CPTPP và Hoạt động XDPL: Hoạt động xây dựng văn bản thực thi cam kết CPTPP về mua sắm công (Nghị định 95/2020/NĐ-CP, Thông tư 09/2020/TT-BKHĐT)

17/11/2021    25

Nghị định 95/2020/NĐ-CP quy định về việc thực hiện đấu thầu mua sắm theo CPTPP được Chính phủ ban hành và có hiệu lực ngày 24/8/2020. Văn bản này quy định tất cả các vấn đề liên quan tới đấu thầu mua sắm cho các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP, và vì vậy ngoại trừ quy định nền tảng chung là Luật Đấu thầu, Nghị định này (cùng với các Thông tư hướng dẫn, mà hiện mới có 01 Thông tư là Thông tư 09/2020/TT-BKHĐT) hầu như tạo thành một hệ thống các quy định pháp luật riêng về đấu thầu cho gói thầu CPTPP, song song với hệ thống các quy định pháp luật về đấu thầu chung (Nghị định 63/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu và các Thông tư hướng dẫn).

Nghị định 95/2020/NĐ-CP là một văn bản đồ sộ, bao gồm 11 Chương, với 103 Điều và 07 Phụ lục, quy định hướng dẫn Luật Đấu thầu về tất cả các vấn đề liên quan tới việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện tất cả các gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng, cung cấp hàng hóa thuộc dự án, dự toán mua sắm mà Việt Nam cam kết mở cửa cho các nhà thầu CPTPP tham gia theo cam kết tại Hiệp định này. Về nội dung, Nghị định này được xây dựng chủ yếu dựa trên các quy định hiện hành về quy trình lựa chọn nhà thầu tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP cùng với các điều chỉnh thích hợp ở những khía cạnh mà các cam kết về mua sắm công tại Chương 15 CPTPP có quy định khác với pháp luật đấu thầu Việt Nam (chủ yếu liên quan tới tính minh bạch và bảo đảm cạnh tranh trong quy trình đấu thầu).

Do các quy định hướng dẫn về đấu thầu theo CPTPP được xây dựng theo hướng thiết lập một chỉnh thể riêng với đầy đủ các quy định pháp luật đấu thầu chỉnh thể cho các gói thầu thuộc diện điều chỉnh, sau Nghị định suy đoán Việt Nam sẽ phải ban hành các Thông tư hướng dẫn chi tiết về hồ sơ mời thầu đối với các gói thầu khác nhau thuộc phạm vi điều chỉnh theo cam kết CPTPP (tương đương với hệ thống các Thông tư quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu hiện hành theo pháp luật đấu thầu chung). Cho tới 9/2021, mới có 01 Thông tư hướng dẫn Nghị định này, là Thông tư 09/2020/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 27/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2021 hướng dẫn Nghị định 95/2020/NĐ-CP về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP. Thông tư này gồm 08 Điều và 02 Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa. Về cơ bản các hướng dẫn trong Thông tư và các Mẫu hồ sơ đều căn cứ trên các quy định của Nghị định 95/2020/NĐ-CP. Về mặt logic, theo cách tiếp cận như hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ còn phải ban hành một số Thông tư hướng dẫn khác (tương đương với hệ thống Thông tư hướng dẫn về hồ sơ mời thầu hiện hành), ví dụ Thông tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dịch vụ tư vấn; hồ sơ mời thầu dịch vụ phi tư vấn, hồ sơ mời thầu xây lắp…). Về mặt nội dung, các Thông tư này chỉ quy định chi tiết về việc lập các mẫu hồ sơ mời thầu dựa trên các quy định của Nghị định 95/2020/NĐ-CP do đó suy đoán là phù hợp với Nghị định này. Vì vậy, việc phân tích đánh giá các văn bản hướng dẫn CPTPP về đấu thầu được thực hiện với Nghị định 95/2020/NĐ-CP là chủ yếu, chỉ xem xét đến Thông tư 09/2020/TT-BKHĐT trong trường hợp Nghị định không đề cập.

Bảng 1. Đánh giá hoạt động xây dựng văn bản thực thi cam kết CPTPP về mua sắm công

Vấn đề

Kế hoạch của Việt Nam

Thực tế thực thi tại Việt Nam

Đánh giá

1.Thời gian ban hành

Quyết định của Chính phủ: tháng 1/2019

(Trường hợp ban hành chậm thì có văn bản hướng dẫn việc thực thi tạm thời)..

Quyết định của Bộ KHĐT: 11/2019.

Ban hành và có hiệu lực ngày 24/08/2020, không có quy định hồi tố.

Ban hành chậm so với Kế hoạch của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bảo đảm tuân thủ yêu cầu của CPTPP về thời điểm có hiệu lực do đã có Thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 251/BKHĐT-QLĐT ngày 10/01/2019 thông báo đến các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định để thực hiện cam kết về đấu thầu.

Có thể việc soạn thảo và ban hành muộn xuất phát từ cách tiếp cận theo hướng quy định lại toàn bộ hệ thống pháp luật đấu thầu riêng cho CPTPP.

2.Cách thức nội luật hóa

Quyết định của Chính phủ: Nghị định hướng dẫn riêng đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP, chỉ áp dụng đối với các nước CPTPP.

Quyết định của Bộ KHĐT: Nghị định hướng dẫn thực thi Điều ước quốc tế về đấu thầu.

Xây dựng Nghị định hướng dẫn toàn bộ các vấn đề về đấu thầu đối với các gói thầu theo CPTPP, không sử dụng chung hệ thống pháp luật đấu thầu hiện hành (ngoại trừ văn bản gốc là Luật Đấu thầu).

Đây là văn bản duy nhất trong số các văn bản nội luật hóa CPTPP không những nội luật hóa các nội dung pháp luật Việt Nam chưa thích với CPTPP (theo cách hướng dẫn riêng chỉ về các nội dung không tương thích) mà thiết lập một chỉnh thể pháp luật đấu thầu đầy đủ để áp dụng riêng cho các gói thầu CPTPP.

Việc ban hành một văn bản riêng quy định về toàn bộ các vấn đề đấu thầu cho gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP tạo điều kiện thuận lợi cho người áp dụng (không phải tra cứu các văn bản chung).

Mặc dù vậy, cách thiết lập một hệ thống riêng song song với hệ thống chung (chưa từng có tiền lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam) có điểm bất cập:

  • Khiến hệ thống pháp luật đấu thầu nặng nề, các đơn vị mua sắm phải biết cùng lúc 2 hệ thống quy định riêng biệt để áp dụng cho các gói thầu thuộc CPTPP và không thuộc CPTPP (trong khi nếu chỉ bổ sung các điểm khác biệt riêng của gói thầu CPTPP thì với các trường hợp không có khác biệt, đơn vị mua sắm cứ theo hệ thống pháp luật chung vốn đã quen thuộc mà thực hiện);
  • Trường hợp muốn sửa đổi về bất kỳ vấn đề nào chung cho cả 2 hệ thống, sẽ phải sửa đổi cùng lúc nhiều văn bản.

3.Quá trình soạn thảo

Quyết định của Chính phủ:

Không đề cập tới quy trình.

Nghị định được soạn thảo theo thủ tục rút gọn (được Chính phủ cho phép), được thực hiện bắt đầu từ 3/2019.

Mặc dù được soạn thảo theo trình tự rút gọn, Dự thảo Nghị định vẫn được đăng công khai và lấy ý kiến rộng rãi từ 6/2019.

Quá trình soạn thảo được thực hiện tương đối muộn (từ tháng 3/2019) tuy nhiên cơ bản phù hợp với dự kiến về thời hạn tại Kế hoạch của Bộ KHĐT (dự kiến ban hành văn bản vào tháng 11/2019) và Dự thảo cũng được công bố phù hợp với dự kiến ban hành nhưng việc ban hành bị chậm trễ.

Dự thảo không được gửi lấy ý kiến VCCI, tuy nhiên VCCI có được thông tin về Dự thảo và chủ động tiếp cận cơ quan soạn thảo để lấy Dự thảo.

Mặc dù được cho phép soạn thảo theo quy trình rút gọn, trên thực tế việc soạn thảo vẫn bị kéo dài.

4.Nội dung và Thực thi

Quyết định của Chính phủ: Các quy định hướng dẫn riêng đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP, chỉ áp dụng đối với các nước CPTPP.

Nghị định bao gồm 11 Chương, 103 Điều và 07 Phụ lục quy định về tất cả các vấn đề liên quan tới việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu mà Việt Nam cam kết mở cửa cho các nhà thầu CPTPP (gói thầu CPTPP).

Các quy định của Nghị định được xây dựng theo hướng:

  • Đối với các nội dung CPTPP có cam kết bắt buộc thì quy định rõ cam kết để áp dụng;
  • Đối với các nội dung CPTPP có cam kết tùy nghi (khuyến khích, không bắt buộc) thì quy định như pháp luật đấu thầu chung;
  • Đối với các nội dung CPTPP không có cam kết: quy định tương tự pháp luật đấu thầu chung, “đơn giản và hoàn thiện hơn”.

Ưu điểm

Các quy định tương thích hoàn toàn với cam kết. Thậm chí, một số trường hợp Việt Nam thực hiện cao hơn mức cam kết. Có trường hợp quy định tận dụng không hết bảo lưu được phép trong cam kết CPTPP vì lý do kỹ thuật  (Xem Phụ lục II).

 

 

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập