CPTPP và Hoạt động XDPL: Văn bản thực thi cam kết CPTPP về lao động

17/11/2021    518

Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019 và có hiệu lực ngày 01/01/2021. Việc sửa đổi Bộ luật Lao động được thực hiện tổng thể, trên hầu như tất cả các chế định của văn bản này, nhằm đáp ứng đòi hỏi nội tại của thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới là chủ yếu. Một số chế định trong Bộ luật Lao động 2019 nội luật hóa các cam kết CPTPP về lao động, bao gồm: cam kết về các quyền lao động cơ bản (quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể thực chất, chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc, loại bỏ lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp); cam kết về các điều kiện lao động chấp nhận được (lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn, sức khỏe nghề nghiệp); cam kết về bảo đảm quyền trong giải quyết tranh chấp lao động. Bộ luật Lao động 2019 cũng bao gồm các sửa đổi liên quan tới Bộ luật Tố tụng dân sự để thực thi cam kết CPTPP về giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án. Ngoài Bộ luật Lao động 2019, một số quy định liên quan tại các văn bản pháp luật khác (ví dụ Luật vệ sinh, an toàn lao động 2015, Luật trẻ em 2016, Luật Dân quân tự vệ 2019…) liên quan tới các cam kết nói trên cũng được điều chỉnh để phù hợp với các cam kết liên quan của CPTPP (tuy nhiên phần lớn các sửa đổi này được thực hiện trước khi CPTPP được phê chuẩn, do đó được tính là đã tương thích với CPTPP vào thời điểm Hiệp định này có hiệu lực với Việt Nam).

Mặc dù là các cam kết mà Việt Nam đưa ra với các đối tác CPTPP, xuất phát từ đòi hỏi của cam kết (nước thành viên phải thông qua và duy trì các quy định pháp luật và thực tiễn chung về các quyền lao động, điều kiện lao động, giải quyết tranh chấp lao động), việc nội luật hóa này được thực hiện tại văn bản chung về lao động (là Bộ luật lao động 2019), và được áp dung cho tất cả các chủ thể liên quan (không phân biệt có liên quan tới thành viên CPTPP hay không). Với các quy định liên quan trong Bộ luật Lao động này, tất cả các chủ thể đều được hưởng lợi hoặc chịu các ràng buộc mới về lao động theo cam kết CPTPP.

Bảng 1. Đánh giá hoạt động xây dựng văn bản thực thi cam kết CPTPP về lao động

Vấn đề

Kế hoạch của Việt Nam

Thực tế thực thi tại Việt Nam

Nhận xét

1.Thời gian ban hành

Nghị Quyết của Quốc hội: “Theo quy định của Hiệp định” (tức là 14/1/2019).

Nghị Quyết của Chính phủ: 2019-2020

Quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: 2019 (văn bản dưới luật trong các năm tiếp theo).

 

Ban hành ngày 20/11/2019.

Có hiệu lực ngày 01/01/2021, không có hiệu lực hồi tố.

 

Ban hành đúng Kế hoạch của Chính phủ và Bộ LĐTBXH.

Mặc dù có hiệu lực muộn, Bộ luật lao động vẫn bảo đảm tuân thủ yêu cầu của CPTPP về thời điểm có hiệu lực của tất cả các cam kết về lao động ngoại trừ cam kết về quyền tự do liên kết của người lao động do Bộ luật lao động 2012 trước đó đã tương thích với các cam kết CPTPP.

Từ góc độ lợi ích của các chủ thể liên quan:

  • Về nguyên tắc việc chậm có hiệu lực của Bộ luật lao động có thể ảnh hưởng tới quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;
  • Về thực tế, theo thông tin từ Bộ LĐTBXH, sau gần 1 năm Bộ luật này có hiệu lực, Bộ chưa nhận được thông tin nào về nhu cầu thành lập tổ chức tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

3.Quá trình soạn thảo

Quyết định của Chính phủ:

Không đề cập.

Quá trình soạn thảo thực hiện qua 02 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: 2016-2017 chỉ sửa một số điều của BLLĐ (để phù hợp cam kết TPP);
  • Giai đoạn 2: 2018-2019 sửa toàn bộ BLLĐ.

Bộ luật lao động sửa đổi được soạn thảo và ban hành theo thủ tục thông thường (bắt đầu từ 2018 nếu chỉ tính giai đoạn 2).

Dự thảo Bộ luật sửa đổi được đăng công khai và lấy ý kiến rộng rãi từ 4/2019 nếu chỉ tính từ giai đoạn 2).

Quá trình soạn thảo được thực hiện đúng tiến độ dự kiến, bảo đảm quá trình tham vấn, lấy ý kiến đối tượng chịu tác động, VCCI và các Hiệp hội thông qua nhiều kênh khác nhau.

Hồ sơ gửi lấy ý kiến bao gồm Dự thảo, Tờ trình và nhiều tài liệu khác.

4.Nội dung và Thực thi

Nghị Quyết của Quốc hội:

Sửa đổi 02 nhóm nội dung:

-Công đoàn và Tổ chức của người lao động;

-Đối thoại tại nơi làm việc, Thương lượng tập thể, Tranh chấp lao động – Đình công (gắn với vai trò của các tổ chức đại diện của người lao động).

Bộ luật lao động 2019 gồm (i) các quy định mới về tổ chức, nguyên tắc, yêu cầu, quyền và nghĩa vụ của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; (ii) điều chỉnh, sửa đổi các quy định khác liên quan tới quyền thương lượng tập thể thực chất, điều kiện lao động chấp nhận được.

Ngoại trừ quy định về quyền tự do liên kết của người lao động mới tương thích một phần (tương thích về pháp luật nhưng chưa bảo đảm thực thi do thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể), các quy định còn lại đã tương thích đầy đủ với cam kết CPTPP về lao động cần nội luật hóa.

Về các quy định nội luật hóa liên quan tới quyền tự do liên kết, cam kết CPTPP yêu cầu các nước thành viên phải ban hành và duy trì các quy định pháp luật về quyền tự do liên kết – so sánh với cam kết này thì:

  • Với Bộ luật Lao động 2019, Việt Nam có thể xem như đã đáp ứng yêu cầu “ban hành” quy định về vấn đề này;
  • Tuy nhiên do các quy định này cần hướng dẫn thi hành mới có thể “thực hiện” trên thực tế (bằng một Nghị định của Chính phủ, quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; điều lệ của tổ chức này) mà hiện lại chưa có văn bản này . Theo thông tin từ Bộ LĐTBXH, hiện Nghị định này đang được triển khai xây dựng (tuy nhiên chưa có Dự thảo nào được công bố chính thức).

Chú ý: Quyền tự do liên kết của người lao động và việc hình thành các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là vấn đề hoàn toàn mới ở Việt Nam. Thực thi quyền này đòi hỏi không chỉ việc xây dựng nền tảng nhận thức mới cho cả người lao động, doanh nghiệp, và cơ quan quản lý Nhà nước mà còn phải (i) thiết lập mới các điều kiện quản lý, cơ chế và bộ máy quản lý Nhà nước về vấn đề này; (ii) thực hiện các điều chỉnh cần thiết đối với pháp luật, thực tiễn liên quan (ví dụ pháp luật về Công đoàn, đặc biệt là trong mối quan hệ với các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và với doanh nghiệp). Quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn về vấn đề này cần tính đến tất cả các yếu tố trên, do đó cần khá nhiều thời gian. Vì vậy, sự chậm trễ trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản hướng dẫn là có thể lý giải.

Từ góc độ pháp luật trong nước, việc ban hành Nghị định chậm trễ cũng chưa phù hợp với quy định của Luật ban hành VBQPPL theo đó văn bản hướng dẫn phải được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản được hướng dẫn.

 

Bảng 2. Tính tương thích của các quy định nội luật hóa với cam kết CPTPP về lao động

Cam kết CPTPP

Quy định nội luật hóa

Nhận xét về tính tương thích

19.3.1 (a) – Nghĩa vụ thông qua và duy trì các quy định PL và thực hiện các quy định PL liên quan tới quyền tự do liên kết.

Điều 5.1(c), 7, 170, 172-178 về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp BLLĐ 2019.

Cơ bản tương thích

Có 01 điểm chưa tương thích đầy đủ

CPTPP: yêu cầu Việt Nam thông qua - duy trì pháp luật và thực hiện các quy định pháp luật về quyền tự do liên kết (của người lao động).

BLLĐ 2019:

- Đã tương thích ở góc độ nghĩa vụ “thông qua và duy trì” do đã có các quy định ghi nhận quyền tự do liên kết của người lao động (ở tất cả các khía cạnh khác nhau của quyền tự do liên kết của người lao động như nêu tại Công ước 87 ILO, ngoại trừ quyền tại Điều 3 về quyền nhận tài trợ, Điều 5 về quyền liên kết giữa các tổ chức đại diện người lao động, và Điều 7 về tư cách pháp nhân tại Công ước 87 – tuy nhiên do CPTPP không dẫn chiếu tới Công ước ILO cụ thể nào về quyền này, cơ bản vẫn có thể xem là pháp luật Việt Nam đã tương thích);

- Chưa bảo đảm nghĩa vụ “thực hiện” do pháp luật lao động chưa có quy định hướng dẫn (ở cấp Nghị định của Chính phủ) để quyền này có thể triển khai thực thi trên thực tế.

19.3.1 (a) – Nghĩa vụ thông qua và duy trì các quy định PL và thực hiện các quy định PL liên quan tới công nhận thực chất quyền thương lượng tập thể.

Điều 4.6, 5.1(c), 6.2(c), 8.1, 62-74, 175-177 BLLĐ về thương lượng tập thể.

Nghị quyết 80/2019/QH14 của Quốc hội gia nhập Công ước 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

BLLĐ và Nghị quyết 80/2019/QH14 (trong đó có quy định áp dụng toàn bộ nội dung Công ước 98) đã tương thích với cam kết CPTPP về quyền thương lượng tập thể do:

  • Đã bao gồm các quy định thực chất với 03 yếu tố cơ bản như nêu tại Công ước 98 ILO gồm:
  • Người lao động và cán bộ công đoàn phải được bảo vệ trước các hành vi của người sử dụng lao động phân biệt đối xử về việc làm (đặc biệt Điều 177);
  • Tổ chức của người lao động không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động  (đặc biệt Điều 177);
  • Nhà nước ban hành và thực hiện các biện pháp để thúc đẩy thương lượng tập thể (đặc biệt là Điều 4.6).
  • Các quy định nói trên đủ để thực hiện việc thương lượng tập thể trên thực tế.

Điều 19.3.1(b) về chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc.

Điều 3.7, 5.1, 8, 35.2, 165 BLLĐ

Nghị quyết 104/2020/QH14 của Quốc hội về việc gia nhập Công ước 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức

Bãi bỏ Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích 1999

Sửa Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự, Luật Dân quân tự vệ.

Tương thích.

Điều 19.3.1(c) về loại bỏ lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

Điều 8, 113.1(b), 143-147 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015.

Luật trẻ em 2016.

Công ước 182 về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (Việt Nam gia nhập năm 2000).

Công ước 138 về tuổi tối thiểu đi làm (Việt Nam gia nhập năm 2003).

Tương thích (phù hợp với cách hiểu về lao động trẻ em và hình thức trẻ em tồi tệ nhất của ILO).

Điều 19.3.1(d) về chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

Điều 5.1, 8.1, 32.3, 90.3

Tương thích.

Điều 19.3.2 về bảo đảm điều kiện làm việc có thể chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

Điều 90-92, 105-111, 133, 134, 142, 145, 149, 159, 164, 166

Tương thích.

(CPTPP không có tiêu chuẩn về điều kiện lao động có thể chấp nhận được).

Điều 19.8 về bảo đảm quyền trong giải quyết tranh chấp về lao động.

Điều 179-211 BLLĐ

Sửa Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự.

Tương thích.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập