CPTPP và Hoạt động XDPL: Hoạt động xây dựng văn bản thực thi cam kết CPTPP về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

17/11/2021    62

Theo Nghị quyết 72/2018/QH14 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Luật Kinh doanh bảo hiểm được xếp vào danh mục văn bản cần sửa đổi bổ sung để thực thi cam kết CPTPP (mục 5 Phụ lục II của Nghị quyết 72/2018/QH14) với nội dung sửa đổi là “bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm như dịch vụ tư vấn, đánh giá rủi ro, dịch vụ hỗ trợ và các dịch vụ giám định” và thời hạn hoàn thành là khi CPTPP có hiệu lực. Theo các Kế hoạch thực thi CPTPP của Chính phủ và của Bộ Tài chính, việc xây dựng một Luật sửa đổi 03 Luật (trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm) để thực thi CPTPP là nhiệm vụ được xác định với thời hạn trình Quốc hội thông qua là vào kỳ họp tháng 5/2019.

Trên thực tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ đã được ban hành ngày 27/06/2019 và được xếp vào diện văn bản thực thi CPTPP. Tiếp sau đó, Bộ Tài chính cũng chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành hoặc tự ban hành 02 văn bản hướng dẫn Luật nói trên về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, bao gồm:

  • Nghị định 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 48/2019/NĐ-CP) và
  • Thông tư 65/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định nội dung đào tạo, thi, cấp, công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.

Tuy nhiên, rà soát các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ (phần về Luật Kinh doanh bảo hiểm) và 02 văn bản hướng dẫn về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho thấy các văn bản này không hướng dẫn thực thi cam kết CPTPP về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, cụ thể:

  • Các cam kết tại Chương 11 – Dịch vụ tài chính và Phụ lục III – Các biện pháp không tương thích về dịch vụ tài chính của Văn kiện CPTPP liên quan tới mở cửa dịch vụ phụ trợ bảo hiểm hầu như không khác gì so với cam kết của Việt Nam trong WTO về vấn đề này. Trong nhiều năm qua (từ năm 2007), Việt Nam không có các quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nhưng không ảnh hưởng tới việc thực thi cam kết;
  • Không nhận diện được các quy định trong các văn bản nói trên hướng dẫn cam kết cụ thể nào của CPTPP về lĩnh vực này:
  1. Luật sửa đổi và Thông tư 65/2019/TT-BTC: Các quy định trong hai văn bản này không nội luật hóa cam kết cụ thể nào của CPTPP về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm;
  2. Nghị định 80/2019/NĐ-CP: Các quy định trong Nghị định không nội luật hóa cam kết cụ thể nào của CPTPP về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mà chỉ sử dụng quyền quản lý theo nguyên tắc thận trọng được ghi nhận trong CPTPP để đặt ra các điều kiện đối với nhà cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nước ngoài (tuy nhiên quyền này thực chất đã được thừa nhận chung theo WTO và đã áp dụng ở Việt Nam từ khi xây dựng Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành.
  • Các quy định tại các văn bản này áp dụng chung cho tất cả nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài mà không hạn chế ở các nhà cung cấp dịch vụ CPTPP (chú ý đây không phải là hình thức mở cửa tự nguyện, vượt lên trên cam kết CPTPP của Việt Nam cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài CPTPP mà là cam kết của Việt Nam trong WTO).

Như vậy, về bản chất, các quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong các văn bản này là cơ chế quản lý của Việt Nam thiết lập lần đầu tiên đối với dịch vụ này mà không phải là quy định thực thi cam kết CPTPP theo yêu cầu bắt buộc để bảo đảm tính tương thích của pháp luật nội địa với CPTPP hay để triển khai trên thực tế cam kết CPTPP. Và việc soạn thảo và ban hành các văn bản này xuất phát từ thực tế phát triển của thị trường và nhu cầu quản lý của Nhà nước đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (trong bối cảnh trước đó Việt Nam chưa có cơ chế quản lý cụ thể nào về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm).

Từ các lý do nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ (Phần về Kinh doanh bảo hiểm), Nghị định 80/2019/NĐ-CP và Thông tư 65/2019/TT-BTC sẽ không được xem xét như là một văn bản thực thi cam kết CPTPP trong Rà soát này. Tất cả các thông tin liên quan (về thời gian ban hành, tính tương thích…) tới các văn bản này vì vậy cũng không được đưa vào thống kê chung của Rà soát này.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập