CPTPP và Hoạt động XDPL: Rà soát tính tương thích của pháp luật Việt Nam với cam kết CPTPP

17/11/2021    47

Với các mục tiêu “nội luật hóa” CPTPP, để nhận diện các hoạt động xây dựng pháp luật (XDPL) thực thi CPTPP, cần rà soát tính tương thích của các quy định trong hệ thống pháp luật nội địa hiện hành với từng cam kết CPTPP.

Trên thực tế, để chuẩn bị cho việc phê chuẩn và triển khai thực thi CPTPP, Việt Nam đã tiến hành một đợt rà soát để đánh giá tác động của các cam kết CPTPP với hệ thống pháp luật Việt Nam, qua đó xác định các văn bản, quy định pháp luật cụ thể phải được sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới nhằm thực thi CPTPP.

Theo báo cáo của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan rà soát các luật, pháp luật, nghị định đang có hiệu lực (tại thời điểm 30/4/2018) với các cam kết CPTPP. Đã có tổng cộng 265 văn bản được rà soát trong đợt này, bao gồm 56 luật, 4 pháp lệnh, 186 nghị định, 02 nghị quyết của Quốc hội, 02 nghị quyết của Chính phủ, 01 nghị quyết của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao và 14 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các văn bản cấp thông tư không được rà soát trong đợt này.

Sau rà soát, Chính phủ trình kiến nghị với Quốc hội các hoạt động XDPL thực thi CPTPP thuộc thẩm quyền của Quốc hội như sau:

  • Kiến nghị sửa đổi bổ sung 07 luật (không tính 01 luật đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2018);
  • Kiến nghị áp dụng trực tiếp 15 cam kết/nhóm cam kết.

Đồng thời, dựa trên kết quả của đợt rà soát nói trên, Chính phủ cũng dự kiến danh mục các văn bản dưới luật/nghị quyết của Quốc hội (tức văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, các Bộ ngành) cần sửa đổi, bổ sung để thực thi cam kết CPTPP.

Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện việc rà soát pháp luật trong quá trình thực thi CPTPP để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung nếu cần thiết. Trên thực tế, mặc dù chưa nhận diện được một cách chính xác đợt rà soát thứ hai này, các hành động cụ thể của các Bộ ngành trong việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản pháp luật trên thực tế (với một số trường hợp không nằm trong dự kiến của Quốc hội hay Kế hoạch thực thi CPTPP ban đầu của Chính phủ) cho thấy các cơ quan hữu quan đã từng bước thực hiện việc rà soát đợt hai này.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập