CPTPP và Hoạt động XDPL: Hoạt động xây dựng văn bản thực thi cam kết CPTPP về sở hữu trí tuệ

17/11/2021    45

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 14/06/2019 và có hiệu lực ngày 01/11/2019. Liên quan tới phần sửa về Luật Sở hữu trí tuệ, văn bản này sửa đổi một số quy định của Luật Sở hữu trí tuệ liên quan tới xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng và chỉ dẫn địa lý, về tính mới và tính sáng tạo của sáng chế, đơn/đề nghị quốc tế về chỉ dẫn địa lý, về nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu, về đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, về một số khía cạnh trong tố tụng giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới. Đây là các cam kết CPTPP mà pháp luật Việt Nam chưa tương thích và phải thực hiện ngay khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam. Văn bản sửa đổi này chưa bao gồm việc nội luật hóa các cam kết CPTPP về sở hữu trí tuệ có lộ trình thực hiện muộn hơn thời điểm Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Mặc dù là văn bản nhằm thực thi CPTPP, xuất phát từ nguyên tắc đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc tuyệt đối tại Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO (Hiệp định TRIPS) mà Việt Nam là thành viên, các sửa đổi được thực hiện trực tiếp đối với Luật Sở hữu trí tuệ và sẽ được áp dụng chung cho tất cả các đối tượng, các giao dịch liên quan, bao gồm cả các chủ thể Việt Nam và nước ngoài (không phụ thuộc vào việc chủ thể hoặc giao dịch có thuộc phạm vi điều chỉnh hay không). Với văn bản này, tất cả các chủ thể đều được hưởng lợi hoặc chịu các ràng buộc mới về sở hữu trí tuệ theo cam kết CPTPP.

Bảng 1. Đánh giá hoạt động xây dựng văn bản thực thi cam kết CPTPP về sở hữu trí tuệ

Vấn đề

Kế hoạch của Việt Nam

Thực tế thực thi tại Việt Nam

Đánh giá

1.Thời gian ban hành

Quyết định của Chính phủ và của Bộ Khoa học và Công nghệ: tháng 5/2019.

Ban hành ngày 14/6/2019.

Có hiệu lực ngày 01/11/2019, có quy định hồi tố.

Ban hành đúng Kế hoạch của Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bảo đảm yêu cầu của CPTPP về thời điểm có hiệu lực do có quy định về hồi tố.

Từ góc độ lợi ích của các chủ thể liên quan: Việc chậm này cơ bản không ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các chủ thể liên quan do các quy định được áp dụng hồi tố và về cơ bản đều khả thi.

2.Cách thức nội luật hóa

Nghị Quyết của Quốc hội, Quyết định của Chính phủ và của Bộ KHCN: Văn bản sửa đổi các điều khoản chưa tương thích của Luật Sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của CPTPP.

 

 

Xây dựng Luật sửa đổi bao gồm các điều khoản sửa đổi trực tiếp các điều khoản chưa tương thích của Luật Sở hữu trí tuệ so với các cam kết CPTPP có hiệu lực từ 14/1/2019.

Theo cách thức này, các quy định sửa đổi sẽ kết hợp với các quy định hiện hành của Luật Sở hữu trí tuệ thành một chỉnh thể chung, áp dụng cho tất cả các đối tượng điều chỉnh của Luật này (chứ không chỉ giới hạn ở các chủ thể hay giao dịch thuộc phạm vi của CPTPP).

Cách thức nội luật hóa này phù hợp với:

  • Tính chất và yêu cầu của cam kết CPTPP;
  • Các nguyên tắc trong TRIPS;
  • Quy định tại Phụ lục 3 - Nghị quyết 72/2018/QH14 phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các Kế hoạch thực hiện CPTPP của Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ.

3.Quá trình soạn thảo

Quyết định của Chính phủ:

Soạn thảo theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Luật sửa đổi được soạn thảo theo thủ tục rút gọn (được Chính phủ cho phép), được thực hiện bắt đầu từ 1/2019.

Mặc dù được soạn thảo theo trình tự rút gọn, Dự thảo Luật sửa đổi vẫn được đăng công khai và lấy ý kiến rộng rãi từ 3/2019.

Quá trình soạn thảo được thực hiện đúng tiến độ dự kiến, bảo đảm quá trình tham vấn, lấy ý kiến đối tượng chịu tác động dù theo quy trình rút gọn và được trình Quốc hội thông qua đúng thời hạn.

Dự thảo được gửi lấy ý kiến VCCI.

 

4.Nội dung và Thực thi

Nghị Quyết của QH:

-Sửa đổi 04 Điều khoản của Luật SHTT;

-Bổ sung một số quy định chi tiết về 07 vấn đề.

Luật sửa đổi gồm các quy định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung với 12 điều khoản của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó:

  • Chỉ bao gồm 04 vấn đề được dự kiến sửa đổi theo Nghị Quyết của Quốc hội; Giải trình về việc không sửa đổi đối với một số vấn đề nêu trong Nghị Quyết của Quốc hội;
  • Bổ sung việc sửa đổi một số vấn đề chưa được dự liệu trong Phụ lục II Nghị Quyết của Quốc hội.

Các quy định cơ bản tương thích hoàn toàn với cam kết.

 

Bảng 2. Tính tương thích của các quy định nội luật hóa với cam kết CPTPP về sở hữu trí tuệ

Cam kết CPTPP

Quy định nội luật hóa

Nhận xét về tính tương thích

Điều 18.7 Chương 18 – Sở hữu trí tuệ.

Gia nhập các Hiệp ước về SHTT.

Nghị quyết 10/NQ-CP ngày 29/1/2021 về việc gia nhập Hiệp ước Budapest.

Hiện đang xây dựng hồ sơ gia nhập Hiệp ước WCT và WPPT.

Tương thích:

  • Đối với Hiệp ước Budapest: Việt Nam thực hiện nghĩa vụ đúng hạn 2 năm;
  • Đối với Hiệp ước WCT và WPPT: Hiện vẫn chưa tới thời hạn thực hiện nghĩa vụ (14/1/2022).

Điều 18.11 – Cạn quyền.

Mặc dù Phụ lục II - NQ72 có nêu nội dung này nhưng Luật sửa đổi không có nội dung này.

Tương thích.

Rà soát của VCCI cho thấy pháp luật Việt Nam đã tương thích với cam kết về cạn quyền trong CPTPP, chỉ là chưa đủ rõ ràng do các quy định về cạn quyền được nêu rải rác ở nhiều điều khoản thay vì tập trung ở một điều khoản.

Điều 18.24 – Hệ thống nhãn hiệu điện tử.

Thực tế http://www.noip.gov.vn/nhan-hieu

Sửa đổi đối với Điều 89 Luật SHTT.

Tương thích.

Điều 18.27 – Đăng ký hợp đồng chuyển giao nhãn hiệu.

Sửa đổi đối với Điều 148 Luật SHTT

Tương thích.

Điều 18.20

Điểm a, b Khoản 1 Điều 18.32 - Chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn.

Sửa đổi đối với khoản 3 Điều 80 Luật SHTT.

Tương thích.

Điểm c Khoản 1 Điều 18.32 – Chỉ dẫn địa lý là tên gọi chung.

Điều 18.33.

Sửa đổi đối với khoản 1 Điều 80 Luật SHTT.

Tương thích.

Có điều chỉnh hợp lý ở 01 điểm:

  • CPTPP: tên gọi chung của hàng hóa theo cách hiểu của người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam;
  • Luật sửa đổi: tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam.

Việc khoanh vùng ở nhóm người tiêu dùng “có liên quan” là hợp lý do người tiêu dùng không liên quan (không bao giờ tiêu dùng tới sản phẩm đó) suy đoán có thể không thể biết về tên gọi chung của hàng hóa đó.

Điều 18.36 – Điều ước quốc tế về chỉ dẫn địa lý

Sửa đổi đối với tên Mục 4 Chương VIII và bổ sung Điều 120a vào Luật SHTT

Tương thích.

Điều 18.38 – Tính mới của sáng chế.

Sửa đổi đối với khoản 3 và bổ sung khoản 4 Điều 60; đối với Điều 61 Luật SHTT.

Tương thích.

Có bổ sung quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam để bảo đảm toàn vẹn ý nghĩa thực tiễn của cam kết.

Khoản 4 Điều 18.74 – Các khoản thiệt hại cho chủ thể quyền đề xuất.

Sửa đổi đối với khoản 1 Điều 205, khoản 2 Điều 136 Luật SHTT.

Tương thích.

Khoản 10, 15 Điều 18.74 – Bên bị kiện nếu thắng phải được thanh toán chi phí tư vấn, luật sư.

Sửa đổi đối với Điều 198 Luật SHTT.

Tương thích.

Khoản 4 Điều 18.76 – Cơ quan hải quan cung cấp thông tin về người vi phạm cho chủ thể quyền.

Sửa đổi đối với Điều 218 Luật SHTT.

Tương thích ở mức cao.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập