CPTPP và Hoạt động XDPL: Hoạt động xây dựng văn bản thực thi cam kết CPTPP về hàng rào kỹ thuật về mỹ phẩm (Thông tư 32/2019/TT-BYT)

17/11/2021    24

Thông tư 32/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 4 và Phụ lục số 01-MP Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm được soạn thảo và ban hành bởi Bộ Y tế ngày 16/12/2019, có hiệu lực từ 01/02/2020. Thông tư có 01 nội dung sửa đổi nhằm thực thi 01 cam kết tại Phụ lục 8-D Chương 8 Văn kiện CPTPP về mỹ phẩm.

Thông tư gồm 05 Điều và 01 Phụ lục, trong đó có 02 Điều liên quan tới việc sửa đổi Thông tư chung về quản lý mỹ phẩm (Thông tư 06/2011/TT-BYT) để thực thi 01 cam kết CPTPP, các nội dung khác của Thông tư không liên quan tới cam kết CPTPP. Theo sửa đổi này, đối với các trường hợp mỹ phẩm nhập khẩu từ các nước CPTPP, hồ sơ công bố mỹ phẩm yêu cầu phải có chứng nhận lưu hành tự do (CFS) của nước sở tại nơi sản xuất mỹ phẩm. Như vậy, so với mỹ phẩm nhập khẩu từ các nước khác ngoài CPTPP, đối với mỹ phẩm từ các nước CPTPP, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được các chi phí liên quan tới việc xin CFS của nước sở tại cũng như xin xác nhận hợp pháp hóa lãnh sự loại giấy tờ này.

Bảng 1. Đánh giá hoạt động xây dựng văn bản thực thi cam kết CPTPP về hàng rào kỹ thuật về mỹ phẩm

Vấn đề

Kế hoạch của Việt Nam

Thực tế thực thi tại Việt Nam

Đánh giá

1.Thời gian ban hành

Quyết định của Chính phủ: tháng 1/2019.

Quyết định của Bộ: 2019-2020.

Ban hành ngày 16/12/2019.

Có hiệu lực: ngày 01/02/2020.

 

 

Ban hành chậm so với Kế hoạch của Chính phủ.

Bảo đảm tuân thủ yêu cầu của CPTPP về thời điểm có hiệu lực do có quy định hồi tố từ 14/1/2019.

Từ góc độ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam:

  • Về lý thuyết là không ảnh hưởng do đã có quy định về việc áp dụng hồi tố đối với các hồ sơ nộp từ 14/1/2019;
  • Trên thực tế, quy định hồi tố ít ý nghĩa thực tiễn (do hồ sơ công bố mỹ phẩm hợp lệ sẽ được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trong vòng 03 ngày làm việc và kể cả khi hồ sơ phải bổ sung thì thời hạn cho toàn bộ việc bổ sung là 40 ngày – trong khi Thông tư có hiệu lực chính thức chậm hơn 11 tháng).

2.Cách thức nội luật hóa

Quyết định của Chính phủ: Không nêu rõ.

Quyết định của BYT: Sửa Thông tư 06 (Thông tư áp dụng chung).

Không ban hành văn bản riêng mà chỉ sửa văn bản chung để quy định riêng về trường hợp của CPTPP (như là một ngoại lệ của cơ chế quản lý chung).

Việc không ban hành văn bản riêng là hợp lý, bởi vấn đề cần nội luật hóa không phải là bổ sung yêu cầu mới mà là bỏ một yêu cầu đang có.

3.Quá trình soạn thảo

Không đề cập tới quy trình.

Thông tư được soạn thảo theo quy trình thông thường, có công bố Dự thảo trên website của Bộ Y tế để lấy ý kiến doanh nghiệp (02 dự thảo tháng 3 và tháng 6/2019).

Quá trình soạn thảo được thực hiện khá sớm (từ tháng 3/2019 đã có dự thảo) nhưng kéo quá dài, dẫn tới ban hành chậm hơn nhiều so với dự kiến.

Dự thảo được gửi lấy ý kiến VCCI.

Hồ sơ gửi lấy ý kiến bao gồm Dự thảo, không có Tờ trình.

4.Nội dung và Thực thi

Quyết định của Chính phủ: sửa đổi các văn bản liên quan tới yêu cầu về Giấy chứng nhận tự do lưu hành (CFS) đối với mỹ phẩm nhập khẩu.

Quyết định của BYT: Sửa TT 06/2011/TT-BYT.

Thông tư sửa đổi bao gồm cả nội dung sửa đổi chung và nội dung sửa đổi nội luật hóa cam kết CPTPP.

Điều khoản nội luật hóa cam kết CPTPP: điều chỉnh quy định chung về yêu cầu CFS trong Hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu, theo đó yêu cầu này chỉ áp dụng đối với mỹ phẩm nhập khẩu từ các nguồn ngoài CPTPP (còn mỹ phẩm nhập khẩu từ CPTPP thì không cần nộp CFS trong Hồ sơ công bố).

Ưu điểm

Quy định tương thích với cam kết

Tồn tại

Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng Việt Nam nên quy định vượt lên trên cam kết, theo hướng bỏ yêu cầu CFS không chỉ cho mỹ phẩm nhập khẩu từ CPTPP theo cam kết mà cho mỹ phẩm nhập khẩu từ tất cả các nguồn khác bởi:

  • Các giấy tờ khác trong Hồ sơ công bố phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền đã đủ để chứng minh chất lượng và các khía cạnh khác được xác nhận trong CFS;
  • Về mặt logic quản lý rủi ro, không có lý do gì để cho rằng mỹ phẩm nhập khẩu từ các nguồn khác (đặc biệt là từ các nền kinh tế phát triển có yêu cầu TBT cao) không có CFS thì không bảo đảm yêu cầu quản lý về chất lượng như CPTPP;
  • Về mặt thực tế: yêu cầu về CFS hiện hành đang gây nhiều chi phí cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Ngược lại, từ góc độ quản lý, có ý kiến cho rằng vẫn cần duy trì CFS đối với mỹ phẩm nhập khẩu nói chung do:

  • Trong bối cảnh năng lực thanh tra, kiểm tra và giám sát kỹ thuật của Việt Nam còn hạn chế, CFS là một chỉ dấu quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cho phép đăng ký mỹ phẩm tại Việt Nam dựa vào đó đưa ra quyết định;
  • Mặc dù ở nhiều nước phát triển (trong đó có các nước CPTPP), việc quản lý mỹ phẩm dựa trên nguyên tắc “Tự Thông báo báo, tự chịu trách nhiệm” (Notification), do tiêu chuẩn kỹ thuật ở các nước này tương đối cao và việc kiểm soát thực thi nghiêm khắc nên CFS được cấp kể cả dựa trên tuyên bố của nhà sản xuất vẫn căn cứ vào các quy định tiêu chuẩn cao, vì vậy đáng tin cậy;
  • Nhiều đối tác ngoài CPTPP, thậm chí trong CPTPP cũng đang thực hiện yêu cầu CFS đối với mỹ phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, vì vậy việc Việt Nam đơn phương không yêu cầu CFS mà không đổi lại ứng xử tương tự của các đối tác dường như là không công bằng.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập