ 2020 – Bộ đã phản ánh nhiều lần với phía Mexico.

 

Thông tư 03/2020/TT-BCT quy định về việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan theo CPTPP được Bộ Công Thương ban hành ngày 22/1/2020, có hiệu lực từ 29/2/2020 nhằm hướng dẫn thực thi trên thực tế cam kết về hạn ngạch thuế quan ưu đãi đối với thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước CPTPP tại Biểu cam kết và Phụ lục A của Việt Nam trong Chương 2 Văn kiện CPTPP. Thông tư gồm 06 Điều và 01 Phụ lục quy định về (i) lượng hạn ngạch thuế quan đối với thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu theo CPTPP (không tính vào hạn ngạch đối với sản phẩm tương tự theo WTO), (ii) đối tượng được phân giao hạn ngạch (doanh nghiệp thương mại Nhà nước theo Thông tư 12/2018/TT-BCT đã có) và (iii) thủ tục phân giao hạn ngạch (dẫn chiếu thủ tục tại Thông tư 12/2018/TT-BCT đã có). Căn cứ vào Thông tư này, các doanh nghiệp thương mại Nhà nước đáp ứng yêu cầu có thể được hưởng các lợi ích từ cam kết ưu đãi của Việt Nam đối với thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu trong CPTPP.

Thông tư 04/2020/TT-BCT quy định về đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng theo CPTPP được Bộ Công Thương ban hành ngày 22/1/2020, có hiệu lực từ 5/3/2020 (Thông tư này sau đó đã được đính chính bởi Quyết định số 731/QĐ-BCT ngày 04/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương do một số lỗi sai sót về kỹ thuật). Thông tư này hướng dẫn thực thi trên thực tế cam kết về hạn ngạch thuế quan ưu đãi đối với ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước CPTPP tại Biểu cam kết và Phụ lục A của Việt Nam trong Chương 2 Văn kiện CPTPP. Đây là lần đầu tiên pháp luật Việt Nam có quy định về đấu giá “quyền tài sản” (mà không phải là đấu giá “tài sản” như thông thường). Thông tư gồm 09 Điều và 01 Phụ lục về các nguyên tắc và điều kiện đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng trên cơ sở các yêu cầu riêng về quy trình đấu giá sản phẩm này theo cam kết tại Hiệp định CPTPP trên nền chung của pháp luật về đấu giá tài sản và điều kiện nhập khẩu ô tô hiện hành của Việt Nam. Căn cứ vào Thông tư này, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam có thể được hưởng các lợi ích từ cam kết về hạn ngạch thuế quan đối với ô tô đã qua sử dụng của Việt Nam trong CPTPP. Để thực thi trên thực tế, Hội đồng đấu giá thành lập theo Thông tư 04 còn ban hành Quy chế đấu giá cụ thể theo từng năm, với các nội dung chi tiết về quy trình, thời hạn, điều kiện, các biểu mẫu.

Chi tiết đánh giá hoạt động có thể tham khảo tại Phụ lục III Trang 112 Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách”.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập